Tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm giữa giáo viên mầm non (MN) và tiểu học (TH) huyện Định Hóa về vấn đề chuyển tiếp học sinh MN lên cấp TH, chúng tôi nhận thấy đây là cách làm mới rất hiệu quả. Thông qua hội thảo này giúp giáo viên giữa 2 cấp học hiểu rõ đặc điểm của trẻ, có phối hợp tốt nhất, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp của trẻ.
Theo cô giáo Tô Thị Ninh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hóa thì: “Vấn đề chuyển tiếp trẻ MN lên TH đã được các trường đề cập trong vòng hơn chục năm nay, nhưng đến thời điểm này, thông qua sự hỗ trợ của Tổ chức Plan vấn đề đã được giải quyết cặn kẽ. Đối với huyện Định Hóa, từ năm 2012 đến nay, Tổ chức Plan đã hỗ trợ rất lớn từ việc xây dựng cơ sở vật chất, tặng đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo hướng đổi mới cho các nhà trường thuộc 5 xã: Tân Dương, Tân Thịnh, Lam Vỹ, Bảo Linh và Quy Kỳ. Plan cũng đã hỗ trợ các xã tổ chức các hội thảo giữa giáo viên 2 cấp học để cùng nhau chia sẻ những vấn đề mà trẻ phải đối mặt khi chuyển tiếp từ MN lên TH. Từ đó giáo viên của 2 cấp học dành nhiều thời gian thảo luận về vai trò của từng bên liên quan trong việc hỗ trợ trẻ chuyển tiếp từ MN lên TH, để các em có tâm thế tốt nhất khi bước vào lớp 1”. Đúng như những nhận định của cô Tô Thị Ninh, tại hội thảo này, các giáo viên khối MN và TH sôi nổi thảo luận và thống nhất đưa ra ba sự can thiệp chính để giúp giai đoạn chuyển tiếp của trẻ em hiệu quả hơn. Đó là tăng cường mối liên kết giữa trường MN và TH và các bậc phụ huynh học sinh. Tiếp đến là các nhà trường cần hỗ trợ các bậc cha mẹ những kỹ năng để họ chăm lo cho trẻ tốt hơn trong giai đoạn chuyển tiếp. Và ngay trong chương trình đào tạo giáo viên MN, TH của các trường đại học, cao đẳng cần đề xuất để đưa vấn đề chuyển tiếp trẻ MN lên TH một cách cụ thể hơn.
Ngoài Định Hóa, huyện Đại Từ cũng có 5 xã được hưởng lợi từ tổ chức Plan đó là Phúc Lương, Phú Lạc, Phú Thịnh, Na Mao và Cát Nê. Theo cô giáo Lương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường MN Phú Lạc: “Tôi đã tham dự nhiều cuộc hội thảo từ cấp xã đến cấp tỉnh về vấn đề này và thấy rằng đây là vấn đề rất thú vị. Tại Hội thảo, chúng tôi chia sẻ về những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải. Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm cách giải quyết những khó khăn này. Trên thực tế, chúng tôi cảm thấy có khoảng cách giữa trường MN và TH. Các giáo viên TH ít quan tâm tới việc các giáo viên MN dạy ra sao và trẻ đã học được gì ở trường MN để hỗ trợ tốt cho trẻ bước vào bậc học cao hơn. Theo tôi, đối với các lớp mẫu giáo 5 tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1 cần cho trẻ thăm quan trường TH, giới thiệu cho trẻ những hoạt động tổ chức ở trường để giúp các em tự tin và thoải mái. Đặc biệt là sự trao đổi lại giữa giáo viên MN với giáo viên TH về khả năng của từng trẻ để biết phát huy những mặt mạnh và hỗ trợ các cháu những khó khăn”.
Với cương vị là Trưởng phòng Giáo dục MN của Sở GD&ĐT, bà Nguyễn Minh Loan cho rằng: “Các Hội thảo do Sở GD&ĐT và các địa phương tổ chức là một chất xúc tác để lãnh đạo các nhà trường có sự phối hợp tốt hơn, đặc biệt đối với những vấn đề về giai đoạn chuyển tiếp của trẻ. Trường MN cần hiểu rõ trẻ được mong đợi gì khi các em chuyển tiếp lên trường TH. Trường MN có thể thực hiện các sáng kiến để giảm nhẹ quá trình thay đổi bằng cách từng bước giới thiệu đến trẻ những thay đổi sẽ diễn ra, lưu ý đến sự thoải mái của trẻ trong quá trình này, cho trẻ dần làm quen với môi trường TH. Ở trường TH mối quan hệ giữa thầy cô và trò rộng hơn, “dạy” nhiều hơn “dỗ”. Để trẻ tiếp cận nhanh thì các giáo viên TH, đặc biệt là giáo viên lớp 1, cần luôn sẵn sàng hỗ trợ trẻ làm quen với mọi thay đổi, ví dụ môi trường học mới và cách học chuyển từ học tập tình cờ sang học tập có chủ ý. Như vậy thì giáo viên lớp 1 cần biết kết hợp vai trò của người chăm sóc với vai trò của người giảng dạy. Bên cạnh đó, vai trò của gia đình đặc biệt quan trọng, vì thế các nhà trường cần hỗ trợ các bậc phụ huynh để họ hiểu rõ môi trường học tập của trẻ ở từng cấp học, từ đó có sự phối hợp để chăm sóc, giáo dục con tốt hơn ”.
Được biết, từ những thành công ban đầu ở các xã có Tổ chức Plan hỗ trợ trong việc tổ chức các hoạt động chuyên môn, trong đó có việc thực hiện chương trình chuyển tiếp học sinh MN lên TH của 2 huyện Đại Từ và Định Hóa, tới đây Phòng Giáo dục MN tiếp tục tham mưu cho Sở GD&ĐT mở rộng mô hình ra tất cả các huyện còn lại. Như vậy có thể khẳng định rằng từ bước tiến nhỏ này trong công tác chuyên môn đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho các em học sinh ngay từ bậc học đầu đời.