Dành trọn tâm huyết với nghề

17:13, 28/11/2014

“Đối với tôi, hạnh phúc nhất là được học trò tin yêu, kính trọng và thấy được sự tiến bộ của các em từng ngày. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi không ngừng nỗ lực để luôn xứng với sự tin yêu, kính trọng của học sinh, đồng nghiệp, các bậc phụ huynh, sự tin tưởng của lãnh đạo cấp trên”- Đó là tâm sự của Nhà giáo Ưu tú Trịnh Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu (Đồng Hỷ).

Cơ duyên để chị Trịnh Thị Vân đến đến với nghề giáo cũng giống bao cô học trò khác. Chị có năng khiếu về môn Văn và luôn thần tượng về kiến thức, đam mê văn chương, cách truyền thụ của người thầy dạy mình. Tốt nghiệp bậc phổ thông, chị nộp hồ sơ thi vào Trường Trung cấp Sư phạm. Càng học chị lại càng thấy yêu nghề và xác định đây là “nghiệp” của mình. Năm 1992, sau khi tốt nghiệp chị được phân công về dạy học tiểu học ở Trường PTCS Văn Hán. Lần đầu tiên đứng trên bục giảng, chị rất lúng túng dù đã chuẩn bị kỹ hàng tuần trước đó. Nhưng trước những ánh mắt ngây thơ của học trò, chị tự nhủ phải cố gắng lấy lại bình tĩnh, và buổi học đã thành công trong tiếng vỗ tay của các em, trong sự động viên của đồng nghiệp. Điều kiện dạy học lúc bấy giờ, cũng như đời sống của giáo viên vô cùng khó khăn. Khu tập thể giáo viên không có, chị phải ở nhờ nhà dân. Kết thúc buổi học chị và các đồng nghiệp lại tranh thủ đi hái rau rừng, xuống ruộng bắt cua để cải thiện bữa ăn. Một số đồng nghiệp của chị không chịu nổi đã bỏ nghề. Cũng có thời điểm chị thấy nản, song khi lên lớp nhìn ánh mắt thơ ngây của học trò và tiếng cười rộn rã trên sân trường đã không cho phép chị chỉ nghĩ tới cuộc sống thường nhật của mình.

 

Dạy ở Văn Hán 7 năm, năm 1998 chị được điều chuyển về dạy ở Trường Tiểu học số 1 Hóa Thượng. Đến năm 2000 chị lại được điều chuyển sang Trường Tiểu học số 2 Hóa Thượng. 10 năm trực tiếp đứng lớp, với sự nỗ lực không ngừng trong chuyên môn, 5 năm liên tục chị đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện, 3 năm liên tục đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.

 

Đến năm 2002, chị được luân chuyển về Trường Tiểu học thị trấn Sông Cầu rồi bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Nhà trường, giao nhiệm vụ phụ trách chuyên môn. Điều băn khoăn nhất của chị khi trở về nơi mình sinh ra để giảng dạy là làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục. Chị kể: Ngay sau khi về Trường, tôi bắt tay ngay vào việc chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, bằng cách tăng cường các buổi dự giờ. Tại các buổi sinh hoạt chuyên môn của các tổ bộ môn, tôi ngồi dự và cùng giáo viên thẳng thắn chỉ ra những mặt còn yếu, rút kinh nghiệm cho từng cá nhân, tránh tình trạng cả nể, chạy theo bệnh thành tích. Để nâng cao chất lượng dạy học, tôi tham mưu cho Hiệu trưởng phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong toàn trường, trong đó chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, dạy theo khai thác vốn sống, lấy học sinh làm trung tâm. Đồng thời tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, mạnh dạn áp dụng các chuyên đề mới, đổi mới cách thức coi thi, chấm thi. Việc dạy kỹ năng sống được áp dụng song song với các hoạt động ngoài giờ chính khóa, như: nhận chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ…

 

Năm 2007, chị Vân được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Nhà trường. Thời điểm này Trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thì phải xây dựng Trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Chị kể: Khi tôi đưa vấn đề này ra chi bộ họp bàn cũng có nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện được mục tiêu này là rất khó, bởi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất rất khó khăn. Tôi đã giải thích để đảng viên trong chi bộ hiểu đi đến thống nhất cao, đưa vào nghị quyết để thực hiện bằng được mục tiêu đề ra. Tôi đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa vào lộ trình thực hiện. Hằng năm, Nhà trường đều có kế hoạch tham mưu cho Hội đồng giáo dục về các khoản đóng góp huy động xã hội hoá. Trong 2 năm 2012-2013, Trường đã huy động được trên 2,9 tỷ đồng đầu tư xây dựng phòng học chức năng, mua sắm bàn ghế, cải tạo khuôn viên… trong đó nguồn ngân sách của huyện là 2,2 tỷ đồng, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa giáo dục. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập, thư viện… đáp ứng chỗ học, vui chơi của gần 500 học sinh toàn trường. Tháng 1 vừa qua, Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Cá nhân chị được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen công nhận đạt danh hiệu cán bộ quản lý giỏi cấp tiểu học toàn quốc.

 

Nhận xét về chị, thầy giáo Trần Tiến Đại, Chủ tịch Công đoàn Nhà trường khẳng định: Trong công tác quản lý, chị luôn gần gũi, chân thành với đồng nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng người. Giáo viên ngày nay chịu nhiều áp lực, đặc biệt là giáo viên tiểu học lại càng áp lực hơn, vì thế chị luôn theo sát, động viên tập thể sư phạm Nhà trường”.

 

Đợt phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm nay, chị Vân là 1 trong 8 cán bộ, giáo viên của tỉnh được đón nhận vinh dự trên. Đặc biệt, chị là nhà giáo đầu tiên của huyện Đồng Hỷ được phong tặng danh hiệu cao quý này. Khi được hỏi: Với tâm thế của nhà giáo nhiều trải nghiệm, tâm huyết với nghề, chị có suy nghĩ gì về vinh dự ấy?

 

Chị Vân trả lời mộc mạc: Ngay khi chọn nghề giáo viên tôi đã xác định, tất cả phải vì sự nghiệp trồng người, vì lòng đam mê, vì uy tín nghề nghiệp. Hạnh phúc nhất của nhà giáo là được học trò tin yêu, kính trọng và thấy học trò của mình tiến bộ mỗi ngày. Tôi cũng hiểu, làm nghề giáo, khi đứng trước học sinh mình phải là tấm gương sáng. Muốn vậy, người thầy phải chuẩn mực cả trong chuyên môn, trong phong thái và cách sống. Được phong tặng Nhà giáo Ưu tú là quý, là vinh dự, nhưng cốt lõi vẫn là vị trí của mình trong lòng đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh.