Tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục và đào tạo

16:10, 17/11/2014

Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ nhà giáo, trong những năm qua, các thầy, cô giáo của Đại học Thái Nguyên đã không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và cán bộ, viên chức (CBVC) là nhân tố quyết định của Đại học Thái Nguyên trong suốt những năm qua.

Trong năm học 2013-2014, Đại học Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, như: Tăng cường công tác phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị thành viên. Hiện nay, toàn Đại học có tổng số 4.398 CBVC, trong đó cán bộ giảng dạy là 2.743 người, 10 chuyên gia cao cấp, 90 giảng viên cao cấp, 249 giảng viên chính, 7 chuyên viên chính, 6 Nhà giáo Nhân dân, 70 Nhà giáo Ưu tú; có 100 giáo sư, phó giáo sư, 432 tiến sĩ, 1.770 thạc sĩ và tương đương. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, Đại học Thái Nguyên có 2 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 13 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (tăng 23% so với năm học trước).

 

Công tác đào tạo sau đại học và đại học của Đại học Thái Nguyên không ngừng phát triển cả về quy mô ngành nghề và chất lượng đào tạo. Chỉ tính riêng trong năm học vừa qua, Đại học đã mở mới 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ; 4 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 10 ngành đào tạo trình độ đại học. Quy mô sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ là trên 85.000 người với tổng số 31 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ, 45 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 169 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 19 chuyên ngành hệ cao đẳng. Chỉ tính riêng trong 2 đợt tuyển sinh sau đại học năm 2014 đã tuyển được 1.564 học viên và 91 nghiên cứu sinh;  tuyển sinh đại học đạt gần 90% chỉ tiêu.

 

Công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục của Đại học tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều hoạt động tích cực, thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Hiện nay, 100% các ngành học hệ đại học chính quy tại Đại học Thái Nguyên đã được xây dựng và công bố chuẩn đầu ra. Công tác xây dựng ngân hàng đề thi cho các môn học, học phần được các đơn vị thực hiện tốt, đến nay đã xây dựng được gần 100% ngân hàng đề thi cho tất cả các môn học. Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học - công nghệ đã gắn với đào tạo và hướng tới phục vụ sản xuất, đời sống. Cùng với đó, Đại học Thái Nguyên lần đầu tiên triển khai các đề tài nhiệm vụ của các Ban của Trung ương Đảng, gồm 3 đề tài đặt hàng của Ban Kinh tế Trung ương và 1 đề tài của Ban Tuyên giáo Trung ương.

 

Xác định lĩnh vực hợp tác quốc tế là công cụ để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên của Đại học cũng như mở rộng cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài, năm học vừa qua, Đại học Thái Nguyên không ngừng tìm kiếm và hợp tác được với trên 20 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Cũng trong năm học này, Đại học Thái Nguyên đã đón 130 đoàn khách quốc tế với 450 lượt người tới thăm và làm việc; đón trên 100 sinh viên nước ngoài đến học tập và 6 chuyên gia nước ngoài tới làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học thành viên; ký kết 7 biên bản ghi nhớ hợp tác với một số trường đại học nổi tiếng trên thế giới, triển khai 9 dự án, tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế...

 

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW), trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng ta coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Luật Giáo dục đại học cũng đã khẳng định vai trò và địa vị pháp lý cao của Đại học Thái Nguyên trong hệ thống giáo dục đại học quốc dân, mở ra một thời cơ mới, bước ngoặt mới, tạo động lực và niềm tin mạnh mẽ để chúng ta xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành Đại học vùng đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của khu vực trung du miền núi phía Bắc nói riêng, của cả nước nói chung.

 

Bước vào năm học 2014-2015, Đại học Thái Nguyên đã và đang tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm trong, như: Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về chất lượng giáo dục - đào tạo; ngăn chặn và đẩy lùi có hiệu quả tình trạng tiêu cực, trì trệ trong giáo dục - đào tạo. Đồng thời, quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy và Đảng ủy Đại học Thái Nguyên về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học vùng cùng với các cơ sở giáo dục đại học thành viên nhằm đổi mới, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tạo động lực mới cho sự phát triển; tập trung xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực đặc thù của vùng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ khoa học và quản lý theo hướng chuyên môn hóa, chuẩn hóa và hội nhập quốc tế; tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển các viện nghiên cứu có khả năng thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, đa ngành, tạo ra các sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao, đồng thời giải quyết được các vấn đề lớn, đặc thù của vùng, đất nước và khu vực; mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có nền giáo dục, khoa học tiên tiến, các trường đại học được xếp hạng cao; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đồng bộ; xây dựng cơ chế thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Danh sách các nhà giáo của Đại học Thái Nguyên được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú nhân dịp 20-11-2014:

 

Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân:

1. GS.TS Đặng Kim Vui - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên

2. PGS.TS Nguyễn Văn Khải - giảng viên Trường Đại học Sư phạm

Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú:

1. PGS.TS Trần Viết Khanh - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên

2. PGS.TS Trần Thanh Vân - Trưởng Ban Đào tạo sau đại học, Đại học Thái Nguyên.

3. Th.s Phạm Văn Hùng - Trưởng Ban Thanh tra, Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Thái Nguyên

4. PGS.TS Đỗ Thị Bắc - Giảng viên chính Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh

5. PGS.TS Trịnh Xuân Đàn - Trưởng khoa Y học cơ sở, Trường Đại học Y Dược

6. PGS.TS Phan Đình Thắm - Trưởng Phòng Quản trị - Phục vụ, Trường Đại học Nông Lâm

7. TS Vũ Mạnh Xuân - Trưởng khoa Toán - Trường Đại học Sư phạm

8. PGS.TS Phạm Hiến Bằng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm

9. PGS.TS Trịnh Thanh Hải - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học

10. PGS.TS Nguyễn Hữu Hồng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm

11. PGS.TS Trần Chí Thiện - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh

12. PGS.TS Nguyễn Thị Tính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm

13. PGS.TS Trần Huê Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm