Hợp tác quốc tế trong đào tạo - Cầu nối hội nhập

18:04, 17/04/2015

Là một trong những đại học vùng, đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, trong những năm gần đây, thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) đã có nhiều giải pháp, trong đó hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) được coi là một trong những giải pháp đột phá. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ (NGND-GS-TS) Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐHTN xung quanh vấn đề này...

P.V: HTQT trong đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những mục tiêu thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong thời kỳ hội nhập. Xin Giáo sư cho biết khái quát về hoạt động này của ĐHTN trong những năm gần đây?

 

NGND-GS-TS Đặng Kim Vui: Chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam được coi là điểm đến của thiên niên kỷ này. Nhiều nước, nhiều tổ chức đang quan tâm đến việc hợp tác và đầu tư với nước ta trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về giáo dục - đào tạo. Đảng và Nhà nước có chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó nhấn mạnh nhiều về HTQT trong giáo dục. ĐHTN là Đại học trọng điểm quốc gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực; NCKH, chuyển giao công nghệ chất lượng cao; đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực trung du miền núi phía Bắc và cả nước. Hoạt động HTQT được xác định là một trong những chương trình lớn của ĐHTN, là đòn bẩy giúp nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH.

 

Trong những năm qua, ĐHTN đã tổ chức nhiều hoạt động HTQT, như: Nhập khẩu chương trình đào tạo tiên tiến; cử cán bộ, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài; tổ chức các chương trình liên kết và hợp tác đào tạo; mời giảng viên nước ngoài đến giảng dạy, NCKH; đón nhiều sinh viên nước ngoài đến học ở ĐHTN; triển khai các chương trình, dự án quốc tế; tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế nhằm trao đổi kết quả nghiên cứu và giảng dạy...

 

P.V: Hiệu quả của các hoạt động HTQT, liên kết đào tạo, NCKH mà ĐHTN đã và đang triển khai thực hiện được đánh giá như thế nào, thưa Giáo sư?

 

NGND-GS-TS Đặng Kim Vui: Thứ nhất, về nhập khẩu chương trình đào tạo tiên tiến, trong những năm qua, ĐHTN đã nhập khẩu và triển khai hiệu quả 9 chương trình đào tạo tiên tiến ở bậc đại học. Trong số các chương trình này có 3 chương trình có kinh phí của Bộ cấp, đó là các chương trình thuộc: 1. Ngành cơ khí; 2. Chương trình điện - điện tử của Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên với Đại học Buffalo (Hoa Kỳ); 3. Chương trình quản lý nguồn tài nguyên hợp tác với Trường ĐH UC Davis được triển khai tại Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên. Ngoài ra, ở các đơn vị có tổ chức chương trình đào tạo "kỹ sư/cử nhân tài năng" trên cơ sở tiếp thu và sử dụng các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài tại ĐHTN.

 

Thứ hai, ĐHTN đã cử nhiều cán bộ, giảng viên, sinh viên đi đào tạo ở nước ngoài: Trong 5 năm qua, Đại học đã cử 2.552 cán bộ, giảng viên ra nước công tác, trong đó có hơn 70% là đi học tập bằng các nguồn học bổng hoặc theo các chương trình hợp tác; 449 sinh viên tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế; 285 học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài bằng các nguồn học bổng khai thác và tự túc.

 

Thứ ba, ĐHTN tổ chức nhiều chương trình liên kết và hợp tác đào tạo quốc tế. Sau 5 năm thực hiện Chương trình liên kết đào tạo quốc tế và tư vấn du học đã thu được những kết quả khả quan, cụ thể như: Cấp phép và triển khai có hiệu quả 22 chương trình (bao gồm 7 chương trình đại học, 12 chương trình thạc sĩ, 3 chương trình tiến sĩ). Ngoài ra, các đơn vị trong toàn ĐHTN còn phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai 65 chương trình đào tạo ngắn hạn. Các chương trình liên kết đào tạo và đào tạo ngắn hạn đã mang lại nguồn thu lớn cho các đơn vị trong thời gian qua.

