Dấu ấn “đổi mới”

15:42, 09/07/2015

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 - năm đầu tiên thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn  bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” - đã kết thúc tốt đẹp. Những điểm mới của kỳ thi bước đầu đã tạo được sự an tâm và đồng thuận trong xã hội.

Đổi mới thi cử: “Học gì thi đấy - Thi gì học đấy”

 

Ngay trước giờ thi buổi đầu tiên (1-7) của kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận đã có mặt ở phía ngoài điểm thi Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, hòa vào đám đông người nhà thí sinh đưa con, em đến trường thi. Bộ trưởng đã có cuộc trò chuyện với ông Phan Xuân Đích, ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ông Đích cho biết: Đã từng nhiều lần đưa con đến Thái Nguyên dự thi, tuy nhiên, lần này ông an tâm và phấn khởi hơn. Ông chia sẻ: “Mỗi lần đưa con đi thi đại học là cả một sự vật lộn với thời tiết, chen chúc tìm chỗ ở, len lỏi tìm đường đến điểm thi vì ùn tắc giao thông. Nhưng nay thì thoải mái hơn, do Thái Nguyên chỉ có thí sinh đến từ 4 tỉnh phía Bắc và Đông Bắc, hoạt động giao thông không bị ùn tắc. Đưa con đi thi lần này làm một công đôi việc, vừa là để tốt nghiệp, lại vừa là xét vào đại học, nên rất tiện và tiết kiệm kinh tế, không phải đi tìm trường thi như trước đây. Chỗ ở cũng hợp lý, mỗi phòng trọ thuê bên ngoài Trường ĐH Sư phạm cũng chỉ 50 nghìn đồng/ngày đêm. Chúng tôi phấn khởi vì kỳ thi không chỉ tạo thuận tiện cho học sinh mà thanh niên tình nguyện các trường còn quan tâm đến cả phụ huynh chúng tôi nữa”.

 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) và Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Bộ trưởng nhấn mạnh: Về cách thức tổ chức thi cử, bước đầu có thể nhận thấy sự thuận tiện và tính hợp lý, hạn chế được việc thí sinh và người nhà dồn về các trường ở Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh… Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” gồm có đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học, đánh giá, kiểm tra và thi cử. Nên trong thi cử, có hai mệnh đề đồng thời: học gì thi nấy, học thế nào thi thế đấy; thi gì học nấy, thi thế nào học thế đấy.

 

"Học gì thi nấy" là câu mà các thầy, cô giáo phải nhớ. Khi ra đề là chỉ tập trung vào những nội dung trong chương trình, trong phạm vi học sinh được học. Thầy, cô giáo dạy học sinh bằng cách nào thì học sinh thi bằng cách đó.

 

Đối với học trò có mệnh đề: tổ chức thi thế nào thì học thế nấy, tổ chức thi những gì thì học cái đấy. Hai mệnh đề này song hành, nên một mặt vừa đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, mặt khác là đổi mới thi cử để hỗ trợ đẩy mạnh đổi mới dạy và học.

 

Thực tế ngay sau khi kết thúc mỗi môn thi, các thí sinh đều chung tâm trạng thoải mái với kết quả làm bài của mình. Nghĩa là các kiến thức để hoàn thành mục tiêu tốt nghiệp THPT đều nằm trong chương trình sách giáo khoa phổ thông, nhất là lớp 12. Cách ra đề các môn cũng tuần tự từ dễ đến khó dần, để thí sinh tự phân loại từ cách tiếp cận đề và làm bài. Đặc biệt, các môn thi đều gắn với những vấn đề mang tính thời sự, thực tế và không đòi hỏi học thuộc lòng máy móc, thụ động…

 

Chấm thi: Chi tiết hóa barem điểm, tăng tính chính xác

 

Để bảo đảm tính khách quan của kỳ thi “2 trong 1”, ĐHTN cũng đã thành lập Ban giám sát thi (gồm lãnh đạo các sở GD&ĐT, đại diện chính quyền các địa phương) tham gia giám sát trong suốt kỳ thi. Đây chính là sự vào cuộc của các ngành, địa phương và của xã hội.

 

Đối với công tác chấm thi, mặc dù diễn ra sau kỳ thi nhưng ĐHTN cũng đã huy động tới 600 cán bộ, giáo viên tham gia, trong đó 50% là cán bộ, giáo viên có uy tín được các tỉnh có thí sinh tham gia dự thi tại Cụm thi do ĐHTN chủ trì tiến cử, trực tiếp cùng các cán bộ, giảng viên ĐHTN tiến hành chấm thi. Về nguyên tắc chấm thi, lãnh đạo ĐHTN cho biết: Các bài thi được chấm độc lập, khách quan và nếu mỗi đáp án chênh nhau 0,25 điểm sẽ được Hội đồng chấm thi cho thảo luận, công khai đối thoại giữa các giám khảo. Chính vì vậy, các barem chấm thi được chi tiết hóa, tránh tạo khoảng cách lớn trong các đáp án.

 

Việc huy động các thầy, cô giáo THPT tham gia cùng chấm không phải thuần túy là đảm bảo về một kỳ thi khách quan, mà đằng sau nó còn có ý nghĩa: Các trường đại học gắn với các trường phổ thông - Đây là một hoạt động chuyên môn, có sự gắn bó, trao đổi, phối hợp, là những hệ quả của kỳ thi này. Hệ quả đó tạo tiền đề để triển khai hoạt động “đổi mới” tiếp theo, trong đó “đổi mới” sư phạm phải gắn với phổ thông. Từ thực tế hoạt động chấm thi, các thầy, cô giáo ở các trường đại học thêm hiểu việc điều hành chuyên môn ở phổ thông. Ngược lại, các thầy ở các trường phổ thông cũng hiểu, chia sẻ với trường đại học như thế nào, từ đó có sự học hỏi bổ sung, trao đổi lẫn nhau…