Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia vừa kết thúc. Đây là kỳ thi hoàn toàn mới so với những năm trước đây với mục đích "hai trong một", vừa dùng kết quả để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục và được đánh giá là tiết kiệm, giảm tốn kém và tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh. Đổi mới của kỳ thi thiết thực ở chỗ thay vì thí sinh phải đi thi từ hai đến bốn lần, nay chỉ cần một lần dự thi có thể sử dụng kết quả cho các mục đích xét tuyển. Thí sinh và người nhà không phải đi quá xa và tập trung quá nhiều về các thành phố lớn, gây áp lực không đáng có về giao thông, ăn ở, an ninh xã hội như những năm trước đây.
Việc đổi mới thi và tuyển sinh sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng cũng như tiết kiệm được công sức, thời gian, tiền bạc của nhân dân. Bên cạnh đó, việc được lựa chọn môn dự thi cũng là cơ hội để thí sinh phát huy năng lực, sở trường... Đề thi bảo đảm theo hướng dễ phân loại thí sinh; tăng cường theo hướng mở, các câu hỏi mang tính phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, mang tính thời sự của đất nước; hạn chế các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc con số và sự kiện.
Những đổi mới của Kỳ thi đang từng bước tạo niềm tin trong xã hội và nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, kỳ thi THPT Quốc gia với hai mục đích, nhất là làm căn cứ tin cậy cho tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn còn những vấn đề phải bàn. Những năm trước đây, đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng có 100% lượng kiến thức dùng cho phân hóa. Đề thi năm nay có tới 60% kiến thức ở mức độ cơ bản, chỉ dành 40% ở mức độ nâng cao là rất khó để phân hóa thí sinh. Điều đó dẫn tới số lượng thí sinh đạt điểm tốt nghiệp sẽ chiếm phần lớn, số lượng thí sinh đạt điểm cao để tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ không nhiều. Việc tuyển sinh của các trường sẽ sàn sàn nhau, khó có sự phân biệt trường tốp trên, tốp dưới. Rất có thể, các trường thương hiệu, uy tín cũng phải tuyển sinh giống như các trường khác.
Đáng chú ý, đề thi các môn khoa học xã hội được ra theo hướng mở, cho nên khâu chấm thi cũng không thể theo một đáp án cứng mà sẽ được chấm linh hoạt, theo hướng vận dụng kiến thức của thí sinh. Việc chấm các câu hỏi mở, câu hỏi theo hướng vận dụng kiến thức ít nhiều phụ thuộc vào cảm nhận chủ quan của người chấm; trong khi đó, lực lượng cán bộ chấm thi là không đồng đều giữa các cụm thi. Nhiều hội đồng chấm thi có cả đội ngũ giáo viên THPT chấm bài dùng cho mục đích tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ khó bảo đảm hiệu quả.
Phương châm đổi mới kỳ thi năm nay có thể tăng thêm những khó khăn, vất vả cho ngành, các trường cũng như các thầy giáo, cô giáo, nhưng mặt khác lại tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh. Chủ trương giảm tốn kém, căng thẳng trong kỳ thi THPT Quốc gia đang được dư luận xã hội đồng tình. Tuy nhiên, làm thế nào để đánh giá thực chất, bảo đảm công bằng kết quả thi vẫn là băn khoăn của thí sinh, người nhà, các trường, các địa phương cũng như toàn xã hội. Khâu tổ chức thi và coi thi đã xong. Phần còn lại là chấm thi giữa các cụm thi có bảo đảm khách quan, công bằng, có thật sự nghiêm túc như nhau hay không. Những băn khoăn đó là chính đáng, dễ hiểu. Mọi người đang chờ đợi kết quả để có những đánh giá sát thực về Kỳ thi.
Để tạo được niềm tin về sự nghiêm túc, công bằng, nhân tố quyết định, vẫn là yếu tố con người, là hành động của chính những cán bộ được giao nhiệm vụ chấm thi và của các hội đồng, các địa phương làm công tác thi. Đó là việc thực hiện nghiêm túc theo quy chế, vì mục tiêu đổi mới Kỳ thi nói riêng, đổi mới giáo dục nói chung một cách hiệu quả. Các trường, các địa phương không nên quá nặng vì thành tích mà buông lỏng việc chấm thi. Chỉ khi từ bỏ được ảo ảnh về điểm số, về phần trăm thi đỗ, về tỷ lệ khá giỏi, chúng ta mới có thể kỳ vọng giáo dục đổi mới thực chất, tạo được niềm tin trong xã hội; các trường đại học, cao đẳng sẽ lựa chọn được học sinh có năng lực mà không phải tổ chức thêm các kỳ thi, kiểm tra riêng lẻ, gây tốn kém lại tạo áp lực cho học sinh.