Sau 1 học kỳ thực hiện bỏ chấm điểm thường xuyên học sinh tiểu học

09:20, 13/03/2015

Một trong những điểm mới của năm học 2014-2015 là ngày 28-8-2014 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT Quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học.

Theo đó, không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên mà thay vào đó là những lời nhận xét theo hướng tích cực để động viên, khích lệ HS. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15-10-2014. Sau 1 học kỳ thực hiện cho thấy Thông tư đã mang lại hiệu quả bước đầu đó là giảm áp lực rất lớn cho HS…

 

Để giáo viên nhanh chóng tiếp cận với việc đánh giá theo thông tư mới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo 9 phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch tập huấn cho toàn bộ GV và cán bộ quản lý của các trường tiểu học. Đồng thời, các Phòng GD&ĐT tổ chức đổi mới sinh hoạt chuyên môn, nội dung tập trung vào việc đánh giá HS theo Thông tư 30. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra chuyên môn, thường xuyên hỗ trợ, tư vấn cho các GV về thực hiện việc đánh giá thường xuyên nhận xét trực tiếp bằng lời hoặc nhận xét vào vở, phiếu học tập, sổ. Các trường tiểu học đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho phụ huynh HS nhận thức đúng về ý nghĩa, mục đích, cách đánh giá HS để tạo sự đồng thuận, hỗ trợ nhà trường thực hiện hiệu quả. Yêu cầu GV phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc đánh giá HS, tổ chức cho HS đánh giá và tự đánh giá thông qua sản phẩm học tập, rèn luyện, quá trình hình thành phát triển các phẩm chất, năng lực của các em học sinh đối chiếu với chuẩn kiến thức kĩ năng cần đạt.

 

Trao đổi với chúng tôi, cô Cao Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân T.P Thái Nguyên cho biết: Ngay sau khi thông tư ban hành, Nhà trường đã cho GV học tập và phổ biến đến toàn thể các bậc phụ huynh, HS trong cuộc họp đầu năm để biết cùng phối hợp với GV chủ nhiệm, nhà trường thực hiện tốt. Tôi thấy thay đổi cách đánh giá HS bằng nhận xét chi tiết thay vì chấm điểm giúp người dạy hiểu HS của mình, từ đó kịp thời động viên, khuyến khích để các em phấn đấu đạt kết quả cao hơn. Và nhờ không có điểm số mà HS cũng bớt ganh đua, tị nạnh nhau, không khí lớp học trở nên thân thiện, gần gũi hơn. GV nhận xét tỉ mỉ trực tiếp cho HS, hoặc ghi vào phiếu, vở các em sẽ biết mình còn yếu khâu nào, phụ huynh cũng tham gia được vào quá trình học tập của con thông qua những nhận xét cụ thể của GV. Việc bỏ chấm điểm cho HS tiểu học sẽ giảm áp lực cho cả HS lẫn phụ huynh. Thay vì trước đây con đi học về bố mẹ thường hỏi được mấy điểm, nếu điểm thấp quát mắng các cháu thì giờ phụ huynh xem nhận xét của cô biết con ở mức độ nào để có biện pháp phối hợp với cô dạy dỗ con em mình.

 

Tôi yêu cầu GV khi nhận xét bài làm của HS không được dùng những từ quá ngắn gọn như: Được, chưa được, cần cố gắng, cố gắng… mà phải dùng ngôn ngữ nhẹ nhàng, tình cảm, tránh tổn thương trẻ, nhận xét làm sao để HS nỗ lực hơn nữa trong học tập. Ví dụ như bài của HS viết đúng, đẹp, cô giáo nhận xét: Bài viết đẹp, cô khen; hay như bài của HS viết đúng nhưng chưa đẹp, cô giáo nhận xét: Bài viết đúng nhưng chưa đẹp, cần luyện thêm… Sau 1 học kỳ thực hiện Thông tư 30, chất lượng dạy và học của nhà trường ổn định, phát triển. Các GV không cảm thấy áp lực trong việc đổi mới đánh giá HS và nhận thấy bước đầu thực hiện tuy có sự vất vả nhất định nhưng đó là việc phải làm vì sự tiến bộ của HS.

