Theo kế hoạch của Đề án Chuẩn hóa về ngoại ngữ của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), từ năm 2012 đến hết 2015, 100% cán bộ giảng dạy tiếng Anh phải đạt trình độ tối thiểu bậc 5 (C1), trong đó 20 % cán bộ giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên chuyên ngữ đạt trình độ tiếng Anh bậc 6 (C2) hoặc tương đương theo các quy định về chuẩn năng lực ngoại ngữ theo Khung tham chiếu châu Âu (CEFR) và Khung năng lực Ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Hiện nay, hầu hết cán bộ, giảng viên trong toàn Đại học đang nỗ lực tăng tốc để về đích.
ĐHTN hiện có 155 giảng viên giảng dạy tiếng Anh cho cả sinh viên chuyên ngữ và không chuyên ngữ, năm 2012, khi bắt đầu triển khai thực hiện Đề án, trong số đó có 43 giảng viên đạt trình độ đại học, 86 người có trình độ thạc sĩ, 23 nghiên cứu sinh và 1 tiến sĩ. Qua kiểm tra khảo sát 120 giảng viên tiếng Anh do Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đến năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tháng 3 năm 2013, cho thấy: có 4 giảng viên đạt trình độ bậc 3 (B1) (chiếm 2,5%), 48 giảng viên đạt trình độ bậc 4 (B2) (40%), 61 giảng viên đạt trình độ bậc 5 (57,5%). Đặc biệt, trong số 38 giảng viên Khoa Ngoại ngữ được đánh giá, chưa có giảng viên nào đạt chuẩn bậc 6 theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với giảng viên ngoại ngữ giảng dạy sinh viên chuyên ngữ. Số giảng viên dạy chuyên ngành mới chỉ có 30% đạt chuẩn bậc 3. Đây thực sự là vấn đề khó khăn khi thực hiện chuẩn hóa. Số giảng viên dạy chuyên ngành mới chỉ có 30% đạt chuẩn bậc 3. Tiến sĩ Hà Xuân Linh, cán bộ Thường trực của Đề án chia sẻ: “Khó khăn nhất là việc hợp nhất tiêu chuẩn theo khung của Bộ đã quy định. Trước đây, nhiều giảng viên đã có văn bằng hai trình độ cử nhân ngoại ngữ, hoặc có các chứng chỉ ngoại ngữ đủ điều kiện bảo vệ thạc sĩ, tiến sĩ, nên cũng có không ít suy nghĩ - đã có bằng rồi thì sao lại phải khép vào bộ chuẩn mới theo khung tham chiếu châu Âu; hoặc cũng có ý kiến cho rằng không có môi trường sử dụng thì thi để cập chuẩn rồi bỏ đấy sẽ không hiệu quả... Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới về hội nhập quốc tế, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đã trở thành chìa khóa mở cửa hội nhập”.
Thạc sĩ Trần Công Nghiệp, Trường Khoa Khảo thí và Bảo đảm chất lượng, Trường Đại học Kinh tế quản trị và Kinh doanh (thuộc ĐHTN) khẳng định: “Việc học ngoại ngữ đối với một số giảng viên không chuyên ngữ là một khó khăn, tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, không hiểu và biết ngoại ngữ thì rất khó tồn tại và phát triển. Trong 5 năm trở lại đây, Trường đã liên kết, hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học với gần chục trường đại học trên thế giới, mà gần nhất là Hàn Quốc, ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Anh. Nếu giảng viên không cập chuẩn thì làm sao tiếp cận được với kiến thức mới, nhất là kinh tế quốc tế, vì vậy, không thể dừng lại tiến trình chuẩn hóa, và nếu dừng lại đồng nghĩa với việc tụt hậu, mất cơ hội trong hội nhập kinh tế, tri thức quốc tế”.
Được biết, năm 2012, Trường mới chỉ có 6/17 giảng viên dạy chuyên ngoại ngữ đạt trình độ cấp 5, 70% giảng viên chuyên ngành mới đạt trình độ bậc 3, thì đến nay, toàn bộ giảng viên của Trường đã có trên 60% đạt chuẩn theo quy định. Đặc biệt, Nhà trường đã chủ động xây dựng các tiêu chí chuẩn hóa về ngoại ngữ cho từng chức danh, vị trí công tác. Theo đó, đối tượng chuẩn hóa không chỉ là giảng viên trực tiếp đứng lớp, mà các các chuyên viên văn phòng các phòng, ban.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hà, công tác tại Khoa Kinh tế là người mới cập chuẩn về tiếng Anh cho biết: “Nếu như không học tiếng Anh, chắc chắn công việc chuyên môn của tôi sẽ rất khó khăn và sẽ không thể có chỗ đứng trong công việc hiện tại. Trong giảng dạy, khi tiếp cận với tài liệu về xây dựng nông thôn mới của phía đối tác Hàn Quốc hợp tác đào tạo với Trường, nếu không làm chủ được tiếng Anh, chắc sẽ không thể có giáo án bài giảng về phần này để giảng cho sinh viên. Còn giảng viên Trần Thế Long, khoa Cơ khí, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (ĐHTN), cũng là người mới đạt chuẩn bậc 5 thì chia sẻ: “Hằng ngày, do yêu cầu công việc nên tôi thường xuyên phải tiếp xúc với tiếng Anh, nếu không tự học thì không thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bây giờ kiến thức mới nhiều, các tài liệu, giáo trình cũ dịch ra tiếng Việt chủ yếu công nghệ máy vạn năng, điều khiển bằng tay, cơ học... Kiến thức mới toàn bằng số hóa, tự động hóa, lập trình... mà giáo trình chủ yếu là tiếng Anh, nên phải học tiếng Anh thì mới bổ sung được yêu cầu nghiên cứu, giảng dạy…”. Được biết, hiện nay, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên đã có 93% giảng viên dạy lý thuyết đạt chuẩn tiếng Anh Toefl iBT và bắt đầu triển khai việc giữ chuẩn, nâng chuẩn năng lực ngoại ngữ. Theo đó, hằng năm, giảng viên phải chủ động đăng ký dự thi đánh giá ngoại ngữ theo chuẩn Quốc tế và Nhà trường lấy kết quả đó làm điều kiện xét tiêu chuẩn thi đua cho mỗi cán bộ, giảng viên hằng năm.
Theo kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ tháng 9-2014 của ĐHTN, đến nay, toàn Đại học đã có 99 giảng viên ngoại ngữ (tiếng Anh) đạt chuẩn bậc 5 (tăng thêm 38 người) và có 14 giảng viên hoàn chỉnh đủ chuẩn cấp 6. Đặc biệt, số giảng viên dạy các chuyên ngành bằng tiếng Anh đạt chuẩn tăng từ 40% lên trên 60%. Với những cách làm của các trường và và kết quả đã đạt được chính là những tín hiệu vui khi mục tiêu của Đề án đã gần cán đích.