 

ĐHTN đã mời 557 lượt giảng viên của Mỹ, Úc, Bỉ, Đức, Pháp, Nhật, Thụy Sĩ, Hà Lan, Philippine, Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc…  đến giảng dạy trong các lĩnh vực: Ngôn ngữ, Y khoa, Khoa học cơ bản, Quản lý môi trường, Kinh tế, Cơ khí và điện, qua đó đã tạo môi trường đào tạo quốc tế năng động trong toàn ĐHTN. Đến nay, số lượng chuyên gia tham gia giảng dạy dài hạn các môn chuyên môn ngày một tăng, đặc biệt là trong các chương trình đào tạo tiên tiến của Trường ĐH Nông Lâm, Khoa Quốc tế và Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp.

 

Trong những năm qua cũng đã có 854 lượt sinh viên quốc tế đến học tập tại ĐHTN. Thành phần quốc tịch của sinh viên khá đa dạng, họ đến từ 16 quốc gia trên thế giới (gồm: Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Đông Timo, Phần Lan, Đức, Balan, CH Séc, Úc, Ấn Độ, Camaroon, Anh, Na Uy). Các sinh viên quốc tế theo học tại cả 3 bậc học (thạc sĩ, đại học và thực tập sinh), chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp và môi trường, kinh tế, y khoa, sư phạm, kỹ thuật công nghiệp. Toàn ĐHTN đã khai thác được 98 dự án tài trợ (với tổng số tiền hơn 7,9 triệu USD) từ nguồn kinh phí của 22 quốc gia và tổ chức quốc tế. Các dự án đã và đang góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và NCKH của ĐHTN. Đến nay, ĐHTN đã ký kết và tổ chức triển khai hợp tác với 205 trường và tổ chức quốc tế có quy tín trên thế giới. Thông qua những hoạt động hợp tác đa lĩnh vực, sự kết hợp giữa các đơn vị thành viên của ĐHTN được tăng cường, các nguồn lực tổng hợp của cả Đại học được phát huy.

 

P.V: Về việc xây dựng và nâng cao thương hiệu trong quá trình hội nhập quốc tế, ĐHTN lựa chọn những lĩnh vực nào là mũi nhọn và thế mạnh trong giai đoạn 2015-2020, thưa Giáo sư?

 

NGND-GS-TS Đặng Kim Vui: Nhằm xây dựng và nâng cao thương hiệu của ĐHTN trên trường quốc tế, trong giai đoạn 2015-2020, toàn Đại học tập trung thực hiện những nhiệm vụ sau: Khai thác và phát triển các dự án khoa học, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ. Chủ động tăng cường mối quan hệ với các tổ chức quốc tế như WB, FAO, UNDP, các đại sứ quán nước ngoài… để khai thác các chương trình dự án quốc tế dưới dạng tài trợ toàn phần, một phần hoặc nghị định thư phục vụ mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ. Xây dựng chương trình hành động, hình thành các nhóm dự án để có thể khai thác hiệu quả các nguồn lực quốc tế trong NCKH và công nghệ. Hợp tác khai thác nguồn lực để tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm quảng bá và nâng cao vị thế của ĐHTN.

 

Hợp tác với các trường có uy tín và thứ hạng cao trên thế giới để nhập khẩu các chương trình đào tạo tiên tiến hoặc phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo tiên tiến bậc đại học và sau đại học cho một số lĩnh vực quan trọng của ĐHTN; hợp tác phát triển các chương trình chất lượng cao, tăng cường các loại hình liên kết đào tạo quốc tế (tập trung ở bậc đại học) nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

 

Hợp tác trao đổi giảng viên, sinh viên theo hình thức ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt tăng cường thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập tại ĐHTN.

 

Quảng bá và xây dựng những chương trình đào tạo bằng các ngôn ngữ nước ngoài nhằm thu hút sinh viên, học viên quốc tế đến học tập; thu hút các giảng viên Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia giảng dạy tại ĐHTN.

 

Khai thác, huy động nguồn vốn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng của ĐHTN trong giai đoạn tới; đồng thời khai thác các nguồn tài trợ quốc tế trong việc đầu tư trang thiết bị, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập của Đại học hướng đến môi trường đào tạo quốc tế.

 

Phối hợp với tỉnh và T.P Thái Nguyên trong hoạt động HTQT nhằm tạo ra một môi trường quốc tế trong giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!