Phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động kể chuyện

11:34, 11/10/2014

“Đa số trẻ em nông thôn ở bậc học mầm non ít có điều kiện và môi trường rèn luyện kỹ năng phát triển ngôn ngữ như khu vực thành thị. Từ thực tế này, tôi thấy cần lồng ghép nhiều hoạt động kể chuyện, cho các cháu tham gia vào hoạt động kể chuyện, mới cải thiện khả năng ngôn ngữ của trẻ trước khi vào lớp 1”. Đó là kinh nghiệm của cô Đỗ Thị Thắm - Trường Mầm non Vạn Phái (Phổ Yên). Kinhg nghiệm này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn vào tuyển tập “Một số sáng kiến kinh nghiệm” của giáo viên mầm non.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên hệ Trung cấp diện vừa học vừa làm năm 2007, cô Thắm về nhận công tác tại Trường Mầm non Vạn Phái. Là một xã miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vì vậy khi dạy ở đây, cô luôn ấp ủ suy nghĩ: Làm sao để trẻ em nông thôn có được những điều kiện tốt nhất trong học tập, rèn luyện, để khi con trẻ cắp sách đến trường không còn bỡ ngỡ, hay tủi thân, tự ti”.

 

Bảy năm trong nghề, cô luôn trăn trở: Cùng trang lứa 5 tuổi, nhưng trẻ thành thị nhanh nhẹn hơn, tự tin hơn và diễn đạt rõ ràng, mạch lạc hơn, còn trẻ em nông thôn thì khép nép, hoặc nghịch ngợm một cách thái quá, nhưng nói năng kém. Nhiều cháu gặp người lạ hỏi những câu thông thường mà bí từ không trả lời được nên phát khóc. Lúc ấy tôi nghĩ mà thương con trẻ quá! Tiết kiệm chi tiêu, cô dành dụm mua chiếc máy tính xách tay cũ và nối mạng Internet để tìm các câu chuyện kể gần gũi nhất với đời sống nông thôn, mỗi ngày đến lớp lại kể lại cho con trẻ nghe. Ban đầu là tạo phản xạ để trẻ em thấy nông thôn rất đỗi gần gũi và thân thuộc, hạn chế dập khuôn kể về những câu chuyện thành phố xa hoa, tráng lệ hay phố xá tấp nập người qua lại... Mưa dầm thấm lâu, dần dần bọn trẻ bắt đầu kể lại những câu chuyện về cha đi cày, mẹ thổi cơm sớm, nắm muối vừng, khăn vắt vai ra ruộng cấy.. Những bài học về đạo đức được cô Thắm lồng ghép kể chuyện tăng thêm phần hứng thú cho con trẻ. Kinh nghiệm nuôi dạy trẻ được cô Thắm chia sẻ: Hàng ngày phải lồng ghép các câu chuyện kể vào giờ học, cho trẻ nhập vai, trải nghiệm nhân vật trong chuyện và rồi sau đó kiểm tra lại.

 

Theo cô Thắm, mỗi buổi sáng trẻ đến lớp giáo viên có thể mang đến cho trẻ những câu chuyện thú vị về những hoạt động hàng ngày như câu chuyện “Cả nhà đều làm việc” trong chủ đề gia đình. Qua đó giúp trẻ hiểu thêm về công việc của mỗi người. “Với bài “Nặn các loài quả”, trước khi cho trẻ quan sát vật mẫu, tôi kể tóm tắt câu chuyện “Quả bầu tiên” và trò chuyện qua về nội dung câu chuyện để trẻ có thêm kiến thức về loài quả thần kỳ rồi cho trẻ kể tên các loài quả mà trẻ biết”. Đặc biệt qua những câu chuyện, giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi, những tình huống để trẻ tư duy và khích lệ trẻ phát biểu suy nghĩ, cảm nhận của mình trước tập thể lớp - Cô thắm chia sẻ. Đối với hoạt động buổi chiều, trong các giờ sinh hoạt, giáo viên có thể ôn luyện kể chuyện diễn cảm những câu chuyện liên quan đến chủ đề câu chuyện sáng hôm đó trẻ học. Trong khi nghe kể chuyện, kể lại chuyện và trả lời các câu hỏi của cô. Vốn từ của trẻ được tăng lên rất nhiều đồng thời trẻ biết sử dụng các loại câu phong phú và đa dạng.

 

Để kiểm chứng hiệu quả công việc bản thân, sau mỗi buổi lên lớp, cô Thắm lại ghi chép lại hiệu ứng của các bài dạy học đối với con trẻ. Cô nhớ lại: Có bé đến học gần 5 tháng mà vẫn chưa hề biết diễn đạt một câu. Đến lớp chỉ biết câu chào, kêu đau, gọi mẹ, gọi bà... Ban đầu cô nghĩ cháu có nguy cơ tự kỷ, nhưng sau khi theo dõi, thấy cháu ít có môi trường rèn luyện kỹ năng nói, bởi hoàn cảnh gia đình  khó khăn và bận rộn, chính vì vậy cô đã tìm cách gần gũi hơn với cháu và cho cháu tham gia một số hoạt động qua những câu chuyện kể. Dần dần cháu đã biết kể lại những thành viên của gia đình mình, những đặc điểm về người bố, mẹ, ông, bà...

 

Bày năm gắn bó với nghề, từ thực tế công tác cô Thắm đã được Nhà trường cử tham gia thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện và liên tục 3 năm (từ 2009 đến 2012) đều đoạt giải, năm 2011 cô vinh dự được công nhận Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Và tháng 5- 2014 này, cô Thắm là một trong 6 giáo viên của tỉnh Thái Nguyên vinh dự được tham dự Liên hoan Giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc.

 

Cô Nguyễn Thị Chung, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Đồng chí Thắm là đảng viên trẻ, năng động, nhiệt tình, say mê với công việc, năm nào cũng có đóng góp sáng kiến mới hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Còn cô Thắm thì khiêm tốn: “Trẻ em nông thôn ở đâu cũng có những thiệt thòi nhất định, các cô giáo dạy trẻ nông thôn đều rất cố gắng, nhiệt tình. Tuy nhiên, nếu có lưu tâm ghi chép và có dùng phương pháp phân loại rồi so sánh trong nhóm đối tượng thì sẽ thấy những ưu, nhược điểm của trẻ cũng như phương pháp dạy học của bản thân, từ đó chủ động xây dựng cho mình những phương pháp dạy học phù hợp cho các đối tượng nhóm trẻ”. Cũng theo cô Thắm, lồng ghép kể chuyện qua các hoạt động khác giúp trẻ phát triển ngôn ngữ là hình thức học tập không phải mới, nhưng để đem lại hiệu quả cao, trong các hoạt động hàng ngày đồi hỏi giáo viên phải luôn tìm cách để lồng ghép và khuyến khích trẻ kể, lắng nghe và ghi nhớ.