Cải cách giáo dục bắt đầu từ việc hiểu đúng những khái niệm cơ bản

08:28, 03/10/2014

Trong những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Quốc hội đề án cải cách giáo dục, vấn đề giáo dục đã trở thành chủ đề tranh luận chính của nhiều hội thảo khoa học, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả nghị trường.

Câu hỏi mà nhiều nhà khoa học đặt ra là: Đổi mới giáo dục nên bắt đầu từ đâu? Từ việc tìm ra một triết lý giáo dục phù hợp, thay đổi phương pháp biên soạn sách giáo khoa, hay đổi mới triệt để khâu kiểm tra, đánh giá…

 

Để thực hiện một cuộc cải cách giáo dục cần sự chuyển biến đồng bộ từ chiến lược, tầm nhìn giáo dục của một quốc gia đến nội dung, phương pháp dạy-học, phương pháp kiểm tra, đánh giá hiệu quả giáo dục.

 

Nó đòi hỏi không chỉ sự thay đổi về mặt tư duy giáo dục, năng lực chuyên môn, sự vào cuộc của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục mà cả những chuyển biến trong nhận thức về mục tiêu giáo dục của phụ huynh học sinh, các tổ chức sử dụng lao động vì những lực lượng này có thể góp phần thúc đẩy hoặc cản trở sự thay đổi.

 

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không có tham vọng bàn luận về thay đổi của cả hệ thống mà chỉ xin đề xuất một vài thay đổi hết sức cơ bản liên quan đến việc nhận thức về hai khái niệm cốt lõi “dạy” và “học” bởi việc này ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động cải cách khác, từ việc thiết kế chương trình khung, sách giáo khoa đến việc đánh giá, thi cử.

 

Trước hết xin được bàn về khái niệm học. Mặc dù đổi mới phương pháp dạy học ở nước ta đề cao vài trò của người học, coi người học là trung tâm, khái niệm học thường mang nghĩa hẹp là lĩnh hội những kinh nghiệm của thế hệ trước, được đúc kết, cô đọng trong sách giáo khoa - tài liệu thường được xem là bất biến bởi nó “mang tính pháp lý”.

 

Chính sự hiểu biết chưa đầy đủ này đã góp phần dẫn tới tình trạng thầy đọc - trò chép, phần lớn các đề thi, đề kiểm tra tập trung kiểm tra khả năng ghi nhớ, tái tạo tri thức của học sinh mà hệ lụy tiếp theo là việc học thêm tràn lan và gian lận trong thi cử, những căn bệnh kinh niên mà các cuộc vận động, các phong trào thi đua và cả các biện pháp quản lý nhà nước xem ra vẫn chưa phải là thuốc chữa hiệu quả.

 

Nhận thức chưa thực sự đúng đắn này dường như là nguyên nhân gián tiếp dẫn tới sự quay lưng của người học với các môn khoa học xã hội mà các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh, khiến mỗi ngày đến trường không còn là một ngày vui với nhiều trẻ em.

 

Vậy khái niệm học nên hiểu thế nào cho đúng? Theo Ken Robinson, một nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ, hoạt động học tập không chỉ dừng ở việc lĩnh hội tri thức, văn hóa của nhân loại mà mục tiêu cao hơn là giúp người học sáng tạo ra tri thức mới, tìm ra con đường đi cho cá nhân họ.

 

Do đó, nội dung học tập bên cạnh việc phản ánh những vấn đề chung cần gắn liền với nhu cầu, năng lực của cá nhân và nhóm học sinh, cung cấp nhiều lựa chọn về môn học tạo điều kiện cho người học phát triển năng khiếu riêng biệt.

 

Ông đề cao việc giảng dạy, học tập các môn học phát huy tính sáng tạo của người học như âm nhạc, hội họa, ngược hẳn với quan điểm khá phổ biến trong các nhà trường Việt Nam hiện nay, coi những môn học này và một số môn xã hội nhân văn như những môn “rau thơm”, không mang lại tương lai tốt đẹp cho người học.

 

Cũng bàn về khái niệm học, GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, học tập không chỉ hướng tới việc hình thành năng lực, sức lao động cho người học, mà nó phải đảm bảo đồng thời cả mục tiêu mang lại niềm vui, hạnh phúc cho trẻ em.

 

Ông nhấn mạnh yếu tố tích cực của người học trong quá trình nhận thức, coi động lực bên trong hay nói khác đi nhu cầu học tập của người học là yếu tố then chốt mang lại hiệu quả giáo dục.

 

Quan niệm này phản đối việc đánh đồng học sinh trong cùng một lớp học, yêu cầu tất cả các em phải hoàn thành những nhiệm vụ học tập cùng nội dung, cùng độ khó và cùng thời gian như đang diễn ra tại nhiều trường học ở nước ta...

 

Cùng quan điểm với Hồ Ngọc Đại, gần đây nhất trong một cuốn sách có tên Dạy và học trong cộng đồng ưa tư duy, tác giả Yoram Harpaz cho rằng, học tập chỉ trở lên hiệu quả khi người học tìm thấy niềm vui, sự hào hứng, khi mà họ thực sự “chìm đắm” trong hoạt động đó.

