Tăng cường việc quản lý dạy thêm, học thêm

08:43, 05/12/2014

Mặc dù cách đây hơn 1 tháng, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Chỉ thị số 5105 về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học; trước đó 2 năm, ngày 8-10-2012, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND Quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT) trên địa bàn tỉnh, song thực tế tình trạng DTHT vẫn rất khó kiểm soát.

Theo Quyết định số 33 quy định rất rõ về trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường, đội ngũ cán bộ, giáo viên, HS trong việc DTHT. Cụ thể trong điều 4 có nêu rõ: "Không DT đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không DT đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia DT ngoài nhà trường. Không được DT ngoài nhà trường đối với HS mà giáo viên đó đang dạy chính khoá khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó…". Nhưng thực tế ngay trong quy định này có nhiều kẽ hở. Đơn cử như trong quy định nêu: "Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được tổ chức DT". Thực tế một số cơ sở DTHT ngoài nhà trường của các giáo viên đang hưởng lương từ ngân sách nhưng cho người khác đứng tên cơ sở (chủ yếu là cho giáo viên nghỉ hưu hoặc những người có bằng sư phạm đứng tên).

 

Trao đổi với một số HS Trường THCS Chu Văn An, chúng tôi mới nhận thấy nhu cầu HT của các em rất lớn. Ngoài buổi sáng học chính khoá thì buổi chiều, tối, thậm chí cả 2 ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật hầu hết các em đều đi HT. Theo em T. và em M. HS khối 7: "Tại các cơ sở mà em HT, cô giáo chủ nhiệm của chúng em cũng dạy chúng em ở đó. Lớp em có hơn 10 bạn đi HT ở đây". Khi được hỏi theo quy định HS phải làm đơn xin HT gửi nhà trường, phải có chữ ký của cha mẹ mới được học thì các em này đều cho biết không phải làm đơn, cứ có nhu cầu là đi học.

 

Theo quy định thì không được DT đối với HS tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục - thể thao và rèn luyện kỹ năng sống). Nhưng trên thực tế, hiện nay vẫn còn khá nhiều giáo viên tổ chức DT ở nhà. Trao đổi với một số phụ huynh HS (xin không nêu tên) chúng tôi được biết, thực tế nhiều gia đình có nhu cầu cho con HT. Nhưng để đối phó với nhà trường và các cơ quan quản lý nếu phát hiện ra tổ chức DTHT, một số cô giáo đã đề nghị các phụ huynh viết đơn dưới danh nghĩa đề nghị cô cho gửi con trông hộ những ngày nghỉ theo yêu cầu của gia đình. Nhưng thực chất là đến nhà cô để HT.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, theo phân cấp đối với bậc tiểu học, THCS, việc cấp phép DTHT do phòng GD&ĐT quản lý. Hiện trên địa bàn T.P Thái Nguyên có 18 cơ sở DTHT ngoài nhà trường đã được cấp phép. Theo đồng chí Ngô Thị Bích Thủy, cán bộ Thanh tra của Phòng GD&ĐT T.P Thái Nguyên: Sau vụ việc báo chí nêu về việc đánh học sinh của cơ sở dạy thêm của ông Phạm Minh Tuấn, ở tổ 31, phường Phan Đình Phùng, Phòng GD&ĐT T.P đã tăng cường hơn trong công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất đối với các cơ sở DTHT. Năm học vừa qua, Phòng đã tổ chức kiểm tra định kỳ 1 năm 2 lần và kiểm tra đột xuất ít nhất 1 lần đối với các cơ sở DTHT. Qua kiểm tra đã tham mưu cho UBND T.P Thái Nguyên phạt hành chính đối với 5 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt 12 triệu đồng. Các lỗi chủ yếu là các cơ sở này tổ chức hoạt động DTHT khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép. Sau đó 4/5 cơ sở đã làm các thủ tục xin cấp phép DTHT.

 

Thực tế tại Trường Tiểu học Nguyễn Huệ chúng tôi nhận thấy đa phần giáo viên rất ủng hộ quy định cấm DTHT đối với học sinh tiểu học. Cô giáo Vũ Thị Ngân, Hiệu trưởng Nhà trường thông tin: "Sau khi Phòng GD&ĐT chỉ đạo, bám sát Chỉ thị của Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh DTHT, tôi yêu cầu các giáo viên ký cam kết không DTHT, một số cô cũng tị nạnh cho rằng một số trường khác giáo viên vẫn DT tại nhà, sao trường mình phải thực hiện nghiêm túc thế. Tôi nói luôn là tôi không chịu trách nhiệm nếu các cô cố tình vi phạm. Nhà trường đã tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên ký cam kết thực hiện nghiêm túc. Theo tôi, quy định cấm DTHT ở bậc tiểu học là hoàn toàn đúng đắn, vì các em đã học 9-10 buổi/tuần. Với thời lượng như trên, buổi chiều HS được ôn tập, làm bài tập ngay trên lớp. Do vậy, số HS có học lực yếu hiện nay là rất hiếm, nếu có thì đó là những cháu bị khuyết tật học hoà nhập". Thực tế, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đều tổ chức dạy 9-10 buổi/tuần, nếu thứ Bảy, Chủ nhật các bậc phụ huynh cho con đi học thêm thì các em không còn thời gian vui chơi theo tâm lý lứa tuổi nữa.

 

Trao đổi về vấn đề quản lý DTHT trên địa bàn T.P Thái Nguyên, đồng chí Lê Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT cho rằng: Hiện nay, mâu thuẫn lớn nhất trong công tác quản lý DTHT chính là nhu cầu cho con học thêm của phụ huynh HS để trang bị thêm kiến thức so với nội dung chương trình đang giảng dạy là có thật. Song để tránh việc DTHT tràn lan, thì các nhà trường phải quản lý chặt chẽ giáo viên. Trong hội nghị cán bộ quản lý các cấp đầu năm học, chúng tôi đã quán triệt rõ: Để xảy ra DTHT không đúng quy định thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về cán bộ quản lý các nhà trường. Nhìn chung, việc DTHT trong nhà trường cơ bản đã nền nếp. Việc kiểm tra DTHT ngoài nhà trường trong năm học vừa qua đã được Phòng đặc biệt chú trọng. Từ đầu năm học đến nay, Phòng đã tiến hành kiểm tra 7 cơ sở DTHT. Tới đây, Phòng tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các đơn vị, cơ sở DTHT trong và ngoài nhà trường và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định.

 

Bản chất của việc DTHT là tốt nếu như nó được xuất phát từ nhu cầu thực sự của HS. Song vấn đề mấu chốt là cần phải siết chặt công tác quản lý để tránh những trường hợp xuất phát từ động cơ vụ lợi, thương mại hoá ép HS HT.