Sau hơn 2 tháng áp dụng việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là không chấm điểm học sinh, chỉ nhận xét, đánh giá (từ ngày 15/10/2014), theo nhiều giáo viên, phụ huynh của các trường tiểu học Lạng Sơn, cách làm này đã giảm áp lực cho học sinh, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng.
Loay hoay tìm ngôn từ phù hợp
Cô Vũ Thị Quyên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Ưu điểm của Thông tư 30 là giảm áp lực cho học sinh về điểm số, động viên, khuyến khích học sinh phát huy hết khả năng của mình. Tuy nhiên, chấm điểm đã là cách làm truyền thống, ăn sâu vào tiềm thức của giáo viên, phụ huynh và học sinh; nên rất khó thay đổi một sớm một chiều. Nhiều giáo viên cho biết, khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình đánh giá là phải suy nghĩ và lựa chọn những từ ngữ thích hợp với năng lực học tập của mỗi học sinh để nhận xét. Lời nhận xét vừa phải đánh giá đúng thực lực học, vừa phải có tính khuyến khích, động viên học sinh phấn đấu học tập.
Cô Nguyễn Thị Thanh Xuân, giáo viên trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc (huyện Cao Lộc) chia sẻ: “Với mỗi học sinh phải có nhận xét khác nhau, vì năng lực học tập khác nhau. Lời nhận xét đòi hỏi chính xác, phù hợp với thực tế của học sinh. Đây cũng là vấn đề khó và phải mất nhiều thời gian để thuần thục. Do vậy, cách làm của chúng tôi là lập ra một “quyển sổ nhật ký” theo dõi quá trình học tập của học sinh theo từng buổi học. Trên cơ sở đó ghi chép lại vào quyển sổ này những vấn đề cần lưu ý với từng học sinh, từ đó có những lời nhận xét khách quan và chọn từ ngữ đánh giá phù hợp”.
Còn theo cô giáo Nguyễn Thị Minh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cao Lộc, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc đánh giá học sinh theo Thông tư này bởi muốn đánh giá sát, đúng, khách quan; thì ngoài việc nắm chắc, chuẩn kiến thức của từng môn học, giáo viên cần nắm chắc phẩm chất, năng lực học tập của từng em ở từng độ tuổi. Qua đó, đưa ra những lời nhận xét khách quan, chính xác và đảm bảo yếu tố động viên, khích lệ đối với học sinh để giảm áp lực điểm số cũng như không phê phán, phân biệt đối xử giữa các học sinh.
Năm học 2014-2015, Lạng Sơn có 247 trường tiểu học với 3.537 lớp, gần 57.514 học sinh và 4.695 giáo viên tiểu học. Để các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh áp dụng Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt hiệu quả, trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo đã cử cán bộ, giáo viên trường tiểu học tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức; đồng thời, tổ chức cho các cán bộ, giáo viên tại 11 huyện, thành phố tham gia tập huấn về kỹ năng đánh giá học sinh tiểu học.
Phụ huynh tâm tư
Với việc áp dụng thực hiện Thông tư, phụ huynh lại có những lo lắng riêng. Anh Trần Văn Hùng, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, có con đang học lớp 4 tại trường Tiểu học Chi Lăng, bày tỏ băn khoăn vì việc đánh giá này chỉ là những lời nhận xét vào vở của học sinh, nên phụ huynh sẽ khó biết chính xác thực lực học tập của con như thế nào. Theo anh Hùng, cách đánh giá học sinh bằng hình thức cho điểm giúp phụ huynh dễ dàng hơn trong việc biết lực học của con, từ đó có những giải pháp phù hợp giúp cháu học tập được tốt hơn.
Suy nghĩ của anh Hùng cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều phụ huynh khi tiếp nhận thông tin đổi mới cách đánh giá học sinh tiểu học. Đa số học sinh và nhiều phụ huynh vẫn thích con em mình được đánh giá việc học qua điểm số.
Chị Hoàng Minh Huân, thành phố Lạng Sơn, cũng có con đang học tiểu học, lại cho rằng, việc thực hiện Thông tư 30 có tính ưu việt và mang tính nhân văn rất lớn. Thông tư này được áp dụng sẽ giúp học sinh có thể vừa học vừa chơi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và không bị áp lực điểm số, bị thầy cô phê bình, cha mẹ trách. Tuy nhiên, điều chị mong muốn là các giáo viên đưa ra những lời nhận xét thật khách quan, chính xác, đúng năng lực, phù hợp với tâm sinh lý của học sinh, trên cơ sở đó khơi nguồn hứng thú, động viên, khuyến khích học sinh không ngừng vươn lên trong học tập.
Tuy còn có nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn, lo lắng của giáo viên, phụ huynh và học sinh trong thời gian đầu thực hiện Thông tư 30 nhưng vì mục tiêu đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, hướng tới một nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện, rất cần sự tâm huyết, phối hợp đồng bộ, tích cực giữa thầy cô và gia đình.