PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên là một trong gần 20 Nhà giáo của Đại học Thái Nguyên vừa vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.
Cô Nguyễn Thị Tính sinh năm 1964, tại huyện Đông Hưng, Thái Bình. Năm 1987, cô là cán bộ giảng dạy trong Tổ bộ môn chung của Trường Cao đẳng Sư phạm Việt Bắc, rồi Khoa Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên. Có chuyên môn tốt, có năng lực quản lý, nên cô đã trải qua nhiều cương vị công tác như Tổ phó, Tổ trưởng Tổ bộ môn, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục của Trường trong nhiều năm. Từ năm 2010 đến nay, cô được bổ nhiệm là Phó Hiệu trưởng Nhà Trường.
Cô tâm sự: Được giao quản lý hoạt động thanh tra, pháp chế và khảo thí đảm bảo chất lượng của Nhà trường, trước thực trạng vẫn còn tiêu cực trong thi cử, một bộ phận cán bộ, giảng viên có phương pháp giảng dạy hạn chế, cô đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường công tác thanh tra các kỳ thi, việc chấp hành quy chế chuyên môn của giáo viên. Nhất là việc áp dụng lấy ý kiến phản hồi của sinh viên về cán bộ giảng dạy. Bắt đầu từ năm học 2012-2013, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã chỉ đạo 100% các khoa triển khai nội dung này.
Mỗi lần tổ chức hoạt động lấy ý kiến của sinh viên đánh giá giảng viên (thường vào tháng 4 hằng năm), các phòng chuyên môn sẽ tổng hợp trích lục nguyên ý kiến, gửi lại cán bộ quản lý Khoa và giảng viên được trực tiếp phản hồi. Cô Tính mở cho chúng tôi xem cuốn sổ mà cô ghi chép tỉ mỉ những hạn chế của cán bộ, giáo viên do sinh viên góp ý. Cô bảo: Những giảng viên, nhất là những giáo viên trẻ, còn thiếu kinh nghiệm, có nhiều ý kiến về phương pháp giảng dạy chưa phù hợp, hiệu quả, tôi sẽ bố trí thời gian để dự giờ, trực tiếp đánh giá và góp ý chân thành để họ có biện pháp khắc phục.
Thông qua việc tổ chức nghiêm túc hoạt động phản hồi từ sinh viên, Ban Giám hiệu đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh nền nếp cũng như đổi mới cách thức quản lý, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giáo dục của Nhà trường.
Xem một số công trình nghiên cứu của cô cũng như luận án, luận văn cô hướng dẫn cho các nghiên cứu sinh, thạc sĩ, chúng tôi thấy có khá nhiều đề tài, dự án bàn về việc rèn luyện kỹ năng sống, cụ thể là giao tiếp và hoạt động xã hội cho học sinh, sinh viên hiện nay mà cô đã bảo vệ thành công cấp Bộ, như: “Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh THPT ở khu vực miền núi phía Bắc”; “Biện pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua dạy học môn Đạo đức ở các trường tiểu học khu vực miền núi phía Bắc”... Lý giải điều này, cô Tính cho rằng: Thực tế là các Nhà trường chỉ chú trọng đến việc dạy kiến thức mà chưa quan tâm đến việc trang bị cho các em học sinh, sinh viên về kỹ năng sống. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các em sau khi ra trường mà còn khiến các em không linh động, thích ứng được nếu được đưa vào môi trường mới.
Sự chỉ đạo nghiêm túc, trách nhiệm của cô đã góp phần tích cực để Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên 3 năm nay liên tục được công nhận danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc, được tặng thưởng 5 cờ thi đua Xuất sắc của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh… vì có chất lượng giáo dục, đào tạo tốt. Cá nhân cô đã được nhận nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh. Nhận xét về cô giáo Nguyễn Thị Tính, Tiến sĩ Lê Hồng My, Trưởng phòng Thanh tra, Pháp chế, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cho biết: Không chỉ là một cán bộ quản lý giỏi, có cách làm việc khoa học, sâu sắc, hiệu quả, cô Tính được cán bộ, giảng viên và sinh viên yêu mến, kính trọng bởi sự hòa đồng, chia sẻ, gần gũi trong đời thường.
“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, cô Nguyễn Thị Tính tâm đắc với quan điểm đó. Cô bảo: Nhiều người thắc mắc, sao vợ chồng bận rộn là vậy mà không thuê người giúp việc. Song tôi nghĩ, cùng lo việc gia đình sẽ tạo sự gắn kết hơn giữa các thành viên. Dù bận rộn như thế nào, tôi vẫn dành công sức, thời gian nhất định trong ngày lo cho gia đình. Đơn giản như buổi sáng dậy sớm, đi chợ mua thức ăn dự trữ cho cả ngày và chuẩn bị bữa sáng cho chồng, con. Buổi tối, trong bữa ăn, các thành viên trong gia đình được quây quần sẽ dễ nắm tâm tư, tình cảm của mọi người để chia sẻ. Tôi rất vui vì hai con trai đều ngoan ngoãn, học giỏi, thành đạt.
Tạm biệt chúng tôi, cô lại tất bật cho chuyến công tác tại tỉnh Hà Giang để khảo sát số sinh viên tốt nghiệp của Nhà trường đã có việc làm cũng như chất lượng giảng dạy. Chúng tôi hiểu, cô cũng như các Nhà giáo Ưu tú khác đã làm và đang nỗ lực hết mình để xứng đáng với niềm tin yêu của lớp lớp thế hệ học trò dành cho mình.
Đến nay, PGS.TS Nguyễn Thị Tính đã hướng dẫn thành công 2 nghiên cứu sinh, 25 thạc sĩ bảo vệ thành công luận án, luận văn; chủ trì nhiều đề tài, dự án cấp Nhà nước, Bộ, được đánh giá loại tốt và xuất sắc. Cá nhân cô chủ biên 4 cuốn giáo trình và tham gia một số giáo trình, sách tham khảo khác được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học... |