Thay đổi từ học để thi sang thi để học

08:58, 27/03/2015

Để tránh tình trạng sinh viên học ngoại ngữ đối phó, ôn luyện chỉ để thi mà không phản ánh đúng thực chất trình độ ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (ĐHSP) đã đổi mới phương pháp quản lý và hình thức đánh giá lấy chất lượng làm thước đo.

Theo đó, sinh viên sẽ được tự đánh giá năng lực ngoại ngữ qua hệ thống quản lý trên máy tính của Trường. Sau khi có kết quả, sinh viên chủ động xây dựng kế hoạch cho bản thân trong việc học tập, ôn luyện để đủ điều kiện  đạt trình độ tiếng Anh và một số ngoại ngữ quy đổi đạt mức A2 trở lên (khung tham chiếu châu Âu).

 

Thực hiện việc công bố chuẩn đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp kể từ năm 2015 này, Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (ĐHSP) đã khẳng định: “Khi đã công bố chuẩn thì trình độ, năng lực phải đúng với bằng cấp. Như vậy sẽ hạn chế tình trạng may rủi trong thi cử hay học tủ, học chỉ để thi, mà sinh viên học để lấy kiến thức làm hành trang sử dụng cho công việc tương lai”.- Phó Giáo sư, tiến sĩ Phạm Việt Đức, Phó hiệu trưởng ĐHSP chia sẻ. Qua tìm hiểu về quá trình thực hiện công bố chuẩn đầu ra đối với môn ngoại ngữ, được biết, Nhà trường đã và đang quyết tâm thực hiện bảo đảm chất lượng đúng với cam kết công bố chuẩn đầu ra. PGS,TS Phạm Việt Đức cho biết thêm: Đã có ý kiến cho rằng, như vậy sẽ làm khó cho sinh viên, khi mà niên chế đào tạo đã kết thúc, mà sinh viên lại chưa được tốt nghiệp chỉ vì…chưa cập chuẩn ngoại ngữ.

 

Đối với giáo viên chuyên ngành, nhất là môn giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật… lại công tác vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có nhất thiết phải cập chuẩn ngoại ngữ? nên chăng có hình thức khác công nhận tốt nghiệp và để các đối tượng này tự hoàn thiện về sau, khi mà cơ hội việc làm không thể chờ đợi họ. Bên cạnh đó cũng có những đơn vị tuyển dụng không hoặc chưa yêu cầu đến những tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học theo chuẩn. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện, nâng cao chất lượng để hội nhập quốc tế, thì yêu cầu đạt chuẩn là không thể khác. Không cập chuẩn, chất lượng đào tạo sẽ tụt hậu, sinh viên tốt nghiệp sẽ phải chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết về cạnh tranh tìm việc làm.

 

Khảo sát kết quả đánh giá năng lực ngoại ngữ đối với sinh viên của trường trong thời gian từ tháng 9-2014 đến nay cho thấy còn có gần 50% chưa đạt chuẩn. Đáng lo hơn là nhiều sinh viên coi chuẩn ngoại ngữ và tin học như là môn học phụ, nên nảy sinh tư tưởng: Học ôn để thi cốt là lấy chứng chỉ! Chính từ những suy nghĩ này đã dẫn đến tình trạng sinh viên học ngoại ngữ để đối phó với thi và không dành thời gian phù hợp cho học ngoại ngữ. Thạc sĩ Đặng Thị Thu Hương, Phó trưởng bộ môn Ngoại ngữ cho biết: Trước đây, sau mỗi khóa học, bồi dưỡng ngoại ngữ (tiếng Anh), trường tổ chức thi dựa theo kiến thức bộ tài liệu 5 quyển Practice Test phổ biến được dùng cho ôn thi trình độ A2,B1. Tuy nhiên, sau hai đợt thi, chúng tôi đã phát hiện tình trạng thí sinh học “vẹt”, thuộc lòng đáp án mà không cần biết nội dung. Đợt thi tháng 9-2014, có 132 thí sinh dự thi, thì trên 37% đạt và vượt chuẩn trình độ A2, tiếp đó. Đợt thi tháng 11-2014, Trường có 556 thí sinh dự thi, có trên 50% thí sinh đạt và vượt chuẩn A2.

 

Tuy nhiên, quá trình làm thi, giám khảo đã phát hiện những nhược điểm của giáo trình ôn luyện, đó là dập khuôn theo mẫu và các câu hỏi đều có sẵn đáp án cố định, khiến cho người học chỉ chọn theo cách thuộc lòng định dạng câu hỏi tương ứng với phương án trả lời là A, hoặc B… Ban Giám hiệu Nhà trường đã kịp thời thay đổi phương pháp tổ chức thi, với tiêu chí học ngoại ngữ để sử dụng chứ không học để thi. Hệ thống giáo trình học và ôn thi được cải tiến hướng người học đến rèn luyện kỹ năng (50% giờ dạy lý thuyết và 50% dạy thực hành), thay vì chỉ thuần túy dạy kiến thức truyền thống (100% diễn ra trên lớp). Tiếp cận phương pháp dạy và học mới, người học sẽ phải rèn luyện cả 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) cùng lúc, đồng thời người học chủ động hơn khi vận dụng kiến thức trong sử dụng ngoại ngữ. Ngay sau khi điều chỉnh phương pháp mới (quản lý thi trên hệ thống máy tính, thay vì thi viết trên giấy; Hội đồng thi biên soạn đề thi, thay vì sử dụng đề nguyện mẫu trong tài liệu ôn thi), kết quả kiểm tra đã cho thấy chỉ có 18% thí sinh đạt và vượt chuẩn A2, trong tổng số 632 thí sinh dự thi. Từ kết quả này, sinh viên đã thấy được năng lực thực sự của bản thân, đồng thời ý thức được việc chủ động học ngoại ngữ. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng chủ động hơn trong việc thay đổi phương pháp dạy học và luôn tự kiểm định cho bản thân cập chuẩn và giữ chuẩn.

 

Với cách làm quản lý chặt đầu ra, bảo đảm năng lực tương đương văn bằng, năm 2015 này, Trường đã hoàn thiện hệ thống phòng học, khảo thí quản lý trên hệ thống máy tính hiện đại với 5 phòng học đáp ứng lưu lượng 180 sinh viên/buổi học hoặc thi tự đánh giá năng lực. Đặc biệt, Trường đã chủ động mở các lớp bồi dưỡng miễn phí 30 tiết học cho mỗi sinh viên. Bên cạnh đó, sinh viên có thể đăng ký dự thi đánh giá năng lực ngoại ngữ qua hệ thống máy tính, từ đó chủ động tìm các lớp học thêm theo nhu cầu. Đây chính là biện pháp đổi mới hình thức thi cử theo quy trình đào tạo thi để học chứ không thực hiện học chỉ để thi. Được biết, từ năm học 2015-2016, trường sẽ áp dụng việc kiểm tra đánh giá chất lượng đầu vào, nhất là với ngoại ngữ, để sinh viên chủ động hơn nữa trong việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho bản thân. Theo đó, những trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ sẽ phải ngừng học các học phần ngoại ngữ tiếp theo. Với những biện pháp đổi mới trong quản lý chất lượng chuẩn hóa ngoại ngữ đã và đang thực hiện tại Trường ĐHSP, chính là sự khẳng định “nói không” với bệnh thành tích và là những cam kết về chất lượng chuẩn đầu ra của Trường với xã hội.