Tôi chỉ là nhà giáo nông dân

08:42, 20/11/2014

Giờ gặp lại, ông đã là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Giám đốc Đại học Thái Nguyên. Cương vị cao, quyền hạn của ông lớn hơn trước rất nhiều. Nhưng tôi vẫn thấy ông giản dị, hồ hởi, lắng nghe, nhiệt tâm như 20 năm về trước.

Lặn lội vườn đồi, cầm tay chỉ việc

 

 Năm 1995, tôi kết hợp với Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên làm bộ phim Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Nhà trường. Khoa Lâm nghiệp khi đó do Tiến sĩ Đặng Kim Vui làm Phó Khoa có nhiều thành tích nổi bật, vì thế tôi đã nhiều lần tiếp xúc, trao đổi công việc với ông. Say sưa nghiên cứu khoa học, tâm huyết trong từng bài giảng, chia sẻ, đồng cảm với học trò, đồng nghiệp là những ấn tượng tôi vẫn lưu giữ trong trí nhớ về ông.

 

Sinh năm 1958 ở huyện Kiến Xương (Thái Bình) trong một gia đình quân nhân (nhà có 4 người đàn ông thì 3 người là bộ đội), ông được đào tạo bài bản và trở thành cán bộ giảng dạy Khoa Lâm học, Trường Đại học Lâm nghiệp ( Xuân Mai, Hà Nội).

 

Sau 5 năm nghiên cứu sinh tại Liên Xô, về nước năm 1983, thày giáo Đặng Kim Vui được bổ nhiệm làm Phó Trưởng khoa Lâm nghiệp (Đại học Nông lâm Bắc Thái). Ông bảo: Nhiệm vụ chính của tôi là làm thầy giáo. Học sinh của tôi đa phần là người dân tộc thiểu số hoặc con em nông dân. Ra trường họ lại gắn bó với đồi, rừng, với vùng sâu, vùng xa. Những người thày Nông lâm chúng tôi vì thế phải có phương pháp giảng dạy giản dị hơn, gần gũi hơn, ân tình hơn. Lý thuyết trên lớp ít thôi, phần lớn là trồng tỉa, cấy hái, “miệng nói tay làm”.

 

Có lẽ đồng bào vùng núi của tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng ngày ấy không hề biết ông thầy điển trai quần xắn “móng lợn”, trèo đồi, cuốc đất thoăn thoắt kia lại là một Tiến sĩ, một nhà khoa học.

 

Mấy chục năm rồi, nhưng kỷ niệm những lần mang dự án đến vùng sâu, vùng xa cho đồng bào vẫn là những kỷ niệm đẹp sống trong tâm trí ông.

 

- Năm 1995, chúng tôi được Tổ chức Plan hỗ trợ đào tạo cán bộ thôn bản phương pháp canh tác trên đất dốc, trồng xen cây lâm nghiệp với cây nông nghiệp, cây thức ăn chăn nuôi gia súc tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Từ đường cái vào bản, đi bộ hơn 4km. Cùng ăn, cùng ở với bà con hàng tháng trời, tôi thấu hiểu cái khó, cái khổ của họ, từ đó càng thôi thúc tôi nghĩ ra cây, con gì giúp đỡ bà con bớt khó khăn. Năm 2000, chúng tôi triển khai Dự án của Thụy Sĩ cho đồng bào xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) về quản lý phát triển rừng bền vững. Văn Lăng ngày đó điện chưa có, đường càng không, chúng tôi ăn ở trên rừng, hướng dẫn mọi người trồng cây Lát, cây Quế, măng Bát độ, trồng cỏ nuôi trâu bò. Tháng 10 vừa rồi, tôi đi dự hội nghị, có một người chạy đến hỏi “Bác còn nhớ em không”, thì ra là anh nông dân ở Văn Lăng ngày nào. Hỏi chuyện anh ấy, tôi rất vui khi biết cây quế, cây gỗ lát tôi và đồng nghiệp hướng dẫn bà con trồng phát triển tốt, sắp được thu hoạch, là món tiền lớn nhiều gia đình Văn Lăng đang trông chờ.

 

Ông Vui tâm sự: Nghề của chúng tôi không chỉ thuyết giảng trên lớp mà là nghề thực tế, “cầm tay chỉ việc” nên giao tiếp phải phù hợp, đối với bà con thì càng mộc mạc, giản dị càng tốt. Đồng bào để ý cán bộ kỹ lắm, từ động tác, cử chỉ, lời nói, cái bắt tay… Nếu kiểu cách, điệu đà họ xa cách ngay. Giáo viên Nông lâm chúng tôi còn có một “kho” chuyện tiếu lâm sưu tầm của đồng bào để hòa nhập với mọi người nhanh hơn.

 

Biết tiếng dân tộc cũng là một lợi thế. Có lần ông phổ biến cho bà con xã Thuần Mang, xã Hương Nê (Ngân Sơn, Bắc Kạn) cách chăm sóc, làm chuồng, phòng bệnh cho giống bò lai Sind. Ông nghe mọi người nói với nhau bằng tiếng Tày: “Cái anh bò đực này rất ác, nhất là khi nó động dục, nuôi sợ lắm vớ”. Chỉ biết từ “phàng” là “động dục”, ông đoán được nội dung, bèn trấn an: “Nó chỉ ác một giai đoạn ngắn thôi, tôi sẽ bày cho bà con cách tránh”. Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên vì ông hiểu câu chuyện của họ, từ đấy họ thân thiện với ông hơn hẳn.

