Thay đổi nhận thức về mục đích giáo dục

18:16, 31/12/2014

Ngày 4/11, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết của Hội nghị TW 8 khóa XI đã kế thừa, bổ sung, phát triển nhiều nội dung đổi mới về nhận thức, tư duy, quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Hiệu Trưởng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên về vấn đề này.

PV: Vấn đề đổi mới thứ nhất là “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục”. Vậy theo ông,“tư duy giáo dục” cần phải “đổi mới” nhất hiện nay là gì?

 

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Đổi mới tư duy chính là tôn trọng quy luật phát triển, nói và làm đúng hướng đích đến bản chất của sự vật. Tư duy giáo dục cần phải đổi mới trước hết là nhận thức về mục đích giáo dục cần thay đổi. Mục tiêu giáo dục nhân cách phải được xem là trọng tâm. Với 4 trụ cột của giáo dục mà UNESCO đã nêu đã khái quát khá đầy đủ về mục tiêu giáo dục: Học để biết, Học để làm, Học để tự khẳng định và Học để cùng chung sống. Cha ông ta cũng đã có câu rất hay: Đến trường kiếm dăm ba chữ để làm người. Cùng với tư duy mới về mục tiêu giáo dục là đổi mới cách làm giáo dục. Bởi lẽ sự nghiệp giáo dục chỉ có thể có sức mạnh thực sự khi được ưu tiên về: Nguồn lực người (người giỏi nhất); tài chính (mức chi cao nhất); đất đai (ưu đãi chỗ đẹp nhất)…Nhưng từ khi có chủ trương đến nay, thực sự chưa có sự biến đổi nhiều: lớp học chưa đủ, người giỏi không vào sư phạm, đất đai còn khó khăn… Do vậy, cần nhận thức lại cho đúng và quan trọng hơn là làm đúng theo tư tưởng, chiến lược mà chúng ta đã chọn.

 

PV: Một vấn đề rất mới của Nghị quyết là đổi mới cơ chế tài chính. Dần dần bỏ bớt bao cấp dành cho giáo dục công lập, tiến tới bình đẳng hơn giữa giáo dục công và tư. Ông đánh giá về sự đổi mới này như thế nào?

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Thực tế không thể có đủ tiền ngân sách chi cho giáo dục, phải huy động từ rất nhiều nguồn, đổi mới cơ chế tài chính là rất cần thiết. Sự bình đẳng giữa giáo dục công và tư là điều cần hướng tới. Khi một doanh nghiệp hay một cá nhân hiểu được rằng lợi ích của cá nhân hoặc nhóm nhân lực có được từ giáo dục (được trang bị năng lực mới, kỹ năng mới…) thì họ sẵn sàng chi phí (tái đầu tư trở lại cho giáo dục). Điều này trong xã hội hiện đại rất phổ biến (một người nông dân học vấn thấp biết bán thóc gạo để đầu tư cho con ăn học…).

 

Nhưng điều quan trọng ở đây là sự minh bạch trong thu chi và việc sử dụng đồng vốn của cá nhân hoặc doanh nghiệp đóng góp được phân giải như thế nào. Lợi ích trước mắt hoặc lâu dài của giáo dục đối với vận mệnh quốc gia phải được “chuyển tải” một cách tự nhiên và bình đẳng đến tất cả mọi người. Trong một số trường hợp hoặc ở một giai đoạn nhất định trong lịch sử rất cần sự bao cấp đầu tư tập trung của nhà nước để vực dậy một năng lực, tiềm lực chưa được khơi thông, đó là: giáo dục vùng khó khăn, đối tượng nghèo, giáo dục mũi nhọn…

 

Trong Nghị quyết và trước đó là Đề án Đổi mới giáo dục của ngành có đề cập đến đổi mới tài chính, trong đó khâu then chốt là định mức chi phí giáo dục sau phổ thông. Nếu định mức rõ chi phí, sẽ huy động rất nhiều nguồn đầu tư công và tư, sẽ làm cho mỗi cá nhân suy nghĩ một cách thực tế hơn về việc bỏ đồng vốn của cá nhân vào để đạt được mục đích thụ hưởng một nền giáo dục. Câu nói sau đây đáng quan tâm: “Giáo dục là một thứ quyền và là một đặc quyền mà người nhận phải bỏ công sức ra để được hưởng, chứ không phải là một món hàng được bán ra bởi các nhà quản lý và các giảng viên”. Do vậy nếu vẫn lối tư duy bao cấp trùm lên giáo dục, mà thiếu sự dẫn đường, sẽ dẫn tới những luẩn quẩn không lối thoát của giáo dục hiện nay.

