Đổi mới chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục bậc THPT

16:50, 21/06/2015

Đây là một trong những nội dung trọng tâm tại Hội nghị các trường đại học Sư phạm toàn quốc được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên trong 2 ngày 20 và 21-6.

Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, 7 trường đại học Sư phạm cùng lãnh đạo các trường đại học vùng, lãnh đạo các Sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh khu vực phía Bắc và tổ chức phát triển giáo dục  Ngân hàng Thế giới WB đã tập trung trao đổi, hoàn thiện các bài giảng về chủ đề: “Xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông”. Đây là một chủ đề quan trọng liên quan đến đào tạo và đào tạo lại giáo viên để đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông.

 

Gần 30 tham luận cùng các bài thuyết trình đã được đại diện các trường đại học, các chuyên gia, nhà quản lý và trực tiếp đội ngũ giáo viên đang tham gia dạy học bậc THPT đã được trình bày tại Hội nghị. Theo đó, vấn đề cốt lõi cần được đổi mới, đó là tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường sư phạm với các Sở Giáo dục và Đào tạo, với các trường THPT. Khoảng cách giữa đào tạo giáo viên với dạy học trong trường phổ thông và công tác quản lý giáo dục lâu nay vẫn còn xa thực tế, khiến cho các kỹ năng sư phạm, tâm lý giáo dục và hiệu ứng tương tác giữa đào tạo giáo viên, dạy học phổ thông và học sinh là thiếu đồng bộ. Một số chuyên gia cho rằng: “Chương trình đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam chậm đổi mới, đặc biệt là chương trình đào tạo của các trường sư phạm”. Nhìn chung các trường sư phạm vẫn dạy những cái gì mình có, chưa thực sự chú ý đến nhu cầu của người học. Theo đó, cần xác định, trong môi trường sư phạm, người giáo viên không chỉ là người hướng dẫn (huấn luyện viên), người định hướng kiến thức nền tảng mà còn là chuyên gia sư phạm trên các mặt của giáo dục.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo nhấn mạnh: “Các trường sư phạm và hệ thống quản lý giáo dục trong cả nước cần đồng bộ hóa mối liên hệ giữa đào tạo giáo viên với môi trường dạy học bậc phổ thông. Cần tạo dựng mối liên hệ chặc chẽ hơn giữa đào tạo gắn với thực hành và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhu cầu các trường phổ thông. Cần thiết có thể xây dựng hành lang pháp lý để khép kín quy trình đào tạo gắn với thực hành, thực tập và cả nghiên cứu, để các trường sư phạm phải thật sự là môi trường đào tạo nghiên cứu ứng dụng hiệu quả về giáo dục, đi đầu trong hoạt động đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của đất nước”. Đây là Hội nghị toàn quốc các trường Sư phạm lần thứ VI kể từ sau khi ngành Giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.