Ngoại ngữ là môn học có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhất là trong đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để dạy và học ngoại ngữ trong giáo dục đại học đạt được kết quả tốt còn nhiều việc cần làm.
Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 xác định mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực. Mục tiêu đến năm 2020, phần lớn thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam. Hiện, có khoảng hơn 430 nghìn sinh viên, học viên các trường ĐH, CĐ trên cả nước tốt nghiệp mỗi năm, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, sinh viên ra trường vẫn còn thiếu các kỹ năng mềm, nhất là năng lực ngoại ngữ làm giảm sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập. Việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường ĐH, CĐ đều chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Theo Thứ trưởng GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển, vấn đề đào tạo ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ còn nhiều khó khăn về phương pháp đánh giá cũng như cách thức hỗ trợ cho người học chưa được bảo đảm. Chương trình dạy ngoại ngữ hiện nay chủ yếu tiếp cận về mặt ngôn ngữ nhiều hơn là giao tiếp cho nên rất khó đạt khung năng lực ngoại ngữ mới. Đầu vào ĐH, CĐ của các sinh viên có trình độ, năng lực ngoại ngữ không đồng đều nhau, trong khi thời lượng đào tạo lâu nay không thay đổi khiến cho việc dạy ngoại ngữ của các trường còn bất cập.
Một số chuyên gia giáo dục phân tích, do không có sự thay đổi về thời lượng đào tạo cho nên tập trung quá nhiều vào việc đạt chuẩn quốc gia về ngoại ngữ gây áp lực lớn đối với các trường. Vì sinh viên không chỉ học ngoại ngữ mà còn phải học các chuyên môn khác cũng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Nếu tập trung hết thời gian vào học ngoại ngữ sẽ không còn thời gian học các môn chuyên ngành. Vì vậy, việc nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ của giảng viên, sinh viên các trường ĐH, CĐ cần có giải pháp thấu đáo. Hiện, việc dạy học ngoại ngữ tại nước ta mới đang chuyển dần từ dạy học như một môn khoa học sang dạy như một môn kỹ năng; từ sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống (ngữ pháp và dịch) sang đường hướng dạy ngôn ngữ giao tiếp với các mục tiêu không chỉ giúp người học hiểu, biết ngoại ngữ mà còn dùng ngoại ngữ trong các hoạt động của mình. Vì vậy, vấn đề làm thế nào để tạo động lực và môi trường dạy học ngoại ngữ theo định hướng giao tiếp, hướng tới đầu ra là năng lực người sử dụng cần được các trường tính đến.
Theo PGS,TS Phan Quang Thế, Hiệu trưởng Trường ĐH kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên): Kinh nghiệm tổ chức các lớp ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng của trường cho thấy cần có hệ thống văn bản hướng dẫn người học thực hiện quy trình lớp học theo từng bước, từ khi bắt đầu đến kết thúc khóa học. Người học phải ký cam kết nâng cao trình độ, trách nhiệm với bản thân và những thành viên khác của lớp. Bảo đảm kỷ cương nền nếp lớp học như bảo đảm số buổi, thời lượng học. Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nội quy lớp học, không có ngoại lệ cho bất kỳ trường hợp nào. Tại Trường ĐH kỹ thuật công nghiệp sau hai năm (2012-2014) siết chặt quản lý, kể từ học kỳ hai năm học 2014-2015 sẽ bắt đầu áp dụng chuẩn tiếng Anh khi xét tốt nghiệp đối với sinh viên hệ ĐH chính quy. Đến nay, 77% số giảng viên của các khoa chuyên môn còn lại sử dụng giáo trình viết bằng tiếng Anh để soạn bài, ra bài tập cho sinh viên bằng tiếng Anh.
TS Hà Văn Sinh (Khoa Ngoại ngữ - Trường ĐH Phú Yên) thì cho rằng, dạy được một ngoại ngữ đòi hỏi giáo viên không chỉ có khả năng sử dụng ngoại ngữ đó tốt mà còn phải có các kỹ năng giảng dạy hiệu quả thông qua quá trình đào tạo và bồi dưỡng trong môi trường giảng dạy. Đáng chú ý, giáo viên cần bảo đảm khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt kết hợp với sự hiểu biết đầy đủ về ngôn ngữ và văn hóa của ngoại ngữ đang dạy. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong các trường ĐH, CĐ cần có chính sách thúc đẩy giáo viên tự nâng cao trình độ và chia sẻ với đồng nghiệp như: nâng thù lao giờ dạy của giáo viên đạt chuẩn ngôn ngữ C1 cao hơn giáo viên chưa đạt 10%; B2 cao hơn 5% và thạc sĩ cao hơn 5% so với giáo viên chưa đạt chuẩn ngoại ngữ.
Từ thực tiễn của trường chuyên đào tạo về ngoại ngữ với 22 chương trình khác nhau, TS Hà Lê Kim Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, cần xác định chương trình đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, chương trình đào tạo mới chỉ là cái vỏ bề ngoài, để tạo nên sự thành công của một chương trình thì quan trọng hơn cả chính là nội dung, phương pháp giảng dạy. Đáng chú ý, cần xây dựng đội ngũ giảng viên và đội ngũ phục vụ đào tạo để vận hành chương trình thật tốt.
Theo TS Vũ Thị Tú Anh, Ban quản lý đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD và ĐT) trong việc dạy ngoại ngữ, các trường ĐH, CĐ, không nhất thiết phải đầu tư nhiều tiền thì việc dạy và học mới thành công. Quan trọng là có được công cụ, phương tiện và sách vở thích hợp. Ngoài năng lực tiếng, người tham gia giảng dạy cần có năng lực sư phạm và năng lực giảng dạy ngoại ngữ. Điều này đặt ra yêu cầu lãnh đạo các trường phải hiểu đúng, hiểu đủ về thực tế nhân lực, vật lực và điểm mạnh, điểm yếu của trường mình để đổi mới dạy và học ngoại ngữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.