Nhiều băn khoăn trước việc cho phép rút, nộp hồ sơ

18:36, 06/02/2015

Ngay sau khi lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin rằng thí sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển từ việc rút - nộp hồ sơ, lãnh đạo nhiều trường bày tỏ sự băn khoăn.

Có ý kiến cho rằng việc cho phép rút, nộp hồ sơ trong 20 ngày xét tuyển của kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2015 sẽ gây khó khăn cho cả trường lẫn thí sinh.

 

Khổng thể phủ định việc cho phép này sẽ thêm cơ hội cho các thí sinh nhưng nó lại gây tốn kém và rất bất tiện. Theo lãnh đạo Cục Khảo thí, trong 20 ngày xét tuyển đợt đầu tiên, cứ 3 ngày/lần, các trường phải công khai thông tin xét tuyển và thí sinh dựa vào đó để xác định cơ hội trúng tuyển, nếu không nhiều cơ hội thì rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Các trường ĐH dành một số chỉ tiêu nhất định cho đợt xét tuyển sau. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng việc cho rút hồ sơ ngay trong đợt xét tuyển đầu tiên giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển nhưng cũng bất lợi đối với những thí sinh ở xa vì việc rút hồ sơ không thể thông qua bưu điện được mà phải đích thân các em đến hoặc ủy quyền cho người thân. Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng.

 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, lại cho rằng đó là sự bất công và chỉ có lợi cho những thí sinh ở thành phố, gần trường mà các em nộp hồ sơ. Ông đề xuất ngay trong trường nên cho thí sinh thay đổi các nguyện vọng nếu cảm thấy không có khả năng trúng tuyển. Việc này rất thuận lợi khi triển khai xét tuyển online, thí sinh chỉ cần đăng nhập, sau đó chỉnh sửa là xong.

 

Trước yêu cầu 3 ngày/lần, các trường phải công khai thông tin xét tuyển để giúp thí sinh biết được khả năng trượt, đỗ của mình để rút - nộp hồ sơ, bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, cho rằng đây là việc làm cần thiết. “Cập nhật càng sớm thì thí sinh càng biết mình có cơ hội trúng tuyển cao hay không. Cơ hội trúng tuyển của thí sinh là rất quan trọng” - bà Thủy nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, đại diện nhiều trường thừa nhận việc để thí sinh thoải mái rút - nộp hồ sơ là gây phiền hà, khó khăn cho các trường bởi thêm một công đoạn là sẽ “đẻ” ra nhiều việc. Bên cạnh đó, việc cập nhật hàng ngàn hồ sơ cùng lúc là điều không dễ. Theo PGS Lê Trọng Thắng, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, cần có giải pháp hài hòa giữa các trường và thí sinh. Khi nộp đơn xét tuyển, thí sinh cần cân nhắc cẩn trọng chứ không phải thích là nộp, không thích là rút. Chuyên gia này góp ý Bộ GD-ĐT nên giãn thời gian cập nhật thông tin từ 3 ngày lên 5 ngày để đỡ gây áp lực cũng như phức tạp cho các trường. Đồng thời, sau khi đã chốt danh sách xét tuyển (hết thời hạn 20 ngày) thì thí sinh không được rút hồ sơ ra nữa.

 

Có thể thấy việc cho phép thí sinh rút, nộp hồ sơ khó thực hiện vì thí sinh ở xa không thể “chầu chực” để rút ở trường này rồi nộp vào trường khác. Hơn nữa, việc cho phép “rút ra - nộp vào” không thể hiện tính chất chính quy của một kỳ thi quy mô quốc gia, tạo tâm lý may rủi và không có sự cân nhắc, tính toán của thí sinh.