Từng bước thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục

11:03, 26/07/2015

Kết quả kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2015 đã được công bố. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công khai con số hàng chục nghìn thí sinh (TS) bị điểm liệt được giới chuyên gia và các nhà quản lý giáo dục ghi nhận như một sự chuyển động đáng mừng trong lộ trình đánh giá chất lượng, quyết tâm cải thiện chất lượng giáo dục theo hướng thực chất trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Hơn một tuần qua, việc công bố kết quả kỳ thi THPT Quốc gia đã được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là các em học sinh, các bậc phụ huynh có con tham dự kỳ thi này cùng giới chuyên gia, các nhà giáo dục, quản lý giáo dục trong cả nước. Về cơ bản, kết quả Kỳ thi không làm dư luận và những người trong ngành bất ngờ. Đây được cho là kết quả hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

 

Với 91,58% TS tốt nghiệp THPT, tỷ lệ này thấp hơn gần 8% so với năm 2014 và thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đây không phải là một "cú" sốc. Còn nhớ, năm đầu tiên thực hiện cuộc vận động "Hai không" - năm 2007, dư luận đã có một phen sốc nặng khi tỷ lệ tốt nghiệp trung bình của cả nước từ mức 94% tụt xuống còn 66%. "Bức tranh" điểm liệt được công bố công khai khẳng định sự dũng cảm của Ngành khi không còn vướng bận với căn bệnh thành tích. Việc công bố cụ thể số lượng TS được điểm 1 hoặc thấp hơn là tiếng chuông cảnh báo tình trạng học sinh lười học. Nếu thương mà giúp các em vượt qua thì thật đáng chê trách. Và nếu nhiều lần như thế thì chính chúng ta đang làm hại đến tương lai của thế hệ trẻ, đến sự phát triển của giáo dục và toàn xã hội.

 

Sau khi công bố điểm thi, có một thực tế một số TS có điểm thi thuộc khối để xét tuyển ĐH cao nhưng lại không đủ điều kiện xét tuyển. Ví dụ như, TS đạt khoảng 20 điểm đối với ba môn ngữ văn, sử và địa ở khối C, nhiều khả năng sẽ trúng tuyển khi đăng ký xét tuyển ĐH khối C, nhưng ở môn toán lại bị điểm liệt; và ngược lại, có TS lại đạt điểm cao 3 môn thi khối A, nhưng môn văn lại bị điểm liệt. Theo số liệu mà Bộ GD-ĐT công bố thì số TS lâm vào tình cảnh nói trên không phải là hiếm. Cụ thể, tỷ lệ tốt nghiệp tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì (dành cho những TS dự thi với hai mục đích là vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH) đạt mức 94,74%, đồng nghĩa với việc có trên 5% TS không đủ điều kiện tốt nghiệp THPT và cũng mất cơ hội xét tuyển ĐH.

 

Nhiều chuyên gia ngành giáo dục cho rằng: Kỳ thi đã cơ bản hoàn thành mục tiêu và tạo được niềm tin của người dân đối với quyết tâm đổi mới giáo dục. Việc đánh giá thực chất hơn về chất lượng chắc chắn sẽ góp phần tạo ra những chuyển động trong cách dạy và học trong những năm tiếp theo. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay chứng tỏ việc coi thi, chấm thi đã nghiêm túc hơn. Việc giao cho các trường ĐH chủ trì khâu coi thi ít nhiều đã làm cho kỳ thi khách quan hơn, phần nào ngăn ngừa việc các địa phương vì chạy theo thành tích mà buông lỏng kỷ luật. Tính cạnh tranh giữa các TS cũng cao hơn, ý thức làm bài tốt hơn, không xảy ra tình trạng gian lận tập thể.

 

Việc đánh giá thực chất sẽ dần loại trừ tình trạng học sinh lười học, chỉ trông chờ, ỷ lại vào thầy cô hoặc trợ giúp của các bạn khi đi thi. Những điều chỉnh trong cách ra đề thi được duy trì vài năm gần đây sẽ buộc các nhà trường phải xem xét, thay đổi cách dạy học, đánh giá theo hướng rèn tư duy, gắn các kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Phương pháp dạy ở các nhà trường đòi hỏi thay đổi theo hướng lấy việc tự học, phát triển tư duy của học sinh làm nền tảng, dạy những gì xã hội đang cần chứ không phải dạy theo kiểu học thuộc lòng, dập khuôn máy móc theo giáo trình sẵn có. Đó là hướng bồi dưỡng năng lực thật cho học sinh.

 

Kỳ thi "hai trong một" đã qua đi, tùy vào cách tiếp cận vấn đề của mỗi người để đưa ra đánh giá về mức độ thành công cũng như hạn chế. Song, vượt trên tất cả là từ Kỳ thi đặc biệt này, chúng ta có thêm căn cứ và động lực để quyết tâm theo đuổi mục tiêu đổi mới GD-ĐT theo Nghị quyết của Đảng, trước hết là đổi mới tư duy, phương pháp dạy và học.

 

 

Dự kiến ngày 1-8 sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng chất lượng đầu vào trên mạng internet và các phương tiện thông tin đại chúng. Trên cơ sở đó, từ ngày 1-8 đến 20-8, các trường đại học sẽ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu tiên. Đợt xét tuyển này rất quan trọng vì các trường sẽ tuyển hơn 70% chỉ tiêu. Phần lớn các trường đại học top đầu dành chỉ tiêu cho đợt xét tuyển đầu tiên này.