Để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT, việc cần thiết tái cơ cấu các cơ sở đào tạo Giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và dạy nghề công lập ở mỗi tỉnh.
Thực tiễn hiện nay đang có sự trùng lắp, phân tán, manh mún đã gây ra lãng phí các nguồn lực, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo.
Với những hiểu biết tường tận về vấn đề này, tôi xin đưa ra kiến giải để thấy rằng hệ thống các trường cao đẳng cộng đồng tại địa phương có thể đảm nhiệm chức năng chung này.
Vì sao Trường CĐCĐ có thể đảm nhiệm?
Đáp ứng nhu cầu của cộng đồng là phương châm hoạt động và phát triển của Trường Cao đẳng Cộng đồng (CĐCĐ). Mọi hoạt động và các quyết định của Trường CĐCĐ đều hướng tới thỏa mãn tối đa nhu cầu của cộng đồng với nguồn lực hiện có của nhà trường.
Cộng đồng mà trường CĐCĐ hướng tới đáp ứng gồm có người dân, các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân trong và ngoài nước đóng trên địa bàn của địa phương.
Nhu cầu của cộng đồng rất đa dạng và thường hay thay đổi. Do đó, Trường CĐCĐ phải thường xuyên tìm hiểu và đánh giá đầy đủ nhu cầu của cộng đồng thông qua các hoạt động: Phân tích, đánh giá kinh tế - xã hội hiện tại ở địa phương và dự báo sự thiếu hụt trong tương lai; Phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường lao động.
Trường CĐCĐ chủ động tìm hiểu và năng động “đáp ứng” những gì mà cộng đồng cần và chính cộng đồng quyết định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung và các nhiệm vụ chính trị đặt ra ở tỉnh.
Để đảm bảo nhu cầu của cộng đồng luôn được lồng ghép đầy đủ và hiệu quả vào các hoạt động của nhà trường, trường CĐCĐ được xây dựng cơ cấu tổ chức và quy định chức năng của các đơn vị trực thuộc sao cho các đại diện của cộng đồng đều có mặt và tiếng nói của họ luôn được lắng nghe để xem xét trong tất cả các hoạt động của nhà trường.
Nên có cơ cấu tổ chức như sau:
- Thứ nhất: Hội đồng tư vấn nhà trường có vai trò đưa ra các lời khuyên và nhận xét đối với các hoạt động của nhà trường và giúp nhà trường hoạch định chiến lược phát triển và lập kế hoạch hoạt động hàng năm.
- Chủ tịch Hội đồng tư vấn nhà trường: Phó chủ tịch UBND tỉnh; Phó Chủ tịch thường trực:Hiệu trưởng Trường CĐCĐ; Các Phó Chủ tịch: Giám đốc Sở GD&ĐT, Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội; Các ủy viên: Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Các doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân …
- Thứ hai: Ban Tư vấn chương trình được thành lập theo từng ngành nghề đào tạo, có nhiệm vụ đưa ra các đề xuất có liên quan đến việc chỉnh sửa và bổ sung chương trình đào tạo sao cho chương trình luôn theo sát với yêu cầu của công việc và nhu cầu của nhà tuyển dụng.
- Thứ ba: Hội đồng học thuật có nhiệm vụ đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển chương trình mới, chỉnh sửa và bổ sung các chương trình hiện hành theo các đề xuất của các Ban Tư vấn chương trình.
- Thứ tư: Tổ khảo sát thị trường lao động và đánh giá chương trình đào tạo thực hiện đánh giá yêu cầu của thị trường lao động làm đầu vào cho công tác phát triển chương trình đào tạo và khảo sát các phản hồi của các nhà tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp và sinh viên đang theo học về các kỹ năng làm việc đối với yêu cầu của công việc thực tế.
- Thứ năm: Tổ phát triển chương trình có nhiệm vụ hỗ trợ các bộ môn xây dựng các chương trình giảng dạy và tài liệu dạy - học đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc của phương pháp “dựa theo yêu cầu của công việc”.
- Thứ sáu: Tổ huấn luyện giáo viên có nhiệm vụ phát triển và tập huấn cho các giáo viên phương pháp giảng dạy mới “lấy người học làm trung tâm” để đảm bảo chất lượng giảng dạy của chương trình đào tạo.
