Chiều muộn ngày 26-2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Một số điểm gây tranh cãi trong dự thảo công bố trước đó đã được Bộ GD-ĐT chốt lại như sau: Chấm thi theo thang điểm 10, thí sinh chỉ tham dự kỳ thi để tốt nghiệp THPT sẽ thi tại các cụm thi do Sở GD-ĐT tổ chức...
Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia nhằm hai mục đích là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT; cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và cung cấp dữ liệu làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được tổ chức với 8 môn: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.
Quy chế chính thức vừa được ban hành quy định điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm được quy về thang điểm 10. Đối với bài thi tự luận sẽ được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25; không quy tròn điểm. Đối với bài thi trắc nghiệm Tổ chấm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10 (lấy đến 0,25) cho từng bài thi trắc nghiệm.
Điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) tính theo công thức: Tổng điểm 4 bài thi thí sinh đăng ký để xét công nhận tốt nghiệp, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2 và cộng điểm ưu tiên (nếu có). Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến hai chữ số thập phân, do phần mềm máy vi tính tự động thực hiện.
Về công nhận tốt nghiệp THPT: Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có ĐXTN từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Đối với các thí sinh chỉ tham gia kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ thi tại các trường THPT hoặc cụm thi liên trường do các Sở GD-ĐT tổ chức.