Những nhành lộc biếc

09:10, 20/02/2015

Sau một năm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện bởi tâm huyết của những người làm giáo dục, sự chăm sóc nhiệt tình của toàn xã hội, “cây giáo dục” Việt Nam đã trổ những nhành lộc biếc:  

Nhân rộng thành công Mô hình Trường học mới VNEN; thay đổi cách dạy, cách học và cách kiểm tra -đánh giá ở tiểu học; thay đổi cách dạy từ truyền thụ kiến thức sang kỹ năng; tổ chức kỳ thi nghiên cứu khoa học của học sinh THPT; thay đổi cách ra đề thi, chấm thi tốt nghiệp năm 2014... Những thành tựu của sự đổi mới đang dần thành hình.

 

Nhân rộng Mô hình Trường học mới VNEN

 

Từ 1.447 trường được Dự án hỗ trợ, hiện đã có thêm 611 trường tự nguyện áp dụng toàn phần mô hình, nâng tổng số trường tiểu học VNEN toàn quốc lên 2.058 trường và rất nhiều trường khác áp dụng từng phần Mô hình VNEN.

 

Trước thực tế thành công của mô hình và nhu cầu của cha mẹ học sinh và học sinh, từ năm học 2014 - 2015 bắt đầu triển khai Mô hình VNEN ở 24 trường trung học cơ sở thuộc 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Hòa Bình, Khánh Hòa, Đắk Lắk và Kon Tum.

 

Với mô hình này, các hoạt động sư phạm của nhà trường từ tổ chức quản lý lớp học, cách dạy, cách học, cách kiểm tra - đánh giá đến vai trò của cha mẹ học sinh và cộng đồng đều thay đổi theo hướng lấy quá trình học tập, rèn luyện của học sinh làm trung tâm, từ bỏ tư duy và cách dạy, cách học cũ theo hướng truyền thụ kiến thức một chiều, nặng về lý thuyết, ít coi trọng vận dụng kiến thức.

 

Vai trò của người thầy trong mô hình này không còn chỉ là người đơn thuần truyền thụ kiến thức như cách dạy cũ: Thầy dạy, trò ghi; là quá trình đơn lẻ của từng người, từng học sinh. Chuyển sang cách dạy và học theo Mô hình Trường học mới - VNEN, học sinh học theo nhóm, nhận đề tài cô giáo giao, tự tìm hiểu, thảo luận và đưa ra phương án giải quyết.

 

Để thấy rằng, giáo dục Việt Nam chuyển dần từng bước mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học...

 

Bước chuyển này là quá trình đổi mới giáo dục, để tiến hành chuyển dần từng bước cho học sinh tập dượt quen theo cách dạy và học mới.

 

Đánh giá không cho điểm ở  tiểu học – sự thay đổi cơ bản

 

Trên thế giới, từ hàng chục năm nay, ở những nước có nền giáo dục phát triển đều đã bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học. Từ thực tế cuộc sống cho thấy trong việc dạy dỗ con trẻ đều không có điểm số mà dạy bằng cách động viên khuyến khích, cảnh báo, nhắc nhở các em.

 

Do vậy có thể thấy đánh giá không cho điểm là sự thay đổi “cốt tủy” của giáo dục truyền thống dân tộc Việt Nam, của các gia đình Việt Nam. Trước đó, việc không cho điểm học sinh tiểu học đã được ngành Giáo dục thí điểm. Lúc đầu thí điểm cũng nhiều băn khoăn lo lắng, thắc mắc nhưng sau khi làm kỹ và thực tế chứng minh các trường, giáo viên, cha mẹ học sinh rất ủng hộ.

 

Hết học kỳ 1 năm học 2014 - 2015, quy định mới về đánh giá học sinh tiểu học “mở” trong việc khen thưởng, xếp loại; đồng thời, giúp giáo viên, nhà trường đánh giá sát hơn từng đối tượng học sinh. Nhờ đó, mà sở trường, năng lực của mỗi học sinh được thể hiện ngay trên mỗi tờ giấy khen, mục đích cuối cùng là vì sự tiến bộ của học sinh.