 

PV:  Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, bảo đảm trung thực, khách quan, chính xác, theo yêu cầu phát triển năng lực, phẩm chất người học. Theo ông đâu là mấu chốt của đổi mới quan trọng này?

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Chức năng giáo dục là chức năng quan trọng nhất của kiểm tra đánh giá nhưng nhiều năm bị bỏ quên trong nhận thức của nhà quản lí và giáo viên. Từ đây, nó “lây lan” sang cả phụ huynh và xã hội. Bệnh thành tích, sự giả dối và hình thức đơn điệu của giáo dục là hệ quả của việc xem nhẹ chức năng này của kiểm tra đánh giá. Ở một số nước người ta coi trọng vào việc đánh giá, kiểm tra rồi thúc đẩy sự tiến bộ của những học sinh yếu kém để đạt trung bình và cao hơn. Sự đánh giá trung thực có tác dụng rất lớn đến tạo động lực phát triển cho người học, do vậy trong nhà trường cần quán triệt quan điểm nghiêm túc trong đánh giá. Còn ở khâu khảo thí cần một cơ quan tương đối độc lập trong việc xác nhận kết quả thi cử.

 

Những dấu hiệu tốt gần đây từ Bộ GD-ĐT đã cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng: Bỏ cho điểm ở lớp 1, đề thi dưới dạng mở…Mấu chốt là ở con người (người trong hệ thống giáo dục từ các khâu: Ra đề, coi thi, chấm thi, sử dụng kết quả…) và công cụ thực hiện (bộ công cụ chuẩn mực, khoa học) và cộng đồng xã hội cũng cần có sự đồng lòng chung trách nhiệm với giáo dục nhà trường khi tôn vinh sự thành đạt, thành công của người lao động hơn là chỉ tập trung tôn vinh kết quả thi cử bằng cấp…

 

PV: Những khó khăn có thể gặp phải khi triển khai Nghị quyết vào thực tiễn tại cơ sở?

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang:Có nhiều vấn đề nhưng theo tôi có 3 khó khăn sau đây: 1) Điều kiện ngân sách chi thường xuyên cho giáo dục sư phạm còn hạn hẹp (khoảng 40-50%). 2) Thói quen cũ trong quản lí, trong giảng dạy, trong đánh giá, trong giao tiếp của Giảng viên và sinh viên chưa thay đổi bắt nhịp với những tư tưởng, phong cách giáo dục mới. Những yếu tố này là lực cản rất lớn đối với sự thay đổi trong nhà trường. 3) Hệ thống giáo dục đại học đang cần sự liên thông, liên kết giữa các nhóm trường (chung mục tiêu đầu ra…) hoặc liên kết giữa nơi đào tạo với nơi sử dụng; liên kết quốc tế…còn yếu. Tuy các khó khăn chủ quan và khách quan như trên sẽ không giống nhau ở các trường, nhưng rất cần một quyết tâm chính trị, một ý chí mãnh liệt và một sức mạnh nội lực của cả hệ thống quản lí. Hy vọng các khó khăn sẽ được khắc phục và điều quan trọng hiện nay là làm cho mọi giảng viên, sinh viên, nhà quản lí cũng như dư luận xã hội nhìn đúng nhìn trúng vào bản chất của vấn đề và có những hành động phù hợp.

 

PV: Đối với Đại học Sư phạm Thái Nguyên, trước mắt sẽ có những chương trình hành động cụ thể gì, thưa ông?

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Đại học Sư phạm Thái Nguyên là chiếc nôi đào tạo ra những người thầy giáo, cô giáo của các bậc học cho khu vực các tỉnh vùng Đông Bắc bộ và nay vẫn là cơ sở đào tạo có uy tín, chất lượng, cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực xã hội. Để đổi mới, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu xã hội, trước mắt Nhà trường sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực, như: Đào tạo chương trình tiên tiến, tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho nghiên cứu khoa học; Tiếp tục đổi mới phương pháp sư phạm. Bên cạnh đó là đầu tư thiết bị dạy học, nhằm tăng cường khả năng thực hành cũng như tự nghiên cứu của người học.

 

Xin cảm ơn ông!