Chìa khóa để giáo dục tiểu học phát triển bền vững

10:23, 11/01/2015

Năm 1995, Thái Nguyên là tỉnh thứ 14 trong toàn quốc và là đơn vị đầu tiên của 15 tỉnh, thành phía Bắc đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về Phổ cập Giáo dục tiểu học - Chống mù chữ (PCGDTH).

Đến năm 2002, Thái Nguyên đã vươn lên là tỉnh thứ 11 trong toàn quốc, cũng là tỉnh duy nhất của các tỉnh khu vực phía Bắc được công nhận hoàn thành PCGDTH đúng độ tuổi. Thành tựu đó đã tiếp tục được củng cố, duy trì và phát huy. Tháng 11-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định công nhận 9/9 địa phương của tỉnh đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2. Đây chính là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học phát triển theo hướng bền vững.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hà Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT biết: Theo văn bản số 3264 ngày 23-12-2011 của UBND tỉnh về việc “Quyết định phê duyệt chương trình phát triển Giáo dục của tỉnh giai đoạn 2011-2015”, thì đến năm 2015, Thái Nguyên phải hoàn thành PCGDTH mức độ 2. Đây là nhiệm vụ là khá nặng nề và ngành Giáo dục luôn xác định đây là nhiệm vụ trung tâm xuyên suốt trong mọi thời điểm. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, Phòng chúng tôi đã tích cực tham mưu với lãnh đạo Sở tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo, kiện toàn Ban chỉ đạo PCGD từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn. Hằng năm thực hiện tốt công tác điều tra, bổ sung, cập nhật số liệu về PCGDTH. Các địa phương huy động tối đa trẻ em trong độ tuổi ra lớp và học xong chương trình tiểu học; xây dựng các giải pháp chống lưu ban, bỏ học, nâng cao chất lượng đội ngũ, thực hiện có hiệu quả chương trình tiểu học ở tất cả các vùng; tiếp tục đẩy mạnh chương trình kiên cố hóa trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học, sách giáo khoa, sách giáo viên để đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người học, người dạy; nâng cao tỷ lệ học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Mở rộng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia để chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi của tỉnh được duy trì một cách bền vững.

 

Toàn tỉnh có 226 trường tiểu học. Thực hiện nhiệm vụ PCGDTH, Ban chỉ đạo các cấp của tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền nội dung Thông tư 36/2009/TT-BGD&ĐT của Bộ GD&ĐT, các văn bản, kế hoạch của UBND tỉnh về công tác PCGDTH, nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của công tác PCGDTH đúng độ tuổi đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ về PCGDTH được quan tâm, đổi mới phương pháp và thường xuyên rút kinh nghiệm. Hằng năm, Ban chỉ đạo PCGD từ tỉnh đến cấp huyện đều tổ chức các cuộc kiểm tra đối với các đơn vị về công tác này. Các sở, ban, ngành của tỉnh đã phối hợp tốt với ngành GD&ĐT trong việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCGDTH đúng độ tuổi.

 

Các địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc huy động các nguồn lực nhằm tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất , trang thiết bị cho các trường học. Từ năm 2010 đến 2014, toàn tỉnh đã chi trên 244 tỷ đồng đầu tư cho công tác PCGDTH, trong đó nguồn xã hội hóa lên tới trên 78 tỷ đồng. Nguồn vốn trên chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn Quốc gia và các lớp học tại 157 điểm trường lẻ của các huyện miền núi. Nhờ vậy, mạng lưới trường, lớp học được tăng cường đảm bảo đủ 1,0 phòng học/1 lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng không ngừng tăng lên, đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục, nhất là ở các huyện miền núi. Bậc tiểu học có 5.530 giáo viên, trong đó có 4.704 giáo viên có trình độ trên chuẩn, chiếm tỷ lệ 85,06%, số giáo viên chuyên trách các môn như: Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh đủ theo cơ cấu, số giáo viên/lớp đạt tỷ lệ 1,63 (quy định 1,35).

 

Các nhà trường đã tích cực, chủ động trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, đảm bảo vừa sức, phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học của nhà trường. Đối với vùng dân tộc thiểu số, giải pháp nâng cao chất lượng được tập trung vào các biện pháp như tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bố trí tăng thêm thời lượng môn Tiếng việt, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong các môn học và hoạt động giáo dục. Với những giải pháp thiết thực, các địa phương đã huy động tối đa trẻ đến tuổi ra lớp. Nếu như năm 1995, tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học là 55,14%, thì năm 2002 nâng lên 88,8%, năm 2014 lên tới 97,25%. Tỷ lệ huy động trẻ em 6 tuổi đi học lớp 1 năm học vừa qua là 18.942/18.943 em, đạt 99,99%. Số học sinh được học 9-10 buổi/tuần chiếm tỷ lệ 84,1%. Đặc biệt, từ việc tập trung thực hiện công tác PCGDTH đúng độ tuổi, các địa phương đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia, hiện nay toàn tỉnh có 207 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 91,59%, trong đó có 21 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đây cũng là bậc học có tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia cao nhất trong các bậc học. Thời điểm tháng 10-2014, qua kiểm tra đã có 174 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2, chiếm tỷ lệ 96,66%; 9/9 huyện, thành, thị đạt chuẩn PCGDTH mức độ 2, đạt tỷ lệ 100%.

 

Hiện, tỉnh đã làm các thủ tục trình Bộ GD & ĐT đề nghị cử đoàn về kiểm tra công nhận Thái Nguyên đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2 ở thời điểm tháng 11-2014. Nếu được công nhận ở thời điểm này thì Thái Nguyên sẽ là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc và là tỉnh đầu tiên khu vực miền núi phía Bắc đạt chuẩn PCGDTH đúng độ tuổi mức độ 2.