Năm 2006, chỉ hơn một nửa số trẻ 12 tuổi được phỏng vấn cho biết đang học thêm, nhưng đến năm 2013 con số này đã lên đến 2/3, với 60% ở nông thôn và 85% ở thành thị.
Thông tin này được đưa ra trong báo cáo “Những cuộc đời trẻ thơ”, một báo cáo thực hiện từ năm 2001 đến nay trên 3.000 trẻ em sinh năm 2001 và 1994, nhằm có cái nhìn toàn diện để hoạch định chính sách đào tạo nhân lực.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo ngày 19/1, TS Nguyễn Thắng - giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kết quả này lấy được từ lần khảo sát thứ 4 (năm 2013) trên 3.000 trẻ em nói trên trong vòng 14 năm qua.
Theo báo cáo, so sánh với năm 2006, tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi, tỉ lệ tiếp cận nguồn nước và thiết bị vệ sinh, khả năng và điều kiện học tập cho trẻ em nghèo... đã được cải thiện đáng kể.
Cụ thể, tỉ lệ trẻ được đi học khá lớn khi 97% các cháu 12 tuổi (sinh năm 2001) đang đi học. Tuy nhiên khoảng cách giữa trẻ em người Kinh và các dân tộc thiểu số rất lớn, khi còn 12% trẻ em người dân tộc thiểu số ở lứa tuổi này không được đến trường.
Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng đã giảm từ 33% còn 20%. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu phân tích trẻ thấp còi ngày càng tập trung vào các gia đình nghèo, với 31% trẻ trong gia đình nghèo bị thấp còi, trong khi gia đình khá giả tỉ lệ này chỉ có 9%./.