Xây dựng trường chuẩn Quốc gia trên núi

08:34, 11/03/2015

Nằm giữa núi rừng phía Tây Bắc huyện Đồng Hỷ, giáp danh với tỉnh Bắc Kạn, năm 2013, Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng là cơ sở giáo dục đầu tiên thuộc vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh vinh dự được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia mức độ I.

Thiếu kinh phí đầu tư, không có “mạnh thường quân” tài trợ…, các thầy, cô giáo nơi đây đã đoàn kết, đồng lòng dành trọn tâm huyết để xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện và tiên tiến.

 

Một vai hai gánh Thợ - Thầy

 

Văn Lăng là xã vùng cao của huyện Đồng Hỷ, có 8 dân tộc anh em cùng chung sống, với trên 4.000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 1/3 số dân với tổng số 203 hộ và 1.271 nhân khẩu. Địa hình đồi núi cao, thiếu đất sản xuất nông, lâm nghiệp, giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Toàn xã còn trên 50% số hộ nghèo, vì vậy vấn đề huy động sức dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo gặp nhiều khó khăn.

 

Thầy giáo Trần Anh Tú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng nhớ lại: Những năm 2010 về trước, sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ Tết, sĩ số học sinh đến lớp lại giảm đi, các em không muốn đến trường vì đi lại khó khăn, vì cuộc sống thiếu thốn, phụ huynh thì tối ngày lên nương rẫy lo gạo ăn qua ngày, nên ít quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Không ít gia đình quan niệm: Học chữ thì cũng vẫn phải vào rừng tra ngô, đào củ kiếm ăn… Mỗi lần như vậy, các thầy, cô giáo lại đến từng nhà vận động các em đến lớp.

 

Trăn trở với những khó khăn của đồng bào, Chi bộ Nhà trường đã xây dựng chương trình hành động xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, từng bước hoàn thiện chuẩn hóa để tạo sức hút đối với phụ huynh và học sinh. Đầu tiên là xây dựng bếp ăn tập thể vừa phục vụ giáo viên trong Trường buổi trưa và một số em nhà xa. Kế tiếp là sân chơi, tạo môi trường sinh hoạt ngoài giờ… Ban Giám hiệu Nhà trường đã phân công giáo viên thay phiên đứng lớp, một số thầy, cô giáo phối hợp với Hội phụ huynh trực tiếp bạt đồi, xẻ núi san lấp mặt bằng làm sân chơi cho các em. Ròng rã gần 1 năm đào đắp, cuối cùng Trường cũng có một sân chơi, tập thể dục rộng gần 3.000m2 ngay trong khuôn viên.

 

Có sân tập luyện, các thầy, cô giáo đứng ra thành lập các đội bóng đá, bóng chuyền cho các em, để sau mỗi giờ học, Trường lại vang tiếng cười vui của giáo viên và học sinh. Cô giáo Bùi Thị Hoàn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường kể lại: Năm học 2012, lần đầu tiên tập thể Nhà trường tổ chức Đêm hội trăng Rằm cho các em. Thật thú vị khi mà toàn bộ phụ huynh, cán bộ địa phương và các em học sinh cùng chung vui rước đèn. Chính điều này đã làm các thầy, cô giáo xúc động và luôn tự ý thức phải tạo sức hút giữa Nhà trường với nhân dân trong vùng bằng sự chăm lo đến cả đời sống tinh thần chứ không thuần túy là dạy chữ. Kể từ đó, năm nào Trường cũng tổ chức Đêm hội trăng Rằm; trao quà cho học sinh nhân dịp Tết cổ truyền bằng chính nguồn tiết kiệm của các thầy, cô giáo. 

 

Năm 2012, khi Trường được phê duyệt phương án xây dựng Trường Chuẩn Quốc gia, tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường và chính quyền địa phương vừa mừng, vừa lo. Đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Văn Lăng chia sẻ: “Xã nghèo, chúng tôi không biết lấy đâu ra nguồn đối ứng để xây dựng cơ sở vật chất. Đặc biệt, nguồn hỗ trợ của Nhà nước đến địa phương nghèo khó thì không thấm tháp vào đâu. Do giao thông khó khăn, nên chi phí vận chuyển, giá trị xây dựng đều tăng”. Còn thầy giáo Trần Anh Tú tâm sự: “Được Nhà nước đầu tư, chúng tôi phải tranh thủ ngay, dù là ít cũng làm vơi đi gánh nặng đối với người dân vùng cao. Địa phương, Nhà trường không có tiền thì sẽ có sức người”.

 

Thầy kể lại: Sau ngày khởi công, 100% số xe máy của giáo viên, phụ huynh học sinh được huy động làm phương tiện chở từng viên gạch, bao cát, xi măng vượt sông Cầu, leo núi để tập kết tại sân Trường. 100% số giáo viên sáng đứng lớp, chiều được huy động cùng thợ xây trộn bê tông, lát nền nhà… Miệt mài như ong xây tổ, cuối cùng những nhà lớp học đã được dựng lên với sự đóng góp của nhân dân tổng số tiền trên 120 triệu đồng và hàng chục nghìn công lao động của giáo viên và phụ huynh học sinh cùng nguồn đầu tư của Nhà nước. Từ những mái nhà tấm lợp, vách liếp đơn sơ nằm rải rác bên triền đồi, nay Trường đã có một khuôn viên bằng phẳng trên 12.000m2, 22 phòng học, phòng chức năng xây cấp 4 và hai tầng khang trang.   

