Đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục dân tộc

10:03, 25/11/2014

Dẫn chúng tôi đi thăm các phòng học, khu ký túc xá, nhà ăn, hệ thống sân chơi, bãi tập được đầu tư xây dựng khang trang sạch đẹp, cô giáo Phan Thị Phương Ly, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Phú Lương không giấu nổi niềm vui: Nếu không được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các trường dân tộc nội trú thì nhiều em học sinh con em đồng bào dân tộc không được tới trường hoặc có đi học cũng bỏ ngang chừng. Về trường, các em được dạy dỗ, nuôi dưỡng phát triển toàn diện để sau này mang kiến thức đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

 Hiện toàn tỉnh có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp THPT và 5 trường PTDTNT cấp THCS với quy mô trên 1.200 học sinh. Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), toàn tỉnh có 9 trường, trong đó 8 trường PTDTBT THCS và 1 trường PTDTBT tiểu học. Nhờ sự đầu tư thích đáng cho công tác giáo dục dân tộc của tỉnh đã nâng tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học nội trú từ bậc THCS đến THPT từ 2,5% năm 2010 lên 6,5% năm học 2014-2015.

Huyện Phú Lương với hơn trên 107.000 người, trong đó các dân tộc thiểu số sinh sống tập trung ở 6 xã Yên Trạch, Hợp Thành, Phủ Lý, Ôn Lương, Yên Lạc, Phú Đô, Yên Ninh. Hằng năm, số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện khoảng 500 em, trong đó số đang sinh sống tại các xã, xóm thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn khoảng 400 em. Việc thành lập, đầu tư xây dựng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên địa bàn huyện đã đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của con em các dân tộc trên địa bàn huyện. Trên diện tích đất sử dụng 16 nghìn m2, Trường được đầu tư xây dựng các hạng mục: Nhà hiệu bộ: 2 tầng; nhà lớp học: 2 tầng 8 phòng; ký túc xá 3 tầng với 36 phòng đáp ứng chỗ ở cho trên 250 học sinh; nhà ăn, nhà kho, bếp nấu cùng các hệ thống các công trình phụ trợ khác rất khang trang, hiện đại.

 

Đến trường những ngày này chúng tôi đón nhận không khí thi đua sôi nổi trong giảng dạy, học tập của thầy và trò Nhà trường lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Quan sát khắp khu Trường chúng tôi nhận thấy, ngoài những công trình xây dựng, các khu đất quy hoạch trồng cây xanh, những mảnh đất trống đều được trồng rau xanh mướt. Được biết, năm học 2013-2014, là năm đầu tiên trường tuyển sinh 4 lớp với 125 học sinh của khối 6, 7. Năm học này, Trường tuyển mới 2 lớp 6 nâng tổng số học sinh lên 183 em. Học tập dưới mái trường này các em được trang bị đầy đủ từ quần áo, chăn màn, sách, vở, các dụng cụ phục vụ học tập. Mỗi tháng, các em còn được cấp 920 nghìn đồng tiền ăn. Nhà trường tổ chức nấu ăn cho các em học sinh đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thấy tôi xuýt xoa khen những luống rau xanh non mỡn, cô giáo Hoàng Thị Thanh Hương bảo: “Đó là rau các em học sinh tự trồng. Ngoài giờ học trên lớp, tham gia các môn thể thao phù hợp với năng lực của bản thân, Nhà trường còn định hướng cho các em tích cực lao động trồng rau xanh để cải thiện thêm bữa ăn”.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Trước năm 2010, con em đồng bào các dân tộc thiểu số được vào học các trường nội trú không nhiều (trên địa bàn tỉnh lúc đó có 2 trường có hệ nội trú ở huyện Định Hóa và Võ Nhai). Các em chủ yếu vẫn học tại trường ở sở tại, việc đi lại ở các xã khó khăn, nên tỷ lệ bỏ học ngang chừng, cũng như tốt nghiệp THCS không học tiếp THPT còn nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phổ cập giáo dục bậc trung học. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thành lập trường phổ thông dân tộc nội trú, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh đầu tư xây dựng hệ thống các trường nội trú. Cuối năm 2011, UBND tỉnh quyết định việc phê duyệt Chương trình phát triển giáo dục Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015.

 

Theo đó, quyết định đầu xây dựng mới 3 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS ở các huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ. Quy mô của mỗi trường 250 học sinh. Như vậy, sau Võ Nhai, Định Hóa thì 3 huyện miền núi của tỉnh trong đó có huyện Phú Lương đều có cơ sở giáo dục dành cho học sinh các dân tộc thiểu số học theo hệ nội trú. Tổng mức đầu tư 3 trường lên đến trên 111 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh quyết định thành lập 9 trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó có 8 cấp THCS và 1 trường tiểu học. Để nâng cao chất lượng đào tạo học sinh dân tộc thiểu số, ngay từ khi hình thành bộ máy các trường, Sở GD&DT, các phòng GD&ĐT đã chủ động bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú.

 

Các trường phổ thông dân tộc nội trú mới được thành lập đã có những tiêu chí cụ thể để lựa chọn những giáo viên có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết với công tác giáo dục dân tộc cho các trường phổ thông dân tộc nội trú. Ngành đã tập trung chỉ đạo các trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học, dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng cấp học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng tích cực đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tăng cường các hoạt động giáo dục đặc thù trong trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú và ở vùng núi nơi điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh.

 

Thực tế hiện nay ở những xã miền núi, vùng cao, đội ngũ cán bộ người dân tộc có trình độ cao còn thiếu, mặt bằng chung dân trí thấp, do vậy, kinh tế - xã hội chậm phát triển so với các vùng khác. Việc tỉnh quyết định và đầu tư xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú với đặc trưng là trường chuyên biệt có nhiệm vụ đào tạo con em các dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ cho các xã, góp phần rút dần khoảng cách trong phát triển kinh tế - xã hội của các xã miền núi với vùng xuôi. Đây là việc làm rất thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc nêu cao vai trò của người cán bộ dân tộc thiểu số trong công cuộc xây dựng đất nước. Và công tác giáo dục dân tộc là một trong những dấu ấn nổi bật, góp phần giúp ngành Giáo dục trở thành một trong những đơn vị xuất sắc trong toàn quốc trong năm học vừa qua.