Tín hiệu vui cho các trường tiểu học

15:46, 10/07/2015

Năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã quyết định triển khai đến 100% các trường tiểu học dạy theo bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (CGD).

Thời điểm này, các phòng GD&ĐT đang tập trung tập huấn cho đội ngũ giáo viên dạy lớp 1. Khảo sát thực tế chúng tôi nhận thấy các thầy cô giáo đón nhận sự trở lại của CGD rất hào hứng…

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết bộ sách dạy Tiếng Việt 1 của GS Hồ Ngọc Đại ra đời năm 1978 và nhận được nhiều phản hồi tích cực của hàng loạt địa phương, rồi dừng lại đột ngột vào năm 2000 khi Bộ GD&ĐT thực hiện đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa. Và từ 2006 và đến nay, bộ sách này lại hồi sinh mạnh mẽ. Chia sẻ cùng chúng tôi trong chuyến công tác tại tỉnh để tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán dạy lớp 1, GS Hồ Ngọc Đại "cha đẻ" chương trình công nghệ chia sẻ: “Tôi sang Nga cuối năm 1968 để nghiên cứu về tâm lý học bằng thực nghiệm, về nước năm 1977 thì năm 1978 tôi mở trường Thực nghiệm ở Hà Nội. Suy nghĩ của tôi lúc ấy là phải làm sao để trẻ con Việt Nam tiếp cận với thành tựu cuối cùng đã được xác lập, đã được công nhận của khoa học. Năm 1986, một cơ duyên khiến chương trình CGD vượt ra khỏi phạm vi thực nghiệm. Phản hồi từ các giám đốc sở GD&ĐT với bộ sách khá tích cực, nhưng nhiều người còn e ngại vì phải chờ ý kiến chỉ đạo của địa phương. Ban đầu chỉ có 12 tỉnh đưa vào giảng dạy. Hơn chục năm sau số tỉnh tham gia chương trình CGD là 43. Theo lý lẽ của Bộ GD&ĐT thì cả nước bắt buộc phải học một bộ SGK. Đồng nghĩa với việc chương trình CGD "chết lâm sàng" từ đó. Nhưng không vì thế mà làm tôi nản lòng bỏ cuộc. Tôi đã tập trung để hoàn thiện hai bộ sách Tiếng Việt và Toán cấp tiểu học. Sách CGD bây giờ và CGD của hơn chục năm về trước đã có sự hoàn thiện rất nhiều. Ngoài việc kế thừa, chương trình công nghệ hiện nay đã được chỉnh sửa phù hợp thực tế”.

 

Thái Nguyên là tỉnh triển khai dạy sách CGD từ thời gian đầu cùng nhiều tỉnh thành khác. Đến năm 2000, chủ trương thống nhất chương trình và SGK của Bộ GD&ĐT nên các trường đều phải dừng lại. Cô giáo Phan Thị Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn T.P Thái Nguyên, thời điểm đó đang là giáo viên đứng lớp cho biết: “Tôi và những giáo viên đã dạy CGD đều nuối tiếc khi Bộ GD&ĐT quyết định thay sách này. Khi dạy chương trình CGD thì ấn tượng đối với giáo viên chúng tôi là khi học xong học sinh không mắc lỗi chính tả, không bị tái mù - nói cách khác là học sinh nắm rất chắc luật chính tả”.

 

Trở lại câu chuyện sách CGD vì sao lại tiếp tục trở lại với các nhà trường, GS Hồ Ngọc Đại cho biết: “Người cho phép quyết định mở rộng phạm vi áp dụng Tiếng Việt CGD này là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Năm học 2012-2013, 19 tỉnh đã lựa chọn triển khai dạy tiếng Việt theo tài liệu CGD. Bước sang năm học 2013-2014, đã có 37 tỉnh thành thực hiện dạy tiếng Việt 1 theo tài liệu CGD. Và năm học này, hầu hết các tỉnh, thành trong toàn quốc đã đón nhận bộ sách này trong đó có Thái Nguyên”.

 

Cô giáo Lương Thị Huế, Trường Tiểu học Phủ Lý, Phú Lương tham gia lớp tập huấn để dạy lớp 1 theo chương trình CGD cho biết nói: “Qua tham gia tập huấn tôi thấy bản chất của CGD là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ hay nghiệp vụ sư phạm để trò lớp 1 chiếm lĩnh được ngữ âm ngay từ đầu, biết cách phân tích ngữ âm, đọc thông viết thạo, nắm chắc các quy tắc chính tả, không tái mù chữ. Cách học này đã tạo ra sự chuyển biến tích cực đối với học sinh và giáo viên. Không chỉ đọc thông, viết thạo, các em còn tự tin trả bài cũng như giao tiếp với thầy cô và bạn bè”. Còn cô Vũ Thị Nam, giáo viên Trường Tiểu học Bảo Lý, Phú Bình cho biết thêm: “Dạy học sinh tiếng Việt theo tài liệu CGD giúp chúng tôi không phải soạn bài nên có nhiều thời gian để quan tâm đến trò, nghiên cứu tài liệu, hiểu tâm sinh lý lứa tuổi, cách thực hiện lên lớp. Dạy theo chương trình hiện hành, ta dạy theo kiểu thầy giảng, trò ghi nhớ. Nay thầy sẽ đóng vai trò thiết kế và trò là người thi công. Người thầy chuyển từ vị trí trung tâm sang người hướng dẫn. Việc dạy tiếng Việt theo tài liệu CGD không chỉ giúp trò nắm chắc tiếng Việt và hình thành đồng thời các kĩ năng nghe - nói - đọc - viết một cách vững chắc mà trò luôn được tham gia các hoạt động học tập một cách chủ động, tự tin. Từ đó, các em được được phát huy khả năng tư duy và năng lực tối ưu của mình. Học sinh không có sự nhầm lẫn âm vần, quy tắc chính tả”.

 

Thông tin năm học mới này 100% các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh triển khai dạy theo bộ sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, qua trao đổi cùng chúng tôi cán bộ quản lí và nhất là đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 các trường trên địa bàn tỉnh rất tâm đắc, hào hứng. “Với những ưu việt như vậy tôi tin chương trình công nghệ của GS Hồ Ngọc Đại sẽ không chết lần hai. Có như thế mới đáp ứng mong đợi và đi vào lòng dân. Bởi cách dạy của CGD không áp đặt chủ quan của người lớn mà học sinh được tư duy nhiều hơn trên các yêu cầu của cô. Với cách học này phát huy tính chủ động, tích cực của học sinh trong chiếm lĩnh tri thức”- cô Phan Thị Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đội Cấn T.P Thái Nguyên nói.