Di sản văn hóa giúp học sinh hứng thú trong học tập

08:33, 28/04/2015

Giáo dục di sản là một trong những phương pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực. Qua đó, bài học trở nên sinh động, hấp dẫn và giúp học sinh hứng thú, tiếp thu bài tốt hơn.

Hiện nay học sinh đang thiếu sự trải nghiệm, thiếu kiến thức thực tế, vì vậy, mỗi di sản văn hóa là một cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ, là một sợi dây gắn kết trách nhiệm và tình cảm của nhà trường với gia đình và xã hội. Từ năm học 2012-2013, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tiến hành các hoạt động "Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông" trong cả nước với ba môn học: Lịch sử, địa lý, âm nhạc, bước đầu tạo được sự đồng thuận giữa cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh.

 

Di sản văn hóa, dù dưới dạng vật thể hoặc phi vật thể đều có thể sử dụng trong quá trình giáo dục, là nguồn cung cấp chất liệu để xây dựng nội dung dạy học, giáo dục. Dưới dạng công cụ, thiết bị dạy học, di sản văn hóa giúp cho quá trình học tập của học sinh trở nên hấp dẫn hơn, học sinh hứng thú học tập và hiểu bài sâu sắc hơn. Tại Trường THCS Lê Quý Ðôn (Hà Nội), sau giờ học sinh học lớp bảy của cô giáo Nguyễn Hoàng Quyên, về đặc điểm chung và vai trò của ngành thân mềm, học sinh không chỉ được tìm hiểu những kiến thức, lợi ích của ngành thân mềm mà còn được tiếp cận, trải nghiệm với nghề truyền thống khảm trai và tự tay ghép các vỏ con trai thành đồ chơi, vật dụng trang trí... Qua những tiết học như vậy, các bài giảng khô cứng trở nên sinh động và dễ hiểu hơn đối với học sinh. Nhiều em từ chỗ rụt rè đã trở nên tự tin, hăng hái trao đổi và trình bày ý kiến của mình. Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàn Kiếm (Hà Nội) Nguyễn Kiều Duyên cho biết: Việc sử dụng di sản trong dạy học môn âm nhạc của trường đạt được nhiều kết quả tốt. Nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa như mời nghệ nhân ca trù của Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam về nói chuyện, trao đổi và biểu diễn một số làn điệu cho học sinh thưởng thức. Bên cạnh đó, trường tổ chức thi tìm hiểu về dân ca quan họ Bắc Ninh, thi hát những bài hát dân ca... để học sinh có ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ di sản. Thích thú với cách học gắn với di sản văn hóa, học sinh Nguyễn Văn Bách, Trường THCS Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Chúng em hiểu bài và nắm vững kiến thức về di sản văn hóa, từ đó bản thân có ý thức trách nhiệm hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển những di sản văn hóa. Không chỉ ở Hà Nội, cô giáo Lê Thị Hương, dạy hóa học, Trường THCS Tử Nê, huyện Tân Lạc, Hòa Bình cho biết: Trong một tiết hóa học thông thường, các em chỉ học kiến thức trong sách giáo khoa, rồi lên phòng thí nghiệm. Tiết học như vậy rất khô khan và nhiều học sinh sẽ khó tiếp thu. Nếu sử dụng di sản, đưa những cái đời thường, gần gũi vào trong bài học thì các em sẽ thấy tiết học nhẹ nhàng, thoải mái hơn và thấy rằng kiến thức của bộ môn này không quá khó như các em tưởng tượng.

 

Theo Bộ GD và ÐT, thời gian qua, đã có nhiều địa phương chủ động đưa di sản vào trường học bằng cách lồng ghép vào các môn học, như: Ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc... các tỉnh Bắc Ninh, Nghệ An có phong trào đưa dân ca vào trường học, Phú Thọ đưa hát Xoan vào giảng dạy, còn Lạng Sơn đưa đàn tính, hát Then để giới thiệu cho học sinh... Ngoài ra nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia câu lạc bộ "Em yêu lịch sử" tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng... Các hoạt động đưa di sản vào trường học đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

 

Mặc dù đạt kết quả tốt, tuy nhiên ở một số cơ sở giáo dục, vẫn còn cán bộ quản lý chưa thật sự quan tâm; một số giáo viên còn thụ động trong việc nghiên cứu, thiết kế nội dung và chưa chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, tranh, ảnh về di sản để sử dụng trong dạy học. Bên cạnh đó, hiệu quả của việc đưa dân ca đến với thế hệ trẻ chưa thật sự đạt hiệu quả như mong đợi. Việc dạy và học dân ca chỉ mới dừng ở mức như một môn học ngoại khóa, mang tính chất giới thiệu, chứ chưa được đánh giá đúng vai trò, giá trị và từ đó chưa được đầu tư, chú trọng trong hệ thống các môn học của nhà trường phổ thông. Ði vào cụ thể, nhiều giáo viên dạy nhạc ở bậc tiểu học cho rằng: Trong số hơn 80 bài hát của chương trình tiểu học, chỉ có một số bài hát dân ca được đưa vào giảng dạy. Nhưng nội dung chương trình quá đơn điệu, không đủ cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản và hệ thống về kho tàng âm nhạc dân tộc phong phú của nước ta.

 

ÐỂ việc sử dụng di sản văn hóa trong trường học mang lại kết quả tích cực, Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Trường phổ thông vừa có trách nhiệm giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về di sản văn hóa, vừa có trách nhiệm sử dụng di sản văn hóa để dạy học. Việc làm này sẽ nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh đối với di sản văn hóa. Ðể dạy học thông qua di sản hiệu quả cần lấy học sinh và hoạt động học làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa gần gũi, chung quanh môi trường sống, dễ hiểu với học sinh và sử dụng những kinh nghiệm và tri thức của người địa phương. Vì vậy, chương trình được xây dựng cần có sự linh hoạt và phải phù hợp với văn hóa địa phương, dân tộc; phù hợp với mọi điều kiện của nhà trường ở nông thôn, đô thị, miền núi, ven biển, hải đảo... và mọi đối tượng học sinh.