- Thứ bảy: Ban Giới và Dân tộc là đại diện tiếng nói của giới nữ và đồng bào dân tộc trong nhà trường, có nhiệm vụ đảm bảo các chính sách có liên quan đến giới và dân tộc của nhà trường được thực thi hiệu quả, thực hiện giảng dạy chương trình giới và dân tộc.
Cơ cấu tổ chức như trên sẽ phát huy tối đa sự tham gia của đại diện cộng đồng để cộng đồng cùng quyết định và chịu trách nhiệm với Ban giám hiệu và cán bộ nhà trường là điểm hoàn toàn khác biệt của trường CĐCĐ với các trường đại học và cao đẳng thông thường tại Việt Nam hiện nay.
Chương trình đào tạo theo yêu cầu của công việc
Khác với các trường cao đẳng thông thường khác tại Việt Nam, các chương trình đào tạo của trường CĐCĐ được xây dựng dựa trên yêu cầu của công việc hơn là các khung chương trình quy định sẵn hay là các chương trình mẫu của một số trường đại học và cao đẳng danh tiếng.
Quy trình phát triển chương trình đào tạo của Trường CĐCĐ gồm các bước sau đây: Thực hiện phân tích nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương; Xác định các nghề cần, thiếu trong thị trường lao động và các tiêu chuẩn kỹ năng cho các nghề; Lấy ý kiến của Ban Tư vấn chương trình; Xem xét các tiêu chuẩn kỹ năng để xác định nội dung giảng dạy; Xây dựng tiến trình đánh giá, kiểm tra, thi; Xây dựng, cập nhật tài liệu giảng dạy;Thực hiện giảng dạy; Đánh giá kết quả đào tạo và điều chỉnh chương trình.
Điều quan trọng trong quy trình phát triển chương trình đào tạo theo yêu cầu của công việc là nội dung giảng dạy và các tài liệu dạy học đều được Ban Tư vấn chương trình và các chuyên gia bên ngoài góp ý và thẩm định kỹ lưỡng nhiều lần.
Ngoài ra, việc đào tạo ngành gì và nghề gì tại trường CĐCĐ hoàn toàn dựa vào kết quả của việc phân tích nhu cầu quyết định, không phải dựa trên cảm tính hay “làm theo” các trường khác.
Mặt khác, do chú trọng đến kết quả đào tạo, tức là kỹ năng có được của sinh viên tốt nghiệp, các chương trình đào tạo của trường CĐCĐ rất chú trọng đến thực hành, nhất là thực hành tại các cơ quan xí nghiệp.
Điều này rất đúng với Luật về phân tầng giáo dục đại học mang định hướng ứng dụng. Các chương trình đào tạo của Trường CĐCĐ được điều chỉnh thường xuyên, thường là hàng năm để thích ứng với các thay đổi của công nghệ và yêu cầu của công việc.
Đào tạo theo mô hình học tập suốt đời
Mô hình học tập suốt đời cho phép người học có thể dễ dàng lựa chọn chương trình và thời điểm học tập phù hợp với điều kiện cá nhân, người học có thể dừng việc học sau khi đến một điểm “dừng” nhất định để đi làm và có thể quay lại học nhiều lần và nhà trường không đặt ra giới hạn tuổi tác đối với người học. Việc xây dựng mô hình học tập suốt đời bao gồm các công việc sau đây:
- Xây dựng các chương trình học với nhiều điểm dừng khác nhau cho nhiều ngành nghề khác nhau. Các điểm dừng có thể là 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng,… Người học được phép vào và ra trường theo các điểm dừng này. Ngoài ra, chương trình học phải được chia thành mô-đun và việc hoàn thành các mô-đun này phải được tính bằng đơn vị tín chỉ.
- Xây dựng hệ thống đào tạo theo tín chỉ qua đó bằng cấp được công nhận dựa trên số tín chỉ đã hoàn thành của học viên.
- Cho phép liên thông giữa các bậc đào tạo và giữa các ngành trong nội bộ trường hay với các trường khác nhau để người học có thể tiết kiệm được thời gian và tiền bạc do không phải học lại với các kết quả học tập đã được công nhận.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người học theo tín chỉ để người học có thể dễ dàng “vào” và “ra” trường và nhà trường có thể dễ dàng tiếp cận và tư vấn cho người học.