 

Để thấy rằng, việc nào tốt cho học sinh thì ngành Giáo dục làm ngay, trên tinh thần triển khai càng sớm càng tốt, cho dù người chịu thiệt thòi có thể chính là các thầy cô giáo!

 

Cuộc thi sáng tạo khoa học  kỹ thuật dành cho học sinh trung học

 

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học là một hoạt động giáo dục đã và đang được Ngành đẩy mạnh đổi mới. Hiện ngành Giáo dục đang thay đổi cách dạy, cách học đồng thời gắn các hoạt động dạy và học với các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ.

 

Ở các nước phát triển, học sinh đã làm quen từ lâu, Việt Nam mới triển khai nên gặp không ít khó khăn. Nhưng những khó khăn đó không hẳn là những cản trở để triển khai cuộc thi, có những khó khăn là sự thúc đẩy để phát triển.

 

Đơn cử như đề thi Hóa học trong kỳ thi được tổ chức tại Việt Nam 2014 được ra liên quan tới cây thanh hao đã được bạn bè quốc tế đánh giá là rất hay vì đã Việt Nam hóa một kỳ thi quốc tế và rất khoa học. Đề thi này chỉ có được khi triển khai cuộc thi ở Việt Nam...

 

Những chính sách đổi mới  triệt để trong thi cử

 

Trước năm 2014, đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ được ra theo hướng kiểm tra kiến thức, kiểm tra những gì mà học sinh được thầy truyền thụ ở trên lớp theo từng môn học.

 

Quá trình ôn thi, học sinh phải nhớ hết kiến thức thầy giao cho. Trong quá trình thi, học sinh phải trình bày kiến thức đã học.

 

Khi thi học sinh viết càng giống những gì thầy giảng, giống trong sách giáo khoa đã viết thì điểm càng cao.

 

Trong kỳ thi 2014, trên cơ sở những đổi mới như: Kỳ thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, trên nền tảng Mô hình Trường học mới (VNEN), hoạt động dạy học tích hợp theo chủ đề liên môn... Bộ GD&ĐT đã thay đổi cách ra đề thi.

 

Đề thi tốt nghiệp THPT 2014 và tuyển sinh ĐH, CĐ không còn ra theo cách kiểm tra kiến thức máy móc, học thuộc mới làm được bài.

 

Đơn cử như đề thi môn Văn đã chứng tỏ điều đó. Các dữ liệu cơ bản đã được đề bài cung cấp. Bài thi kiểm tra năng lực cảm thụ, cảm xúc, rung động của tâm hồn, thẩm thấu kiến thức vào trí tuệ học sinh. Học sinh có thể làm bài sáng tạo, không theo ý thầy cô dạy nhưng đúng và đủ ý vẫn được điểm cao.

 

Những bài thi Sử, Địa trong năm qua đã gắn với các vấn đề thời sự, gắn với những vấn đề của cuộc sống... thì yêu cầu kiến thức không phải riêng của môn Lịch sử hoặc Địa lý.

 

Cách thi như vậy nhẹ nhàng hơn, không bắt học sinh học thuộc quá nhiều. Cái khó là học sinh phải có năng lực phân tích, có sự rung động về nhận thức từ đó biến thành tình cảm, biến thành tư tưởng; Tư tưởng đó sẽ chỉ đạo hành động, năng lực làm việc của học sinh.

 

Tác động từ những đổi mới này không chỉ trong đạo đức, thái độ của học sinh, giáo viên... trong thi cử mà còn tác động đến nhân cách con người sau này.

 

Các chính sách đổi mới triệt để về thi cử, phương pháp học thời gian qua hướng đến việc khai phá tư duy học sinh, hướng học sinh trở thành trung tâm của hoạt động giáo dục...

 

Từ việc bỏ chấm điểm học sinh tiểu học, đến việc đổi mới cách ra đề kỳ thi tốt nghiệp THPT, hợp nhất một kỳ thi quốc gia cho thấy thành tựu của sự đổi mới đang dần thành hình.

 

Nối tiếp những công việc đã và đang làm, Bộ GD&ĐT tự tin hướng đến những thay đổi ở Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Đó là một công việc trong chuỗi công việc để đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT mà ngành Giáo dục đang đặt trọn tâm huyết và quyết tâm thực hiện.