Những tín hiệu vui

17:51, 26/01/2015

 Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là một yêu cầu khách quan và cấp bách của sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH. Từ yêu cầu đó, ngày 4-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", Tỉnh ủy Thái Nguyên đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 25-Ctr/TU ngày 6-1-2014. Sau một năm triển khai thực hiện đã có những chuyển biến đáng mừng…

Mục tiêu tổng quát Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29 của tỉnh là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục & đào tạo gắn với phát triển quy mô trường, lớp một cách hợp lý với nâng cao chất lượng giáo dục, đưa sự nghiệp giáo dục & đào tạo của tỉnh phát triển nhanh và bền vững theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa. Mục tiêu cụ thể được đề ra là hoàn thành công tác phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi vào tháng 6-2014, có 100% trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mới. Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 vào năm 2015, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Củng cố vững chắc và nâng cao PCGD bậc THCS, từng bước thực hiện PCGD bậc trung học ở nơi có điều kiện.

 

Đối với chúng tôi, đồng chí Ngô Thượng Chính, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo vui mừng cho biết: Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 29 với sự nỗ lực của toàn ngành và sự ủng hộ của các cấp, ngành, địa phương giáo dục đã có những tín hiệu vui. Quy mô, mạng lưới trường học trong tỉnh phát triển hợp lý, rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có trên 667 đơn vị trường học ở các bậc học, 19.757 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trên 258 nghìn học sinh. Trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các đề án, kế hoạch và quy hoạch ngành Giáo dục và Đào tạo và lĩnh vực dạy nghề theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, phát triển các trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng nhu cầu của học sinh. Tập trung chỉ đạo các nhà trường thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học theo từng cấp học, bậc học.

 

Cùng với nguồn ngân sách, các nhà trường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục huy động mọi nguồn lực để xây dựng trường, lớp theo hướng chuẩn hóa. Trong quá trình chỉ đạo xây dựng trường chuẩn, ngành Giáo dục đã lồng ghép huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục và đào tạo, Đề án kiên cố hóa trường, lớp và xây nhà công vụ cho giáo viên, nguồn tiền xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường nằm trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng trường chuẩn lên tới trên 552 tỷ đồng. Hiện nay toàn tỉnh có trên 8.400 phòng học, trong đó tỷ lệ phòng kiên cố đạt trên 64%. Nhờ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư xây dựng trường chuẩn, đến thời điểm này toàn tỉnh có 475/667 trường đạt chuẩn Quốc gia, bằng 71,2% tổng số trường, tăng 152 trường so với năm 2010 (Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra phấn đấu đến năm 2015 có 70% số trường đạt chuẩn Quốc gia). Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi tỉnh đề ra mục tiêu đến 2014 hoàn thành. Ngành Giáo dục đã chỉ đạo các nhà trường tăng cường công tác tuyên truyền huy động 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp, thực hiện dạy theo chương trình giáo dục mầm non mới. Đối với trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường học tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tập trung nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân. Các lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị đủ 124 bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu theo danh mục quy định tại Thông tư 02 của Bộ GD & ĐT.

 

Sau gần 4 năm nỗ lực thực hiện, đến thời điểm tháng 6-2014, Thái Nguyên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hoàn thành PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.  Song song với thực hiện mục tiêu PCGD mầm non đối với trẻ 5 tuổi, ngành Giáo dục tiếp tục tham mưu với tỉnh có nhiều biện pháp nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đối với công tác PCGD tiểu học. Từ năm 2010 đến 2014, toàn tỉnh đã chi trên 244 tỷ đồng đầu tư cho công tác PCGD tiểu học, trong đó nguồn xã hội hóa lên tới trên 78 tỷ đồng. Nguồn vốn trên chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng các trường học trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn Quốc gia và các lớp học tại 157 điểm trường lẻ của các huyện miền núi. Nhờ vậy, mạng lưới trường, lớp học được tăng cường đảm bảo đủ 1,0 phòng học/1 lớp. Các nhà trường đã tích cực, chủ động trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy. Đối với vùng dân tộc thiểu số, các nhà trường đã tăng thêm thời lượng môn tiếng Việt, xây dựng môi trường giao tiếp trong các môn học và hoạt động giáo dục. Với những giải pháp thiết thực, trung tuần tháng 11-2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 9/9 địa phương đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2. Kết quả trên cho thấy, các chỉ tiêu lớn của ngành Giáo dục đã hoàn thành theo đúng kế hoạch của tỉnh đề ra.

 

Song song với việc dồn các nguồn lực để đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất trường, lớp, ngành Giáo dục cũng chỉ đạo các cấp học, bậc học thực hiện hiệu quả việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Cấp tiểu học ngay từ năm học 2014-2015 bắt đầu thực hiện Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học. Theo đó, sẽ không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ HS.

 

          Sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 29 về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, với sự tham mưu tích cực của ngành Giáo dục, sự chủ động của các nhà trường đã tạo nên diện mạo mới cho nền giáo dục tỉnh nhà. Đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí vững chắc của ngành Giáo dục luôn dẫn đầu khối thi đua của 15 tỉnh, thành phía Bắc.