Về đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới

08:03, 14/01/2015

Cùng với các cấp học, bậc học trong cả nước, những ngày này, các trường tiểu học trong tỉnh đang bước vào sơ kết học kỳ I năm học 2014 - 2015. Ðây là học kỳ đầu thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Trong đó, việc chuyển từ đánh giá bằng chấm điểm thường xuyên sang đánh giá bằng nhận xét và điểm kiểm tra học kỳ khiến cho thầy giáo, cô giáo cũng như phụ huynh, học sinh gặp nhiều lúng túng, băn khoăn và lo lắng.  

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, đánh giá thường xuyên không dùng điểm số là hướng đổi mới tích cực nhằm khắc phục thói quen dẫn đến những lệch lạc về động cơ, phương pháp dạy học, đồng thời chấm dứt việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, xóa nhòa ganh đua bằng điểm số, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý học sinh. Mặc dù vẫn còn nhiều băn khoăn, lo lắng, song ngành giáo dục của tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả nhất định...

 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lại nảy sinh nhiều vấn đề. Thực tế đánh giá thường xuyên không dùng điểm số lại không đơn giản. Trước đây, việc dùng điểm số qua bài kiểm tra sẽ giúp giáo viên có thời gian nhiều hơn để xem xét trình độ, kiến thức của học sinh vì khi chấm bài không được tính vào thời gian giảng dạy. Mặc dù quy định mới không yêu cầu nhận xét toàn bộ học sinh trong một buổi học, nhưng việc vừa giảng dạy kiến thức như trước đây, vừa tăng kiểm tra, đánh giá một số học sinh với yêu cầu chi tiết khiến giáo viên không còn đủ thời gian để đánh giá học sinh trong giờ học. Đã có tình trạng giáo viên tranh thủ nhận xét vào giờ ra chơi, hoặc ôm sổ sách về nhà làm thêm đến khuya, còn phụ huynh có con học tốt thì lại nhàm chán với những nhận xét trùng lắp. Trong khi đó, học bạ cuối kỳ theo cuốn mới lại dành tận 2 trang cho mỗi học sinh khiến giáo viên càng thêm quá tải. Cá biệt, có giáo viên đối phó với việc nhận xét bằng cách dùng con dấu khắc sẵn các dòng chữ chung chung, đại loại như: "Cô khen", "Cần cố gắng" (không có quy định của Ngành). Theo yêu cầu của quy định mới, lời nhận xét của thầy cô giáo không những phải phản ánh đúng thực lực học tập của mỗi em mà còn phải mang tính xây dựng, khuyến khích, động viên học sinh phấn đấu học tập. Bởi vậy, rất cần sự công tâm của thầy cô giáo trong nhận xét, đánh giá học sinh, nếu không sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý, sự vươn lên trong học tập của các em.

 

Ðể giúp cho công tác sơ kết học kỳ I của bậc tiểu học được thống nhất trong cả nước trong kỳ đầu tiên triển khai quy định mới, ngày 6-1 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản hướng dẫn tổng hợp, đánh giá và khen thưởng học sinh tiểu học. Theo đó, việc đánh giá cũng dựa trên cơ sở tổ chức cho học sinh bình bầu, nhận xét lẫn nhau để khen thưởng. Nhưng liệu học sinh lớp một có thể nhận xét được các bạn của mình không khi các em còn quá bé, mới chỉ làm quen với môi trường học tập. Thậm chí, do còn là trẻ con, cho nên các em chưa thể ý thức được hành vi của mình, chủ yếu vẫn là tự phát, việc "sáng nắng, chiều mưa", không thích chơi với bạn này, quý bạn kia là điều không tránh khỏi. Văn bản cũng hướng dẫn giáo viên tham khảo ý kiến phụ huynh trong đánh giá học sinh để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh. Điều đó tuy không mới, nhưng lại đòi hỏi giáo viên phải dành thêm thời gian cho vấn đề đánh giá, nhận xét học sinh mà kết quả nhận xét rất có thể lại... thiếu khách quan.

 

Trước những khó khăn trên, nhiều giáo viên đã mạnh dạn đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án nhằm giảm tải hoặc dành quỹ thời gian nhất định để nhận xét, ghi chép sổ sách, đặc biệt với các giáo viên bộ môn. Riêng về phần đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh, nhiều giáo viên đề nghị: Nếu chỉ định hướng khen thôi thì rất khó, cần mạnh dạn đưa ra nhận xét về nhược điểm, hạn chế để học sinh và cả phụ huynh nắm được thực chất, từ đó có phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục các em cho phù hợp.

 

Đổi mới không có nghĩa là thay mới, bỏ hết cái cũ; cần có tính kế thừa và phù hợp với thực tế, chú ý đến tâm lý lứa tuổi của học sinh. Được biết, sau học kỳ đầu tiên triển khai thực hiện quy định mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập hợp những băn khoăn, trăn trở, đề xuất, kiến nghị của giáo viên để tiếp tục có hướng điều chỉnh phù hợp, giảm tải cho giáo viên bậc tiểu học. Thiết nghĩ, ngay sau học kỳ này, ngành Giáo dục và Đào tạo cần rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung thêm những giải pháp khả thi hơn, vận dụng linh hoạt để quá trình dạy và học thật sự hiệu quả, nhất là đối với giáo dục bậc tiểu học, cấp học đầu tiên của cuộc đời mỗi con người.

 

Theo quy định mới, trong đánh giá thường xuyên, giáo viên ghi những nhận xét đáng chú ý nhất vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, những kết quả học sinh đã đạt được hoặc chưa đạt được; biện pháp cụ thể giúp học sinh vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ; các biểu hiện cụ thể về sự hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh; những điều cần lưu ý để giúp cho quá trình theo dõi, giáo dục đối với từng học sinh hay nhóm học sinh trong học tập, rèn luyện; không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên; chỉ đánh giá kết quả học tập bằng bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ I và cuối năm học.