Mô hình học tập suốt đời có thể được xem như là cái “hồn” của trường CĐCĐ và làm cho trường CĐCĐ hoàn toàn khác biệt với các trường cao đẳng thông thường khác tại Việt Nam hiện nay.
Đào tạo chuyển tiếp và liên thông
Việc thực hiện đào tạo chuyển tiếp và liên thông ở trường CĐCĐ hiện nay của nước ta nếu được hiện thực hóa thì mô hình trường CĐCĐ đảm nhận các nhiệm vụ chính sau đây:
- Thiết lập các mối liên kết đào tạo đại học và thực hiện các chương đào tạo chuyển tiếp sinh viên lên năm thứ 3 theo các chương trình đào tạo đại học 4 năm tại các trường đại học liên kết bảo trợ cho Trường CĐCĐ;
- Thiết kế và tổ chức đào tạo các chương trình dạy nghề chính quy, các chương trình trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), các chương trình cao đẳng (CĐ) trên cơ sở đáp ứng sát nhu cầu của xã hội ở địa phương. Các chương trình dạy nghề, TCCN, CĐ được thiết kế theo hướng thuận lợi cho việc đào tạo liên thông giữa các cấp đào tạo;
- Tổ chức đào tạo liên thông cả 4 cấp đào tạo: dạy nghề, TCCN, CĐ, ĐH (đào tạo chuyển tiếp năm thứ 3 đại học); thực hiện đào tạo liên thông đa ngành, đa lĩnh vực;
- Hướng nghiệp cho học sinh THCS và THPT ở địa phương; trường CĐCĐ làm trách nhiệm là cầu nối giữa giáo dục PTTH với giáo dục đại học và chuyên nghiệp (GDĐH&CN). Để chuẩn bị cho học sinh PTTH tiếp cận GDĐH&CN, trường CĐCĐ có thể tổ chức đào tạo một số học phần/tín chỉ của các chương trình khoa học cơ bản đại cương đối với học sinh PTTH; các học phần/tín chỉ này được xem như học sinh đã tích lũy sớm, trước khi chính thức bước vào giáo dục đại học. Giúp học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN hệ 3 năm; sau đó có thể tiếp tục học liên thông lên cấp CĐ hoặc ĐH.
- Đây là một cách làm rất tích cực và có hiệu quả mang tính hướng nghiệp, giúp học sinh sớm nhận thức đúng đắn khả năng của mình thích hợp với các hướng đào tạo của giáo dục sau THCS và sau THPT; nhờ vậy, giúp hạn chế tối thiểu những nguy cơ thất bại đầu đời thường xảy ra trong con đường học vấn, lập thân, lập nghiệp của thanh niên; đồng thời, Trường CĐCĐ đã góp phần giải quyết bài toán phân luồng học sinh sau THCS và sau THPT một cách căn bản cho địa phương;
- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các chương trình giáo dục thường xuyên, có cấp bằng, chứng chỉ hoặc không cấp chứng chỉ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng như: tin học, ngoại ngữ, bổ túc văn hóa, cập nhật các tri thức mới về khoa học và công nghệ, dạy nghề ngắn hạn... nhằm nâng cao kỹ năng sống của mọi thành viên trong cộng đồng.
Với chức năng nhiệm vụ của mình là gắn chặt với cộng đồng địa phương, mô hình Trường CĐCĐ hoàn toàn có thể thay thế và thực hiện có hiệu quả hơn về mặt chất lượng đào tạo nói riêng và về quản lí nhà nước nói chung đối với nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và dạy nghề ở tỉnh.
Trường CĐCĐ có chương trình đào tạo đa cấp (sơ cấp, trung cấp, tao đẳng và liên kết đào tạo đại học), đa ngành, đa lĩnh vực, sẽ thực hiện các chức năng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng;
Trung tâm đào tạo nghề, đào tạo liên thông trong hệ thống giáo dục thường xuyên chuyên nghiệp và dạy nghề, thực hiện được triết lí học tập suốt đời mà chủ trương của đảng và chính sách của nhà nước nhất quán chỉ đạo từ hai thập niên qua.