Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

07:36, 22/10/2014

Rất nhiều năm Trường THPT Lưu Nhân Chú (Đại Từ) là 1 trong 3 trường có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 thấp nhất tỉnh. Bởi thế, Nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nhìn vào bảng kết quả khảo sát đầu năm học mới đối với các môn học của Trường THPT Lưu Nhân Chú, chúng tôi ngỡ ngàng vì tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém quá cao. Cụ thể ở môn Toán, có tới 7/9 lớp tỷ lệ học sinh được khảo sát điểm số từ 60% của lớp yếu kém, lớp cao nhất tỷ lệ này lên tới trên 87%. Thầy Vương Lâm, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Kết quả trên phản ánh đúng thực chất đầu vào HS khối 10 của Trường. Năm học này, Trường tuyển sinh 9 lớp với 363 HS, số em có điểm thi tuyển sinh môn Toán trên 5 điểm chỉ có khoảng 10%, đối với môn Ngữ văn điểm này có 25%. Những HS trong vùng tuyển sinh của Trường gồm 8 xã: Lục Ba, Vạn Thọ, Ký Phú, Văn Yên, Cát Nê, Mỹ Yên, Quân Chu và Thị trấn Quân Chu chỉ cần không bị điểm liệt (0 điểm) trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là được vào học. Làm gì để nâng cao chất lượng giáo dục, đó là điều Ban giám hiệu Nhà trường chúng tôi luôn trăn trở, lo lắng. Do chất lượng đầu vào thấp nên việc giáo dục ý thức học tập của HS Nhà trường được thực hiện theo phương châm “cần cù bù thông minh”. Nhiều năm qua, Nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục ý thức, đạo đức cho HS song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Từ đầu năm học, Nhà trường giao cho các tổ bộ môn chủ động xây dựng nội dung, chương trình, soạn giảng, đến phương pháp giảng dạy của từng giáo viên. Ban Giám hiệu phân công các phó hiệu trưởng theo dõi bám sát kế hoạch giảng dạy, kiểm tra chương trình, đổi mới đánh giá, kiểm tra, thi cử, tăng cường dự giờ, thăm lớp, trao đổi kinh nghiệm, thực hiện chuyên đề bộ môn, ứng dụng công nghệ thông tin, đồ dùng dạy học, thí nghiệm của các tổ chuyên môn theo kế hoạch, đặc biệt chú ý các giải pháp tập trung cho khối 10 và khối 12. Để khắc phục tình trạng HS “ngồi nhầm lớp”, giảm tỷ lệ HS yếu kém, tăng tỷ lệ khá, giỏi, ngay từ đầu năm học Nhà trường đã tiến hành phân loại HS. Thông qua kết quả khảo sát đầu năm, Nhà trường chọn mỗi khối 3 lớp nâng cao đối với những HS tương đối khá để đào tạo mũi nhọn, các lớp còn lại phân chia đồng đều số HS có học lực trung bình, yếu. Nhà trường hướng dẫn, khuyến khích các em tự học, học trực tuyến qua mạng internet. Đối với khối 10 và khối 12 bố trí giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy. Tăng cường tổ chức bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu kém ngay từ đầu năm. Tăng cường phối hợp giữa Ban Giám hiệu, Công đoàn, Đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc quản lý nền nếp học tập và động viên nhắc nhở HS kịp thời trong suốt thời gian học tập, kể cả giờ phụ đạo tăng tiết luyện thi, ôn tập của khối cuối cấp. Trường cũng khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, công tác chủ nhiệm lớp, phát huy vai trò của các tổ trưởng chuyên môn, giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các tổ chuyên môn. Ngoài ra, Nhà trường luôn chú trọng thực hiện đổi mới công tác quản lý góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt việc phân cấp trong quản lý: Lãnh đạo nhà trường quản lý cán bộ, giáo viên qua tổ trưởng chuyên môn, qua kiểm tra hồ sơ hàng tháng, qua phản ánh của HS và các bậc phụ huynh. Tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn thông qua dự giờ, thăm lớp, kiểm tra toàn diện giáo viên. Năm học 2013-2014, Trường kiểm tra toàn diện 23 giáo viên, kiểm tra chuyên môn 44 giáo viên, dự giờ 1.852 tiết… Với cách làm trên, cán bộ quản lý Nhà trường đã kịp thời nắm bắt chất lượng chuyên môn, cũng như những tâm tư nguyện vọng, thuận lợi khó khăn của giáo viên, HS nhằm động viên chia sẻ, thống nhất giải pháp chung đưa vào thực hiện.

 

Từ những cố gắng trên, chất lượng giáo dục ở trường THPT Lưu Nhân Chú đã được nâng dần. Nếu như năm học 2012-2013, tỷ lệ HS có học lực khá, giỏi chiếm 46%, trung bình 43,5%, yếu kém là 10,5% thì năm học 2013-2014 tỷ lệ khá giỏi nâng lên 47,3%; trung bình 39%, yếu, kém 13,7%. Trung bình 2 năm gần đây toàn trường có 130 HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt 3 năm học gần đây, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường luôn đạt từ 99,3 đến 100%. Chất lượng đào tạo tăng, HS thi đỗ đại học cũng tăng lên, năm 2014 có 35% HS thi đỗ ĐH nguyện vọng 1 (tỷ lệ này cách đây 3 năm học chỉ chiếm trên 20%).

 

Với một ngôi trường còn non trẻ (năm nay bước sang năm học thứ 9), thì kết quả trên là sự nỗ lực không ngừng của một tập thể sư phạm. Đây là cơ sở để trường tiếp tục nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia vào năm học 2015-2016 theo lộ trình đã đề ra.