 

Thay vì thụ động học tập, nghiên cứu những gì giáo viên đề ra, người học chủ động tìm hiểu tài liệu, đặt câu hỏi với giáo viên và bạn học.

 

Phương pháp học tập này tạo nền tảng cho việc học tập suốt đời, chủ trương mà Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều năm nay.

 

Từ những quan niệm về khái niệm học nêu trên, ta có thể thấy rằng về mặt nội dung, học tập không chỉ nên giới hạn ở sách giáo khoa hay những tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mà cần bao gồm cả những nội dung do giáo viên tự biên soạn dựa trên những vấn đề thời sự gắn liền với nhu cầu hiểu biết của học sinh.

 

Mục tiêu của hoạt động học không chỉ dừng lại ở việc tái tạo những tri thức, tinh hoa của nhân loại mà hướng đến hình thành những kĩ năng giúp người học sáng tạo ra những tri thức mới, có giá trị cải tạo xã hội.

 

Điều này có nghĩa là việc học tập, rèn luyện phương pháp học, phương pháp tư duy cần phải được quan tâm nhiều hơn. Để đạt được mục tiêu này, cần sự thay đổi trong quan niệm về hoạt động dạy - hoạt động góp phần quy định hoạt động học.

 

Theo quan điểm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thực hiện từ năm 2002, trong những năm gần đây, ở nước ta, quan niệm về vai trò của giáo viên có sự thay đổi, giáo viên không còn coi là trung tâm của lớp học.

 

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu tại tỉnh Bắc Giang của các nhà khoa học thuộc tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm chưa được hiểu một cách hoàn toàn đúng đắn.

 

Phần lớn giáo viên cho rằng đổi mới phương pháp thể hiện ở việc tổ chức đa dạng các hoạt động nhận thức như thảo luận, làm việc theo nhóm hay đưa ra nhiều câu hỏi trong các tiết học trong khi đó phương pháp dạy học này còn đòi hỏi giáo viên hết mực tôn trọng ý kiến, giá trị nhân phẩm của tất cả người học.

 

Như các nhà nghiên cứu Nhật Bản miêu tả, thay vì tổ chức các hoạt động học tập bám sát nhu cầu, khả năng nhận thức của cá nhân hoặc nhóm học sinh, nhiều giáo viên đưa ra những yêu cầu mang tính mệnh lệnh với tất cả học trò; thay vì dùng lời, nhiều giáo viên dùng thước làm hiệu lệnh.

 

Hoạt động dạy của rất nhiều giáo viên mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp tri thức cho học sinh, trong khi đó cách đây hơn 200 năm, trong tác phẩm kinh điển Emile hay bàn về giáo dục của mình, Jean-Jacques Rousseau đã xác định: “Vấn đề không phải dạy cho trẻ khoa học mà hình thành ở trẻ niềm đam mê và phương pháp học tập những môn khoa học đó”.

 

Để đạt được điều này, theo Harpaz, giáo dục phải toàn diện và gián tiếp. Thay vì cung cấp tri thức một cách trực tiếp, giáo viên tổ chức, tạo điều kiện cho hoạt động học tập diễn ra một cách tự nhiên; giáo viên chuyển từ vai trò “người dạy” sang “người tổ chức”, “người thúc đẩy” các hoạt động học tập.

 

Học sinh được kích thích sự tò mò học hỏi, thực hiện những mạo hiểm hợp lý và được tạo điều kiện trình bày ý kiến cá nhân, “thách thức” kĩ năng, sự hiểu biết của giáo viên, biến quá trình dạy học theo cách nói của John Dewey thành “sự trao đổi ý kiến”, qua đó tạo động lực cho giáo viên tăng cường tự học, trau dồi tri thức khoa học và kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp.

 

Như đã nói, nhận thức về bản chất, mục tiêu của hai hoạt động dạy và học có thể ảnh hưởng đến rất nhiều khâu trong cải cách giáo dục. Ví dụ, nếu xác định giảng dạy và học tập là truyền thụ và tiếp nhận văn hóa dân tộc, tri thức nhân loại một cách một chiều, giáo viên sẽ nỗ lực “nhồi sọ” học sinh càng nhiều càng tốt.

 

Ngược lại, nếu xác định dạy - học là cùng khám phá, tiếp thu một cách có phê phán và phát triển các giá trị văn hóa, các thành tựu khoa học, giáo viên sẽ tập trung phát triển tư duy phản biện, giúp học sinh có những nhận thức sâu sắc, đa chiều về sự vật, hiện tượng, làm cơ sở cho sự phát triển tư duy sáng tạo, một loại tư duy bậc cao hết sức cần thiết trong nền kinh tế tri thức hiện nay.

