Bộ GD - ĐT ban hành Bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi với rất nhiều chỉ số về thể chất, quan hệ xã hội, giao tiếp… Do bộ chuẩn này ban hành sau chương trình giáo dục mầm non nên khi triển khai ở địa phương vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý: Sĩ số trẻ quá đông, khó đo chỉ số của trẻ; chương trình giáo dục và bộ chuẩn chưa đồng bộ.
Khó từ quy định
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT cho biết, Bộ chuẩn phát triển trẻ em là những mong đợi về những gì trẻ nên biết và có thể làm được dưới tác động của giáo dục. Đây là xu hướng chung của các nước trên thế giới nhằm nâng cao và giám sát chất lượng giáo dục. Đồng thời, là cơ sở để thiết kế và điều chỉnh chương trình giáo dục. Khi giáo viên sử dụng cần tránh không để một trẻ nào cảm thấy mình bị thất bại, yếu kém hơn những trẻ khác. Tránh đòi hỏi trẻ phải đạt hết các chỉ số. Trẻ có thể phát triển không đồng đều các lĩnh vực đều là bình thường. Vì vậy, Bộ chuẩn phát triển trẻ không phải là chương trình giáo dục mầm non mà là những mong đợi thực tế đối với trẻ. Từ thực tế đó, mới xây dựng chương trình giáo dục chung để đáp ứng được những mong đợi ấy.
Bộ chuẩn ban hành đến nay đã được 3 năm và triển khai các cơ sở giáo dục mầm non trên toàn quốc. Nhưng do Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi ban hành sau với chương trình giáo dục mầm non nên các trường gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.
Trường mầm non 20/10 (Hà Nội) là một trong những nơi tiên phong trong việc thực hiện bộ chuẩn phát triển 5 tuổi. Trong quá trình thực hiện, một số giáo viên cho biết, để thực hiện tốt cả chương trình giáo dục mầm non kết hợp với Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi cần giáo viên phải phân biệt đúng. Nếu không rất dễ nhầm lẫn trong quá trình triển khai và không thể thực hiện được. Bởi, Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi có rất nhiều chỉ số, trong đó có những chỉ số trùng, hoặc không phù hợp với chương trình giáo dục mầm non.
Cô Hoàng Thị Hồi, giáo viên trường mầm non 20/10 cho biết: “Việc đầu tiên mà bất kỳ giáo viên ở các quận nội thành khi thực hiện bộ chuẩn này đều gặp là sĩ số lớp đông, gần gấp đôi so với chuẩn quy định. Trường 20/10 cũng nằm trong số này. Chỉ cần nhìn những chỉ số chi tiết mà trong Bộ chuẩn quy định để đánh giá thì giáo viên rất dễ choáng ngợp. Cụ thể, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực phát triển cơ bản của trẻ mầm non dựa trên cơ sở của các nghiên cứu khoa học: Phát triển thể chất (6 chuẩn - 26 chỉ số).
Ví dụ, chuẩn 1 yêu cầu trẻ có thể kiểm soát và phối hợp vận động các nhóm cơ lớn bao gồm các chỉ số: chỉ số 1- bật xa tối tiểu 50 cm, chỉ số 2 - nhảy xuống từ độ cao 40 cm...; Phát triển tình cảm và quan hệ xã hội (7 chuẩn - 34 chỉ số). Ví dụ, chuẩn 7: Trẻ thể hiện sự nhận thức về bản thân gồm các chỉ số: nói được một số thông tin quan trọng về bản thân và gia đình hay ứng xử phù hợp với giới tính của bản thân; Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp (6 chuẩn - 31 chỉ số). Ví dụ, chuẩn nghe và hiểu lời nói…; Phát triển nhận thức (9 chuẩn - 29 chỉ số). Ví dụ ở chuẩn 20 quy định trẻ thể hiện một số hiểu biết về môi trường tự nhiên: gọi tên được nhóm cây cối, con vật theo đặc điểm chung. Như vậy có 4 nội dung, 28 chuẩn và 121 chỉ số.
Cô Đỗ Hoàng Phương Thảo, trường Mầm non Bé Ngoan (TP Hồ Chí Minh) phân tích: “Có những chuẩn không chỉ đo một lần là được, hơn nữa mỗi lần đo lại cho ra những kết quả khác nhau. Ví dụ, địa chỉ nhà được dạy đầu năm học sinh đã thuộc nhưng đến cuối năm đã quên. Sau khi có đánh giá này, giáo viên phải so với chương trình giáo dục mầm non. Khối lượng công việc này tốn rất nhiều thời gian trong năm”.
Cần nhiều sự hỗ trợ chuyên môn
Việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non và Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi gặp một số khó khăn chung như: Thiếu tài liệu hướng dẫn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Ðặc biệt, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một số trang thiết bị dạy học chưa đồng bộ, thiếu, chưa đáp ứng với yêu cầu đổi mới; các thiết bị, phương tiện hiện đại như máy tính, máy chiếu đa năng để phục vụ cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ còn hạn chế, nhất là khu vực miền núi, hải đảo... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên vẫn chưa chủ động sáng tạo trong việc thực hiện.
Vụ trưởng Giáo dục mầm non, Bộ GD - ÐT, Nguyễn Bá Minh cho rằng, để thực hiện được chương trình này thì đòi hỏi con người, cơ sở vật chất cũng như những điều kiện khác để đáp ứng được yêu cầu. Việc xây dựng chương trình mặc dù rất công phu nhưng khó tránh khỏi những thiếu sót nên rất cần những ý kiến đóng góp để chương trình ngày một hoàn thiện hơn. Trong thời gian tới, Vụ Giáo dục mầm non sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các giáo viên, chuyên gia để chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện cũng như làm thế nào để có bộ chương trình tốt để nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục học sinh.
“Những thực tế mà giáo viên gặp phải ở cơ sở Bộ GD - ĐT đã kiểm tra và tiếp thu. Bộ sẽ tăng cường hướng dẫn sử dụng nguồn tài liệu, tiếp tục tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý về xây dựng bộ công cụ theo dõi sự phát triển của trẻ. Đồng thời, những nơi làm tốt, Bộ sẽ tổ chức các đợt tham quan giữa các nơi để giáo viên trao đổi, rút kinh nghiệm”, ông Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh.