Nhiều trường đại học đã có hướng dẫn thi

08:01, 11/03/2015

Đến nay, một số trường đại học có phương án tuyển sinh riêng đã công bố lịch thi, hướng dẫn thi khá chi tiết để thí sinh chuẩn bị song song với kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Trong khi đó nhiều trường vẫn chưa hề “nhúc nhích”.

Biết điểm ngay khi kết thúc bài thi

 

ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong những trường có lịch thi và hướng dẫn thi sớm nhất. Các trường ĐH thành viên của trường đã hoàn tất công tác hướng dẫn tuyển sinh trong những ngày vừa qua. Ban đào tạo nhà trường cho biết, kỳ tuyến sinh đại học 2015 của trường sẽ tổ chức làm 2 đợt thi với phương thức đánh giá năng lực. Đợt 1 vào ngày 30- 31/5; đợt 2 vào ngày 1- 2/8. Mỗi một đợt thi thí sinh chỉ được đăng ký một lần. Kết quả thi có giá trị để đăng ký xét tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội trong vòng 24 tháng, kể từ ngày dự thi.

 

Đợt 1, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển tối đa 3 ngành của một đơn vị đào tạo thuộc ĐHQG Hà Nội. Đợt 2 xét tuyển bổ sung vào những ngành còn chỉ tiêu, thí sinh không trúng tuyển đợt 1 thì được phép đăng ký dự tuyển đợt 2. Để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi vào ĐHQG Hà Nội, đơn vị này sẽ tổ chức đánh giá năng lực tại 7 cụm thi, gồm: Trụ sở trường ở Hà Nội, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Vinh, ĐH Hồng Đức, ĐH Hàng Hải, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định và CĐ Kinh tế Tài chính Thái Nguyên.

 

Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội phải làm 2 bài thi: Bài đánh giá năng lực và bài ngoại ngữ. Hướng dẫn nêu rõ: Bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung gồm 3 phần với tổng số 140 câu tương ứng 140 điểm, tổng thời gian làm bài 195 phút với 2 phần thi bắt buộc là tư duy định lượng - toán học (50 câu, thời gian làm 80 phút) và tư duy định tính - ngữ văn (50 câu, thời gian làm 60 phút); phần tự chọn (40 câu, thời gian 55 phút); thí sinh được lựa chọn một trong 2 phần là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

 

Điểm đáng chú ý của kỳ thi tuyển sinh vào ĐH quốc gia Hà Nội là thí sinh biết điểm ngay sau khi kết thúc bài thi. Thí sinh được xem kết quả thi của mình hiển thị trên trang kết quả, gồm tổng điểm, tổng số câu hỏi làm đúng, tổng thời gian làm bài, số câu hỏi làm đúng từng phần, chi tiết điểm từng phần, thời gian làm bài mỗi phần; phần xem chi tiết từng phần thi mà các em đã làm và đáp án đúng. Giấy chứng nhận kết quả bài thi có đóng dấu xác nhận của Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội và chữ ký của chủ tịch hội đồng thi. Thí sinh sẽ nhận giấy báo trước ngày 6/6 (đợt 1), trước ngày 8/8 (đợt 2).

 

Nhiều yêu cầu chi tiết

 

Năm nay thí sinh thi vào nhóm ngành báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) sẽ phải làm thêm bài thi năng khiếu. Môn này có bài thi trắc nghiệm (3 điểm) gồm 30 câu hỏi với thời gian làm bài 30 phút, mục đích là kiểm tra hiểu biết chung về các vấn đề đời sống xã hội. Phần thứ hai là bài thi tự luận (7 điểm) gồm 2 câu hỏi với thời gian làm bài 120 phút.

 

Tổng thời gian làm bài thi Năng khiếu báo chí là 150 phút. Bài kiểm tra năng khiếu do Học viện ra đề và tổ chức chấm thi. Bên cạnh đó, thí sinh dự thi chuyên ngành quay phim truyền hình phải có sức khỏe tốt, không mắc các bệnh, dị tật về mắt, ngoại hình phù hợp, nam cao 1m65, nữ cao 1m60 trở lên.

 

Trường dự kiến tổ chức thi môn năng khiếu báo chí vào ngày 12/8, công bố danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến vào ngày 15/8. Trả hồ sơ đăng ký xét tuyển cho thí sinh không trúng tuyển ngành Báo chí dự kiến từ 16- 20/8 (dự kiến 5 ngày cuối theo lịch xét tuyển đợt 1 của Bộ GD - ĐT) để những em không đỗ có thể rút hồ sơ để đăng ký vào trường khác (nếu có nhu cầu).

 

Một số trường đã công bố các yêu cầu sơ tuyển vào trường như: ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, ĐH FPT… Cụ thể, ĐH FPT sẽ thực hiện các bài thi bằng tiếng Việt như: Trắc nghiệm toàn và tư duy logic, viết luận… Thí sinh đăng ký trực tuyến qua website đến hết ngày 30/4, qua bưu điện trước 17h30 ngày 29/4. Thi tuyển từ 7 giờ đến 12 giờ ngày 10/5. ĐH FPT quy định rõ điều kiện xét chuyển ngành (giữa các khối ngành): Thí sinh đạt mức điểm thi sơ tuyển một khối ngành trên 20% so với điểm chuẩn sơ tuyển của khối ngành đó thì có thể chuyển sang khối ngành khác (ví dụ điểm chuẩn sơ tuyển là 60 điểm thì cần đạt tối thiểu để chuyển ngành là 72 điểm).

 

Theo ghi nhận, nhiều trường tiếp tục bổ sung những thông tin mới từ quy chế tuyển sinh ĐH mới ban hành để hoàn thành hướng dẫn tuyển sinh cho trường mình. Thí sinh cần cập nhật thông qua website riêng của trường.