 

Nhận thức đúng về dạy, học sẽ giúp chúng ta tránh được tình trạng dạy, học bó hẹp theo nội dung sách giáo khoa, trong khi những vấn đề thời sự về văn hóa, kinh tế, chính trị - những nội dung kích thích sự hứng thú, có tác dụng phát triển tư duy cho người học lại không được quan tâm đúng mức. Giáo viên không phải “chạy như máy” cho hết chương trình bài học bởi mục tiêu dạy học đề cao phương pháp hơn nội dung học tập.

 

Xác định đúng bản chất khái niệm dạy và học sẽ giúp định hướng việc tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả giáo dục một cách tích cực. Thay vì kiểm tra khả năng ghi nhớ nội dung sách giáo khoa của học sinh như chúng ta vẫn thường làm, đề thi, đề kiểm tra các môn khoa học xã hội có thể sử dụng nhiều câu hỏi mở hơn, yêu cầu học sinh phân tích, tổng hợp, trình bày quan điểm cá nhân liên quan đến vấn đề đặt ra.

 

Làm như vậy, không chỉ tránh được việc học vẹt, học tủ mà còn giảm thiểu được hiện tượng tiêu cực trong thi cử, vấn đề mà lâu nay chúng ta vẫn loay hoay tìm giải pháp hạn chế.

 

Nhìn nhận hoạt động dạy, học theo hướng mở góp phần định hướng việc biên soạn và sử dụng sách giáo khoa. Thay vì sử dụng cách tiếp cận nội dung, cố gắng chất tải càng nhiều càng tốt những giá trị dân tộc, những tinh hoa văn hóa nhân loại khiến sau bao lần giảm tải vẫn quá tải như hiện nay, sách giáo khoa có thể được biên soạn dựa trên những mục tiêu của khung chương trình.

 

Trên cơ sở đó, giáo viên ở các vùng miền có thể sử dụng những bộ sách khác nhau, lồng ghép những nội dung giáo dục có tính chất thời sự để đạt được mục tiêu dạy học mà không nhất thiết phải dạy hết nội dung từng bài trong sách giáo khoa. Điều này đồng nghĩa với việc giáo viên có thêm quyền tự chủ về chuyên môn, yếu tố góp phần thúc đẩy sáng tạo trong giảng dạy.

 

Quan niệm về dạy và học đề xuất trong bài viết xem giáo dục như một hoạt động hai chiều, là sự tác động qua lại giữa giáo viên và học sinh; cả hai cùng được xem là người học. Nó đề cao sự chủ động của học sinh, khuyến khích các em đặt câu hỏi cho chính bản thân, với giáo viên và bạn cùng lớp; coi sự thay đổi trong phương pháp học là hiệu quả của sự đổi mới phương pháp dạy.

 

Với quan điểm dạy - học như là sự trao đổi được áp dụng rộng rãi, như tác giả bài viết chứng kiến, các tiết học các môn khoa học xã hội và nhân văn từ bậc tiểu học đến sau đại học ở nước Anh luôn diễn ra như những buổi thảo luận với rất nhiều câu hỏi và ý kiến từ phía người học.

 

Người dạy có thể không trả lời được một vài thắc mắc của người học nhưng điều này không có nghĩa là học sinh thiếu tôn trọng giáo viên vì cả hai cùng biết, trong xã hội tri thức hiện nay, thông tin là vô tận.

 

Quan niệm về dạy - học tôn trọng, khuyến khích sự phát triển giá trị cá nhân của người học không chỉ góp phần tạo ra những công dân giàu hiểu biết, tự tin và có óc phê phán mà còn góp phần xây dựng một môi trường giáo dục dân chủ, làm nền tảng cho một xã hội dân chủ.

 

Bài viết xem sự thay đổi quan niệm về hoạt động dạy và học là một trong những tiền đề quan trọng giúp đổi mới toàn diện hệ thông giáo dục.

 

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, chuyển biến về nhận thức không phải lúc nào cũng dẫn đến sự thay đổi về mặt hành vi. Để nhận thức thành hành động, song song với việc xóa bỏ các rào cản, cần có sự hỗ trợ, ủng hộ từ cơ chế và môi trường.

 

Bên cạnh những đợt tập huấn chuyên môn sâu sát và quyền tự chủ chuyên môn cao hơn, có lẽ giáo viên nước ta cần đồng lương thỏa đáng hơn để họ thực sự yêu nghề, chuyên tâm công tác.

 

Như một vài nghiên cứu trong nước xác định, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đổi mới phương pháp dạy học là áp lực về mặt điểm số và thành tích.

 

Vì chỉ tiêu được giao, thay vì tổ chức lớp học hai chiều, nhiều giáo viên dành phần lớn thời gian cho việc truyền tải nội dung sách giáo khoa, yêu cầu học sinh học thuộc đề cương làm sẵn.

 

Do đó, để góp phần cải cách giáo dục có hiệu quả, khái niệm “chất lượng giáo dục”, vấn đề đánh giá, xếp loại và thi đua trong giáo dục cũng cần phải được nghiên cứu một cách cụ thể.