Quản lý chất lượng sách ở trường học

11:14, 09/01/2015

Các nhà giáo, chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý... rất trăn trở khi trẻ em hiện nay có thể bị ảnh hưởng đến tâm lý rất dễ dàng do nội dung trong sách học bị sai lỗi chính tả, kiến thức lệch lạc.  

Lỗi cả ở sách chính thống, bài tập trên lớp

 

Một vài năm trở lại đây, dư luận bất bình với những sản phẩm sách, truyện, tranh ảnh không lành mạnh trên thị trường. Có những ý kiến cho rằng, ngay cả sách do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng có sạn. Nội dung thiếu tính giáo dục còn xuất hiện ngay trong bài tập của học sinh.

 

Anh Quang Minh (phố Duy Tân, quận Cầu Giấy) cho biết: “Mới đây, tôi cũng như nhiều phụ huynh bất bình khi phát hiện lỗi sai chính tả trong bài thơ “Lượm” của Tố Hữu ở trang 131 (tiếng Việt lớp 2 - tập 2). Cụ thể, câu thơ: “Lúa trổ đòng đòng” được viết dấu ngã (~) thay vì sử dụng đúng phải là dấu hỏi (?). “Tệ hại là, trước bài thơ “Lượm”, học sinh đang được học về dấu hỏi, ngã. Nhưng chính sách giáo khoa lại sai sót về dấu. Đây là lỗi sai rất ngô nghê và không đáng có trong quyển sách chính thống”.

 

Bên cạnh lỗi chính tả, ngay cả những phiếu bài tập về nhà cũng có những nội dung rất ngô nghê. Trong quá trình kèm cặp con, chị Hải Anh (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội) không ít lần ngạc nhiên khi phiếu bài tập của con có những câu nói phản cảm. “Ở phiếu bài tập về nhà môn tiếng Việt lớp 2 có phần trắc nghiệm như sau: Nội dung là bà đang bị ốm và không muốn ăn cơm. Em hãy chọn ba phương án sau: “Bà nằm nghỉ cho khỏe”, “bà cố gắng ăn cho chóng khỏe”, “bà ăn thì ăn không ăn thì thôi”. Vừa đọc đến đoạn “bà ăn thì ăn không ăn thì thôi”, con gái tôi cười lăn ra và liên tục nhắc lại câu này. Tôi thấy cháu đã hiểu vấn đề và bản thân cháu rất hiểu ngữ cảnh. Nhưng đáp án như vậy là không nên chút nào, tuy trẻ sẽ loại bỏ đáp án này nhưng rõ ràng đã ảnh hưởng đến trẻ”, chị Hải Anh tâm sự.

 

“Sau vài lần gặp nội dung tương tự, tìm hiểu thì được biết, phiếu bài tập về nhà là do giáo viên sưu tầm qua Internet và in ra phát cho học sinh. Thậm chí, cùng một dạng bài tập, nhưng không ít giáo viên đã sao chép in ra một loạt cho học sinh. Tôi cho rằng, đây là việc làm rất tắc trách và thiếu kiểm soát của giáo viên”, chị Hải Anh nhận định.

 

Chia sẻ với báo Tin Tức, không ít phụ huynh tỏ ra bất bình khi nội dung sách chính thống, bài tập không được kiểm soát kỹ. Anh Hoàng Long (A5, tập thể Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng: Thực tế cha mẹ là người định hướng và lựa chọn sách cho con. Bởi trẻ rất dễ bị ảnh hưởng từ văn hóa đọc. Nhưng đến cả bài tập về nhà của học sinh giờ vẫn có những nội dung ngô nghê và thiếu tính giáo dục thì gia đình không thể kiểm soát hết”.

 

Trả lời về vấn đề này, một giáo viên (trường Tiểu học Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Những nội dung mà phụ huynh phản ánh là đúng. Bản thân chúng tôi cũng bị động trong việc kiểm soát nội dung này. Đầu năm học, mỗi tổ chuyên môn có kiến nghị về đầu sách nên mua. Tức là giáo viên có sự chọn lọc rồi. Nhưng bản thân giáo viên vẫn không quyết định hết được. Phần này lại phụ thuộc vào nơi xuất bản”.

 

Cần nhiều phía

 

Những ảnh hưởng tâm lý là có thật đối với trẻ nhỏ khi tiếp cận sách nhảm nhí. TS tâm lý Phạm Mạnh Hà (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, trẻ nhỏ rất dễ bị tác động.Vì vậy những kiến thức thu nạp được phải thật thận trọng thông qua sách vở. Những ảnh hưởng từ sách sẽ tác động chính tới đời sống của các em. Nếu là bạo lực, các em sẽ hành xử bạo lực. Nếu là những tình huống ứng xử “khôn vặt” sẽ cho đứa trẻ có tính đó. Như vậy, khi đứa trẻ có nhận thức sai lầm dẫn đến phát triển nhân cách lệch lạc.

 

PGS. TS Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD - ĐT cho rằng, nếu chỉ một mình ngành giáo dục thôi sẽ khó có thể làm được gì. Bởi Luật Xuất bản vẫn cứ cho xuất bản. Đáng lý phải kiểm duyệt nội dung và nếu sai sót về nội dung cần chấn chỉnh bằng mọi cách. Nhưng thực tế vẫn tràn lan sách nhảm như vậy. Chất lượng nội dung không đảm bảo, trong khi trẻ nhỏ rất dễ tin vào những nội dung này.

 

“Ngay cả quyển từ điển cũng bị... đầu độc thì sách học trong nhà trường cũng không ngoại trừ. Tôi biết, theo luật cũng có thể bị phạt nhưng số tiền chưa đủ sức răn đe. Thậm chí, mức tiền phạt so với mức được phát hành, bán sách chiếm một con số nhỏ. Vì vậy, có nơi tình nguyện nộp phạt để không bị thu hồi”, PGS. TS Nguyễn Kế Hào nhấn mạnh.

 

PGS.TS Nguyễn Kế Hào cũng cho rằng, đối với nhà trường, phụ huynh cần phản ánh kịp thời nếu có hiện tượng bất thường. Đề nghị nhà trường hủy nội dung này trong chương trình học. Phụ huynh chính là kênh giám sát chặt chẽ góp phần đào thải sách nhảm ra khỏi thị trường. Để làm được việc này cần rất nhiều sự đồng thuận từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh. Cơ quan quản lý như Cục Xuất bản cần có những “đòn mạnh tay”, đủ sức răn đe thì mới giải quyết được.

 

Trao đổi về hạt sạn trong sách giáo khoa, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, NXB ghi nhận những đóng góp từ phía phụ huynh, báo chí. Những nội dung này sẽ được nhà xuất bản làm việc với người biên tập và sớm có thông tin tới độc giả.