Bản Tèn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) ở trên núi cao, dân cư thưa thớt, đường đi rất khó khăn. Tuy nhiên, số trẻ em đến lớp tại điểm trường tiểu học và mầm non của bản luôn đạt cao. Kết quả này có sự đóng góp tích cực của những thầy, cô giáo đang cống hiến tuổi xuân, nhiệt huyết của mình cho bản.
Vượt qua đoạn đường gần 5km dốc núi cao đầy khó khăn, điểm trường Bản Tèn, nằm trên một lũng nhỏ bằng phẳng giữa núi non trùng điệp, hiện ra trước mắt chúng tôi trong làn sương mờ của núi đá. Điểm trường gồm ba ngôi nhà bằng gỗ nhỏ, cũ kỹ, chia làm 5 phòng là nơi giảng dạy, học tập của 6 thầy, cô giáo và 84 học sinh tiểu học. Đối diện qua khoảng sân rộng là nhà văn hóa bản Tèn, đây cũng chính là lớp học của 54 cháu hệ mầm non. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, nhà các cháu đều ở xa trường nhưng đều thích đi học. Như cháu Vương Thị Kia, mỗi ngày vượt 2 km đường núi để đến trường. Kia là học sinh lớp 4 của điểm trường Bản Tèn và 4 năm qua cháu vẫn kiên trì đi học như vậy. Với giọng phát âm hơi ngọng nghịu cháu nói: Cháu rất thích học môn Toán, thầy giáo của cháu là thầy Hưng. Hay như cậu bé Hoàng Văn Cảnh, học lớp 5, nhà ở trên núi, đường khó đi hơn, phải leo nhiều dốc, nên thường mang cơm từ nhà đi, tan học là ăn cơm rồi mới đủ sức về. Cháu nói: Đi học xa và mệt lắm, nhưng cháu thích đến trường vì vui, có các bạn, thầy cô…
Bản Tèn là bản người Mông, đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, có 114 hộ và trên 600 nhân khẩu, chưa có điện thắp sáng và 100% là hộ nghèo. Cuộc sống rất khó khăn, trẻ em ở đây đi học về phải phụ giúp bố mẹ lao động như: chăn trâu, làm nương, rẫy... Để các cháu học sinh ở bản đặc biệt khó khăn này thỏa ước mơ được học hành, nhiều năm qua, các thầy, cô giáo ở đây đã quyết tâm cắm bản, bám lớp, vượt qua rất nhiều khó khăn trong đời sống. Thầy Lê Quang Hưng, phụ trách điểm trường cho biết: Việc dạy học ở đây gặp nhiều khó khăn, vì nhiều học sinh nói tiếng phổ thông chưa sõi, ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài giảng. Bên cạnh đó, nhà các cháu ở xa, mất nhiều thời gian để đi đến trường, nhiều gia đình nghèo, đông con, còn chưa thực sự quan tâm đến việc học. Điểm trường chỉ là nhà tạm, vách gỗ thưa đã cũ kỹ, những ngày mưa gió, thầy trò ngồi trong lớp mà bị mưa tạt, ướt cả người, mùa đông thì gió lùa, lạnh buốt giá. Nhiều khi vì đường đi lại vất vả quá, hoặc vì gia đình không quan tâm đến việc học của con mình, các cháu bỗng dưng nghỉ học, thế là các thầy lại phải kiên trì lên từng nhà để động viên, thuyết phục các cháu quay lại trường… Còn đối với các cháu mầm non, 3 cô giáo cũng rất vất vả vì cả 3 nhóm lớp 3,4,5 tuổi đều học chung trong 1 lớp. Các cháu lúc mới đến điểm trường gần như đều chưa sử dụng được tiếng phổ thông, chỉ quen dùng tiếng Mông, rất khó trong đảm bảo chương trình học.
Việc dạy và học đã vất vả như vậy, chốn ăn, ở của các thầy, cô điểm trường Tiểu học cũng còn rất khó khăn. Đây chỉ là một nhà gỗ đơn sơ, mái lợp đã cũ kỹ dưới chân đồi gần điểm trường. Nhà được ngăn làm 3 gian, gian giữa chỉ có 1 chiếc phản và 1 bộ ấm chén dùng làm nơi tiếp khách, gian bên trái nhỏ hẹp là nơi ở của 5 thầy giáo, không có đồ đạc gì ngoài sách vở chăn màn và 2 chiếc giường, gian bên phải nhỏ hẹp hơn nữa là nơi cô giáo duy nhất của điểm Trường ở và đựng nồi, xong, bát, đĩa. Vì ở xung quanh bản không có chợ hay hàng quán, nên các thầy cô thường phải gùi thức ăn, gạo lên đây từ đầu tuần. Sau những tiết dạy, mỗi bữa ăn của các thầy cô chủ yếu chỉ có rau tự trồng, cá khô, lạc rang mà thôi… Để khắc phục những khó khăn trong việc dạy học, thầy Lê Quang Hưng tâm sự: Tôi lên điểm trường đã gần 5 năm, khi mới nhận công tác, học sinh đến trường thưa thớt. Khi đó, để duy trì điểm trường thì nhiệm vụ của các thầy giáo là phải vận động học sinh ra lớp. Bên cạnh đó, tất cả chúng tôi đều phải nỗ lực học tiếng Mông để thuận lợi hơn trong giao tiếp và truyền đạt kiến thức cho học sinh, hòa đồng được với học sinh để các cháu thích đi học…
Khi được hỏi về điều mình mong muốn các thầy, cô đều mong Bản Tèn có điện, có đường cho người dân ở đây bớt khó khăn. Còn thầy Lê Quang Hưng, phụ trách điểm trường chia sẻ: Khổ hay khó khăn trong sinh hoạt anh em chúng mình đã dần quen, xác định là một giáo viên vùng cao thì phải chấp nhận những khó khăn và vất vả cùng bà con. Chỉ mong sao những đứa trẻ sẽ có đươc một cuộc sống tốt hơn và được học văn hoá từ nhỏ sẽ là chìa khoá có thể giúp các em thoát nghèo…
Nói về các thầy cô giáo ở điểm trường, ông Vương Văn Tình, Trưởng bản xúc động cho biết: Đến nay, học sinh Bản Tèn đã đi học đều đặn và phần lớn đều ham học. Người dân chúng tôi muốn cảm ơn các thầy cô giáo lắm vì đã cùng chịu khó khăn vất vả với chúng tôi đem cái chữ đến cho con cháu của Bản.
Chia tay các thầy cô giáo, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi Tèn cao vợi, mây giăng phủ kín thầm khâm phục những thầy cô giáo đã không quản nhọc nhằn, mang cái chữ đến cho bản với 100% là đồng bào dân tộc Mông này.