 

33 năm công tác thì có đến 30 năm ông Vui làm công việc của một thầy giáo, đồng thời giữ các chức vụ: Trưởng khoa, Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm. Chỉ 3 năm gần đây, ở cương vị Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Đại học Thái Nguyên ông mới dành toàn bộ thời gian cho việc quản lý.

 

33 năm qua, ông đã hướng dẫn thành công 29 học viên cao học bảo vệ luận văn thạc sĩ và 5 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ; chủ trì 4 đề tài nghiên cứu khoa học; chủ biên và tham gia viết 7 cuốn sách; viết 26 bài báo đăng ở các tạp chí khoa học.

 

Những đề tài nghiên cứu của ông đều hướng đến mục đích nâng cao thu nhập cho nông dân. Đó là đề tài cấp Bộ: “Thử nghiệm biện pháp cải tiến các mô hình nông lâm kết hợp tại Võ Nhai (Thái Nguyên)”(năm 2006); “Nghiên cứu bảo tồn và sử dụng bền vững một số giống rau rừng bản địa có giá trị” (2012); “Khai thác và phát triển một số loài cây địa phương dùng làm men rượu phục vụ chế biến rượu đặc sản” (2013)…

 

Có người bảo: Cây rau mọc ở trên rừng làm sao phải nghiên cứu? Nhưng không hẳn đơn giản thế. Rau ngót rừng ngọt lịm nấu canh không cần cho mì chính, rau Bò khai ngon miệng vừa là loại thuốc quý đang là món ăn cao cấp trên bàn tiệc, rau dớn hoang dã nay có mặt thường xuyên trên mâm cơm mọi nhà… đã được ông và các cộng sự thử nghiệm dưới dạng cấy mô, ngâm hom từ mươi năm trước để nhân giống trồng đại trà, mang tiền về cho nhiều gia đình nông dân hôm nay. Hay như loại rượu Lạc Long Quân đang bán trên thị trường cũng là kết quả đề tài cấp Nhà nước do ông chủ nhiệm. Cây men rừng được bảo tồn làm men lá tự nhiên, thành phẩm rượu nấu từ men này an toàn cho người sử dụng.

 

Vui, vinh dự và tiếp tục phấn đấu

 

Đã đăng ký trước lịch làm việc, nhưng cuộc trò chuyện của tôi và Nhà giáo Nhân dân Đặng Kim Vui luôn bị ngắt quãng bởi nhiều cuộc điện thoại, người đến báo cáo, các đoàn đăng ký làm việc, các nhà báo đề nghị gặp.

 

-  Từ tối qua lên truyền hình trực tiếp nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân từ chính tay Chủ tịch nước trao tặng, cảm xúc của ông ra sao? Tôi hỏi.

 

- Rất vui nhà báo ạ. Điều lo lắng nhất của những người làm công tác quản lý như tôi là sự tín nhiệm. Qua 5 lần bỏ phiếu của khoảng 200 người các hội đồng từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, tôi đều đạt 100% số phiếu. Sự tin tưởng của mọi người là điều khiến tôi vui nhất.

 

- Ông làm thế nào để đạt đựơc lòng tin quý đó khi làm “sếp” một Đại học vùng, đa ngành, nhiều trường với hàng nghìn giáo viên, sự “va đập” là không tránh khỏi?

 

- Môi trường của chúng tôi là môi trường trí thức, gồm những con người hiểu biết, tự trọng và không thích “đao to búa lớn”. Quan điểm quản lý của tôi là trân trọng, lắng nghe cả những người chưa ủng hộ mình một cách thực tâm nhất. Điều quan trọng nhất là nói và làm phải đi đôi trong cách sống cũng như công việc.

 

Thầy Vui trầm tư: Còn nhiều thầy cô khác của Đại học Thái Nguyên đủ tài, đức để xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo Nhân dân chứ không riêng gì tôi. Vinh dự này của tôi cũng góp phần tăng vị thế của Đại học Thái Nguyên, vì thế tôi sẽ luôn phấn đấu để xứng đáng.

 

Dù còn rất nhiều điều muốn trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Đặng Kim Vui, nhưng tôi đành đứng dậy, nhường chỗ cho nhiều người đang chờ. Chia tay tôi, ông không nói thêm về mình, mà bộc bạch điều đang mong muốn. Đó là làm sao truyền được nhiệt huyết cho những người trẻ? Sinh viên ngày nay nhiều cơ hội, điều kiện để tiếp cận kiến thức. Họ giỏi, nhanh, thông minh lắm, nhưng họ đang thiếu lửa đam mê nghiên cứu, làm việc.

 

Câu hỏi của Nhà giáo Nhân dân Đặng Kim Vui cũng là trăn trở của ngành Giáo dục - Đào tạo cả nước, trong đó có ông.