Theo quy định tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, ngoài 3 môn thi bắt buộc gồm Văn, Toán và Ngoại ngữ, học sinh (HS) được quyền tự chọn trong các môn Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Khảo sát ban đầu tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy xu hướng lựa chọn của HS chủ yếu nghiêng về khối A, D1.
Chọn môn học theo khối thi
Tại Trường THPT Lương Ngọc Quyến (T.P Thái Nguyên), số HS đăng ký dự thi là 758; trong các môn thi tự chọn, môn Vật lý được HS đăng ký nhiều nhất (gần 70%) và ít nhất là môn Lịch sử (hơn 10%), khoảng 25% số HS chọn môn Địa lý, 64% chọn môn Hóa học và 28% chọn môn Sinh học.
Theo thầy giáo Dương Xuân Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy (Phú Bình), tổ hợp được lựa chọn số 1 là Toán - Văn - Tiếng Anh và Vật lý, Hóa học dành cho HS khối A, A1. Tổ hợp thứ hai là Toán - Văn - Tiếng Anh và Vật lý dành cho HS khối D. Với việc thi môn Vật lý, các em có thể xét tuyển hai khối A1 và D.
Năm nay, Hội đồng thi Trường THPT Chu Văn An (T.P Thái Nguyên) có 376 HS đăng ký dự kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, nhưng chỉ có 23 HS chọn môn Lịch sử; còn Trường THPT Lương Thế Vinh (T.P Thái Nguyên) chỉ có 1 HS đăng ký dự thi môn Lịch sử. Một số giáo viên có kinh nghiệm lâu năm cho rằng sở dĩ có hiện tượng này là do phần lớn HS từ khi mới vào THPT đều đã định hướng nghề nghiệp trong tương lai, do vậy các em lựa chọn môn học theo khối thi. Về việc có ít HS đăng ký thi môn Lịch sử, không có nghĩa là các em không thích, không yêu môn học này. Nhiều bậc cha mẹ HS đánh giá, các ngành học có thi môn Lịch sử thường khó tìm việc làm, thu nhập lại không hấp dẫn, vì vậy HS không mặn mà với các ngành học này và điều tất yếu là các em cũng không chọn môn Lịch sử.
Cho đến thời điểm này, việc tổng hợp hồ sơ đăng ký kỳ thi THPT Quốc gia của các trường trên địa bàn tỉnh và Hội đồng thi Đại học Thái Nguyên đã hoàn chỉnh và sẵn sàng bước vào ngày thi. Với kỳ thi có nhiều đổi mới như năm nay, các trường đều tập trung tư vấn, ôn luyện cho HS, để các em đạt kết quả cao trong kỳ thi. Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho biết: “Dù chương trình học lớp 12 đã kết thúc gần 1 tháng, nhưng thể theo nguyện vọng của gia đình và Hội Phụ huynh HS, Nhà trường vẫn duy trì việc ôn tập cho HS theo các môn đã đăng ký dự thi trong hồ sơ. Đặc biệt, quãng thời gian hơn 1 tháng để các em tự do ôn tập thì sẽ khó đạt tốt nghiệp, nên Nhà trường duy trì việc ôn tập cũng là hạn chế tình trạng các em hẫng hụt ngay sau khi kết thúc chương trình học chính khóa”. Còn thầy giáo Dương Xuân Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Điềm Thụy chia sẻ: “HS ở vùng nông thôn, thường ngày ngoài giờ học ở trường còn lo phụ giúp gia đình công việc đồng áng, nay học xong lại vào ngày mùa các em sẽ không tự giác ôn tập được. Vì vậy Trường vẫn duy trì việc ôn tập hàng ngày và phân công giáo viên lên lớp đầy đủ. Mục tiêu chính là để các em củng cố kiến thức và làm quen với hình thức thi mới”.
Nhiều cơ hội vào Đại học, cao đẳng hơn
Đến thời điểm này, theo thống kê từ Bộ Giáo dục - Đào tạo, toàn quốc có trên 650 nghìn HS đăng ký tham dự kỳ thi THPT Quốc gia, trong đó có gần 600 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Như vậy tỷ lệ đấu chọi về tổng thể là không cao. Tại Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), năm nay Hội đồng thi có trên 30 nghìn HS tham gia dự thi, trong đó số HS của tỉnh Thái Nguyên tham gia dự thi có trên 10 nghìn em, tiếp đến là các tỉnh Bắc Giang có trên 9.700 HS, Lạng Sơn có trên 5.000 HS cùng đến dự thi tại Hội đồng thi ĐHTN. So với số lượng đăng ký dự thi, năm nay số HS đăng ký thi trực tiếp tại ĐHTN giảm gần 10 nghìn em, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của ĐHTN năm nay là trên 11 nghìn, trong đó có 83% tuyển sinh theo xét kết quả tốt nghiệp THPT Quốc gia, 17% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả học tập qua học bạ của HS sau khi các em đã đỗ tốt nghiệp THPT. Theo báo cáo nhanh của lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo các tỉnh tại phiên họp chuẩn bị công tác tuyển sinh do ĐHTN tổ chức, số thí sinh đăng ký dự thi ở cụm thi địa phương nhằm xét tốt nghiệp THPT trong kỳ thi Quốc gia sắp tới khá lớn, nhất là ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa. Như ở tỉnh Cao Bằng, tổng số thí sinh dự kỳ thi THPT Quốc gia là 5.998 thì có tới gần một nửa thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp. Tại Lai Châu, có tới 1.894 thí sinh (chiếm tỷ lệ gần 60%) của tỉnh đăng ký dự thi tại cụm thi do Sở Giáo dục - Đào tạo chủ trì; các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn có trên 50% số thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp. Ngay tại Thái Nguyên, trong số 14.313 thí sinh đăng ký dự thi thì có gần 30% chỉ để xét tốt nghiệp THPT.
Nhìn vào những con số này có thể thấy sự khác biệt không nhỏ so với những năm trước (số lượng thí sinh dự thi ĐH, CĐ vào khoảng 85%, còn lại là những thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT hoặc không có nhu cầu thi). Về vấn đề tỷ lệ thí sinh không có nhu cầu xét tuyển vào ĐH, CĐ tăng lên trong năm nay có nhiều sự lý giải khác nhau. Một số chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cho rằng có thể do công tác tư vấn tuyển sinh tại các trường đã tác động đến việc chọn lựa của thí sinh, hoặc xã hội đang có những nhìn nhận thực tế hơn, chú trọng khâu giải quyết việc làm trong tương lai.