Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo quy định chuẩn quốc gia với trường đại học. Theo đó, trường muốn đạt chuẩn quốc gia phải có 75% sinh viên hài lòng về chương trình
Bộ G&ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học (không áp dụng đối với những trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài và các trường cao đẳng do từ 1/7 tới, khi Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, các trường cao đẳng không còn là cơ sở giáo dục đại học mà chuyển thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp).
Ngoài ra, muốn đạt chuẩn quốc gia các cơ sở giáo dục đại học phải cần ít nhất 80% cơ quan sử dụng lao động hài lòng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp.
Tiêu chí nữa, các trường phải đảm bảo diện tích đất tối thiểu 25 m2 mỗi sinh viên, diện tích xây dựng bình quân tối thiểu là 9 m2 mỗi sinh viên, trong đó diện tích phục vụ học tập ít nhất là 6 m2 trên mỗi sinh viên. Các công trình xây dựng phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Giảng viên cơ hữu phải đảm nhận giảng dạy 75% khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo, phần còn lại do các giảng viên thỉnh giảng có đầy đủ năng lực đảm nhiệm.
Để đảm bảo chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên trên giảng viên cơ hữu không quá 8 người đối với ngành nghệ thuật, thể thao; không quá 10 người đối với ngành y dược và 20 người đối với các nhóm ngành khác.
Các trường đại học phải đảm bảo 10 tiêu chuẩn (Sứ mạng và mục tiêu; Tổ chức và quản lý; Cơ sở vật chất và thiết bị; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Hoạt động đào tạo; Hoạt động khoa học công nghệ; Tự chủ tài chính;
Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; Kết quả xếp hạng; Sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động) nếu muốn được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Đầu tiên là sứ mạng và mục tiêu phải được xác định rõ ràng, phù hợp với quy định phân tầng các cơ sở giáo dục đại học.
Cơ chế tổ chức phải phù hợp với nghị định về đại học quốc gia và việc tuyển dụng cán bộ, giảng viên phải được công khai, minh bạch.
Cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt chuẩn quốc gia sẽ khẳng định được vị thế và thương hiệu trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, hướng tới hội nhập với các cơ sở giáo dục đại học của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Dự kiến có hai quy trình đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia:
+ Phương án 1: Tổ chức đánh giá được giao nhiệm vụ công nhận đạt chuẩn quốc gia.
+ Phương án 2: Bộ GD&ĐT công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia trên cơ sở kết quả đánh giá của một tổ chức được giao nhiệm vụ.
Bộ GD&ĐT cho biết, yêu cầu xây dựng Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục đại học.