Đánh giá chất lượng ban hành, thi hành các văn bản quy phạm pháp luật

15:57, 25/03/2015

Ngày 25-3, Đoàn cán bộ Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (khó XIII) do đồng chí Lê Văn Học, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) và các trường thành viên.

Là một trong những nội dung công tác thường kỳ của Ủy ban chuyên trách Quốc hội, nhằm đánh giá tiến độ, chất lượng ban hành, thi hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

 

Báo cáo của ĐHTN đã nêu rõ, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học ra đời đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển giáo dục nước nhà theo hướng hiện đại, tiên tiến và phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Tuy nhiên, một số văn bản chưa được ban hành kịp thời, hoặc thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Cụ thể như: Luật Giáo dục được ban hành từ năm 2005, nhưng Luật Giáo dục đại học đến tháng 6-2012 mới được ban hành, kế đó là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật ban hành sau 2-3 năm; Quyết định ban hành Điều lệ trường đại học được ban hành tháng 12-2014; Nghị định quy định về hợp tác đầu tư với nước ngoài được ban hành tháng 9-2012, trong khi ĐHTN và một số đại học trên toàn quốc đã triển khai và thực hiện từ năm 2005. Một số vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các chức danh trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa cụ thể, thiếu đồng bộ, như: Thang bậc lương đối với giảng viên, trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư.

 

Vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, thực tế kết nối giữa đào tạo và sử dụng lao động chưa có mối giao kết chặt chẽ. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến nay, chỉ dó 50% sinh viên tốt nghiệp có việc làm theo đúng chuyên ngành đào tạo, gần 70% có việc làm sau một năm tốt nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề tuyển dụng nhân lực tại nhiều nơi lại không dựa theo đối tượng ngành nghề được đào tạo, dẫn đến một bộ phận trong xã hội nhận thức chỉ cần trang bị cho con em mình có được tấm bằng đại học. Để từng bước khắc phục những hạn chế trong đào tạo nguồn nhân lực, ĐHTN cũng đã tiến hành xây dựng chuẩn đầu ra, bảo đảm nguồn nhân lực qua đào tạo cạnh tranh bình đẳng với các trường trong cả nước và tiến tới hội nhập quốc tế, nhất là khu vực các nước khối ASEAN.

 

Ghi nhận những đóng góp của các đại biểu dự buổi làm việc, Đoàn công tác đã đề nghị với ĐHTN tập hợp những ý kiến phản hồi để tiếp tục phản ánh với Quốc hội, đồng thời mời tham gia đối thoại, chất vấn trực tuyến với các cơ quan tham gia xây dựng Luật, đối thoại với Chính phủ trong những buổi làm việc của Ủy ban với các ngành trong năm 2015.