Dự thảo Thông tư ban hành quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học vừa được Bộ GD&ĐT công bố.
Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học chỉ áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học nhưng không áp dụng đối với các trường cao đẳng, do từ 1/7/2015, khi Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, các trường cao đẳng không còn là cơ sở giáo dục đại học mà chuyển thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Luật giáo dục nghề nghiệp không có quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nội dung chính của dự thảo Thông tư quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học bao gồm 2 phần chính:
Phần 1: Các tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia (10 tiêu chuẩn liên quan đến các hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học và các điều kiện đảm bảo chất lượng bao gồm:
Sứ mạng và mục tiêu; Tổ chức và quản lý; Cơ sở vật chất và thiết bị; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Hoạt động đào tạo; Hoạt động khoa học công nghệ; Tự chủ tài chính; Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; Kết quả xếp hạng; Sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động).
Một cơ sở giáo dục đại học muốn được công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia cần phải đạt được tất cả các tiêu chí.
Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ phấn đấu có được những điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên mà cần quan tâm đến kết quả cao trong các mặt hoạt động và trong đó xem xét đến cả các tiêu chí về đánh giá khách quan từ chính người học và cơ quan sử dụng lao động.
Cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt chuẩn quốc gia sẽ khẳng định được vị thế và thương hiệu trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, hướng tới hội nhập với các cơ sở giáo dục đại học của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Phần 2: Quy trình đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia, gồm 2 phương án:
+ Phương án 1: Tổ chức đánh giá được giao nhiệm vụ công nhận đạt chuẩn quốc gia.
+ Phương án 2: Bộ GD&ĐT công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia trên cơ sở kết quả đánh giá của một tổ chức được giao nhiệm vụ.
Bộ GD&ĐT cho biết, yêu cầu xây dựng Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục đại học.
Đối với giáo dục đại học, hệ thống các chuẩn/quy định đã được xây dựng ban hành bao gồm: Quy định điều kiện thành lập trường; Quy định điều kiện mở ngành; Điều lệ trường đại học; Quy chế/quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo; Chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học; chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo...
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng Khung trình độ quốc gia, quy định về yêu cầu về năng lực của người học đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học, khối lượng kiến thức tối thiểu của mỗi trình độ để làm cơ sở các trường phát triển chương trình đào tạo.
Trong thời gian tới, dự kiến sẽ phải xây dựng chuẩn đối với chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học.