 

Trao đổi với các GV, phụ huynh, HS một số địa phương, chúng tôi nhận thấy GV các trường đã có ý thức đổi mới phương pháp dạy học, nắm bắt một cách tỉ mỉ quá trình học tập của HS, phát hiện kịp thời những điểm mạnh cũng như những mặt hạn chế để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Theo cô giáo Doãn Thị Thanh Thúy, Trường Tiểu học Tràng Xá (Võ Nhai): “Khi mới thực hiện Thông tư 30 chúng tôi rất lúng túng. Mặt khác, phụ huynh HS phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, ít có điều kiện để nắm bắt thông tin nên GV phải tăng cường giải thích cho họ hiểu để phối hợp thực hiện. Sau 1 học kỳ triển khai chúng tôi đã quen với cách đánh giá mới. Tôi thấy cái hay của Thông tư 30 là bỏ đánh giá xếp loại theo các bậc như giỏi, khá, trung bình hay yếu. HS được khen thưởng và khuyến khích ở nhiều mặt khác nhau, chứ không nhất thiết là phải học lực”. Còn anh Lê Anh Tài, phụ huynh của cháu Lê Thị Thúy Hiền, HS lớp 2B, Trường Tiểu học Hóa Thượng (Đồng Hỷ) cho biết thêm: “Đầu tiên tôi thấy cách nhận xét, đánh giá theo hướng dẫn mới của Bộ GD & ĐT hơi trừu tượng so với đánh giá bằng điểm số. Nhưng sau một thời gian thực hiện tôi thấy ngoài những lời nhận xét trực tiếp trên lớp cho các cháu, hằng tuần các GV thường có những bài kiểm tra chung đối với toàn bộ HS trong lớp. Sau khi chữa cụ thể các lỗi sai trực tiếp trên vở, GV sẽ ghi các nhận xét đối với từng em. Theo cách làm này, sẽ đánh giá được năng lực cụ thể của mỗi HS trên cơ sở mối tương quan của lớp…”.

 

Tuy nhiên, sau một học kỳ thực hiện không ít GV bày tỏ băn khoăn đó là cuối học kỳ, GV chủ nhiệm sẽ phải tổng hợp và lập danh sách đề nghị hiệu trưởng tặng giấy khen hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng dựa trên biên bản họp của GV chủ nhiệm với GV bộ môn, ý kiến đánh giá của phụ huynh và kết quả bình bầu của HS. Như vậy, GV sẽ vất vả hơn vì vừa phải tổng hợp điểm thi học kỳ, nhận xét của từng HS… rồi lại phải lấy ý kiến của HS, cha mẹ HS. Hơn nữa HS tiểu học vẫn còn nhỏ nên việc lựa chọn, bình bầu cũng chưa thật chính xác. Do đó, GV phải thật công bằng trong lựa chọn HS xứng đáng nhận giấy khen hoặc được đề nghị khen thưởng…

 

Đem những băn khoăn của đội ngũ GV trao đổi với Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD & ĐT, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Đức Hữu cho biết: Bao giờ một chủ trương mới được đưa vào thực hiện cũng không tránh khỏi những lúng túng trong triển khai. Tuy nhiên, với hướng dẫn cụ thể mà Bộ đưa ra, các GV có thể thực hiện thông tư này một cách uyển chuyển và nhẹ nhàng hơn, không cứng nhắc khi nhận xét. Có thể từ một nhận xét trên lớp đối với 1 em HS, nhưng nếu GV biết cách phân tích và mở rộng nhận xét ngay tại lớp cho tất cả các em thì đấy mới là tinh thần của Thông tư 30. Thông tư này có một bước tiến mới, là quy định không cho điểm, mà chủ yếu là GV nhận xét HS; chuyển đánh giá giai đoạn, đánh giá kết quả cuối cùng thành đánh giá quá trình. Để thực hiện hiệu quả thông tư này thì GV cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, bản thân các em HS phải không ngừng cố gắng nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học mà Bộ GD-ĐT đã đề ra.