Để giáo dục phát triển toàn diện

10:14, 02/01/2015

Năm 2014 là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, đến thời điểm này các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực của giáo dục & đào tạo (GD&ĐT), trong đó có chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia dự kiến sẽ cán đích đúng hẹn. Đây là tiền đề vững chắc để nền GD của tỉnh nhà phát triển nhanh, mạnh, bền vững, xứng đáng là trung tâm giáo dục của vùng.

Một trong những mục tiêu được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định: “Phấn đấu đến năm 2015, có 70% số trường đạt chuẩn Quốc gia, trong đó: Mầm non: 65%; Tiểu học: 100%; THCS: 50% và THPT: 20%”. Đây vừa là mục tiêu vừa là giải pháp hữu hiệu để tạo ra một môi trường giáo dục tốt, đảm bảo an toàn, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện nhằm hình thành nhân cách, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này, lãnh đạo ngành Giáo dục đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cụ thể bằng các nghị quyết, đề án để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của chính quyền, sự phối hợp có trách nhiệm và hiệu quả của các ban, ngành, đoàn thể và các lực lượng trong công tác này. Trong đó, quan tâm kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể trong từng thời kỳ. Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, với các ngành liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

 

Khi bắt tay vào thực hiện chỉ tiêu về xây dựng trường đạt chuẩn, năm 2010, toàn tỉnh mới có 323 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ 50% số trường. Từ thực tiễn công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2005-2010, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn đến năm 2015. Các cơ quan quản lý giáo dục từ Sở GD&ĐT đến các Phòng GD&ĐT, các nhà trường tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xã hội, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, tạo niềm tin, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội và nhân dân. Ngành Giáo dục đã tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư TW Đảng. Đây có thể nói là khâu quyết định để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến thời điểm này, về đội ngũ cán bộ, giáo viên đã đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao. Hiện nay, 70% giáo viên mầm non, 85% giáo viên tiểu học đạt trình độ từ cao đẳng trở lên. 70% số giáo viên THCS đạt trình độ đại học và 20% giáo viên THPT đạt trình độ thạc sĩ. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng trường chuẩn, ngành Giáo dục đã lồng ghép huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo, Đề án kiên cố hóa trường, lớp và xây nhà công vụ cho giáo viên, nguồn tiền xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn lên tới trên 552 tỷ đồng. Các địa phương trong tỉnh đã đưa tiêu chí xây dựng trường đạt chuẩn trở thành nghị quyết để tập trung chỉ đạo thực hiện, đơn cử như huyện Phổ Yên đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có 100% số trường đạt chuẩn Quốc gia, cao hơn chỉ tiêu của toàn tỉnh. Nếu như năm 2010 toàn huyện có 50/69 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 72,4% thì hiện nay 67/71 trường đạt chuẩn, bằng 94,3% (tăng 2 trường so với năm 2010 do tách trường). Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 4 trường chưa đạt chuẩn (3 mầm non, 1 THCS).

 

Còn đối với huyện Đại Từ, theo đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện: Mục tiêu mà huyện đề ra là phấn đấu đến năm 2015 toàn huyện có trên 80% số trường đạt chuẩn Quốc gia. Để thực hiện được mục tiêu này, trung bình mỗi năm ngân sách của huyện dành cho xây dựng trường chuẩn và nâng chuẩn là trên 10 tỷ đồng. Với cách làm trên, trong 2 năm qua huyện Đại Từ có thêm 14 trường ở các cấp học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 74/98 trường, bằng 75,5%, trong đó có 5 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn mức độ II.

 

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song thực tiễn xây dựng trường chuẩn Quốc gia trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, công tác này đã đi đúng hướng, được xã hội đón nhận và đi vào cuộc sống, đem lại diện mạo mới và sự chuyển biến tích cực, rõ nét ở nhiều nhà trường. Và kết quả đến thời điểm này toàn tỉnh có 466/662 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 70,39% tổng số trường, tăng 143 trường so với năm 2010. Trong đó mầm non 146/223 trường (65,47%), tiểu học 207/226 trường (91,59%), THCS 101/181 trường (55,80%) và THPT 12/32 trường (37,50%). Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, kết quả trên cho thấy ngành Giáo dục đã nỗ lực cán đích đúng hẹn chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Đây là cơ sở để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương theo hướng vững chắc hơn.