 

Nỗ lực vượt qua khó khăn

 

Trường, lớp khang trang,100% số giáo viên cập chuẩn, trong đó 90% trên chuẩn, nhưng thiết bị chức năng cho mô hình chuẩn thì chưa có gì. Sau nhiều đêm trăn trở, thầy Trần Anh Tú đã tìm về các trường tiểu học, THCS tại các quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Sau những chuyến “tầm sư, học đạo” ấy, thầy đã “mót” được 3 xe tải chất đầy đồ máy tính, ti vi, đầu dĩa, tai nghe, tăng âm, loa, máy chiếu… hết “date” nằm tại kho của các trường chờ thanh lý. Thầy vẫn nhớ: “Chuyến xe đầu tiên lặc lè chở hàng về đến đầu xã trong đêm (ban ngày nội thành Hà Nôi cấm xe tải một số tuyến), toàn bộ giáo viên của Trường và cả cán bộ xã ùa ra đón trong niềm phấn khởi; “cũ người, mới ta”, mỗi người một tay, chất đồ dùng lên xe máy vượt cầu treo chuyển về Trường.”

 

Sau đó là những ngày miệt mài lao động công ích của toàn bộ giáo viên phân loại thiết bị, vệ sinh sạch sẽ, một số giáo viên có chút kinh nghiệm thì tái chế, sửa chữa lại… 22 bộ máy tính hoàn chỉnh kèm theo các phụ kiện, 20 bộ ti vi màu, đầu đĩa… lần lượt được lắp đặt vào phòng chức năng và các phòng học phụ trợ cho học ngoại ngữ và một số môn cần mô phỏng bằng hình ảnh. Theo đó, Nhà trường lắp đặt hệ thống dường dẫn Internet để bổ trợ cho việc dạy và học, cũng như cập nhật kiến thức mới. Sau các thiết bị dạy học và phòng chức năng, thầy Tú tiếp tục “hành trình” học tập kinh nghiệm bằng việc đến các trường học tại Hà Nội liên hệ xin lại sách sau phân loại để về gia cố, bọc dán, rồi bổ sung vào thư viện Trường thêm trên 3.000 đầu sách. Đặc biệt, ngay trong năm học 2013-2014, trong số hơn 200 học sinh, đã có trên 50% số học sinh đã không phải mua một số sách giáo khoa mà mượn luôn tại Thư viện của Trường.

 

Để đạt thành tích đáng tự hào

 

Những buổi học tiếng Anh, luyên thi Toán trên máy tính, học qua đĩa hình  đầu tiên được các em học sinh tại đây làm quen trong sự tò mò, thích thú, đã khơi gợi niềm đam mê, hăng say học tập, giảng dạy của toàn Trường. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu phó Nhà trường cho biết: Thông qua các hoạt động ngoại khóa, hoạt động học tập có bổ trợ thiết bị hiện đại, gần như không ngày nào Trường vắng bóng học sinh. Nhiều gia đình đã gửi con lại buổi trưa để chiều các em được sinh hoạt tại Trường.

 

Chính các hoạt động này đã thu hút ngày càng đông số trẻ đến Trường và đi học đúng độ tuổi. Nếu như năm học 2008-2009, số trẻ 6 tuổi được huy động đến lớp chỉ đạt trên 90%, thì từ năm học 2010-2011 đến nay, luôn bảo đảm 100%. Năm học 2013-2014, lần đầu tiên em Dương Tiến Trung, dân tộc Nùng đã ghi tên mình dự thi học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh qua mạng Internet và giành giải Ba; học sinh nghèo Dương Thị Hà Quyên cũng đoạt giả Ba toàn tỉnh, tại kỳ thi học sinh giỏi Toán qua mạng Internet. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập Trường (năm 2006), Trường Tiểu học số 1 Văn Lăng có học sinh giỏi vượt qua cấp huyện và đạt giải cấp tỉnh.

 

Chia sẻ với chúng tôi, thầy Trần Anh Tú cho biết: Thực tế dạy học tiếng Anh ở vùng cao là rất khó khăn, ngôn ngữ bản địa chiếm phần lớn các giao tiếp hằng ngày, khi học tiếng Việt các em còn nói ngọng, viết sai, nên không có phương pháp mới thì dạy ngoại ngữ gần như bằng không. Xuất phát từ suy nghĩ: Cần tạo môi trường học tập tốt nhất cho các em và tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nên chúng tôi đã cho các em luyện tiếng Anh qua các giáo án bằng đĩa hình, phim qua mạng Internet dành cho trẻ học tiếng Anh. Luyện tập làm quen với máy tính, giải toán qua mạng… nên các em tiếp thu rất nhanh.

 

Ban đầu, Trường cũng chỉ kỳ vọng để các em làm quen và tạo thêm sức hút đối với học sinh cũng như cộng đồng người dân địa phương, nhưng hiệu quả gần như đến tức thì. Có thể nói thành công này một phần xuất phát từ thay đổi phương pháp dạy học. Đến nay bước đầu các em đã xóa bỏ được rào cản về sự tự ti, ngại xem phim, giao tiếp bằng tiếng Anh. Với cách làm này, 100% học sinh của Trường đã được học tập và làm quen với các thiết bị học tập và luyện tiếng Anh tại lớp qua các thiết bị điện tử hiện đại.

 

Với những quyết tâm tạo một môi trường giáo dục thân thiện và từng bước hiện đại, cùng với tình cảm đặc biệt “dạy trẻ không chỉ thần túy dạy chữ” của đội ngũ giáo viên Nhà trường dành cho trẻ em vùng cao, năm học 2012-2013, Trường đã vinh dự được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn 1.