Cần có chế độ cho cô nuôi ở trường mầm non

08:45, 18/08/2015

Ở các trường mầm non, dạy là công việc của giáo viên, còn nuôi  phần lớn là do nhân viên cấp dưỡng (cô nuôi) đảm nhiệm. Nhiệm vụ của cô nuôi là phải đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ chất, năng lượng cho trẻ trong các bữa ăn tại trường. Thế nhưng, chế độ cho các cô nuôi hiện nay ở tỉnh ta vẫn còn bất cập...

Hiện nay, tỉnh ta có 739 cô nuôi thực hiện nhiệm vụ nấu ăn cho các cháu trong trường mầm non. Do chưa có chế độ chi trả lương từ Ngân sách Nhà nước nên hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã họp bàn, thống nhất với phụ huynh đóng góp tiền để trả thù lao cho đối tượng này. Bởi thế tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của người dân ở từng khu vực, các cô nuôi được chi trả thù lao ở mức từ hơn 1 triệu đến khoảng 2 triệu đồng/tháng. Đơn cử như Trường Mầm non thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) hiện có 12 nhóm, lớp với 493 cháu, tất cả đều ở bán trú. Để đảm bảo bữa ăn cho các cháu, Nhà trường đã tuyển 7 cô nuôi, đều là những người có bằng Trung cấp nấu ăn hoặc Trung cấp mầm non trở lên. Mức chi trả thù lao cho các cô là 1,8 triệu đồng/người/tháng, trích từ nguồn phụ huynh đóng góp.

 

Thực tế tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, công việc của các cô nuôi khá vất vả. Các cô nấu ăn từ 6-7 giờ sáng để đến 10 giờ 30 phút, các cháu trong trường có cơm ăn. Các cháu ăn xong, các cô lại tiếp tục lau chùi, dọn dẹp đến 12 giờ trưa mới được ăn cơm. Sau khi ăn xong, các cô nuôi lại tiếp tục chuẩn bị bữa ăn chính chiều và bữa ăn phụ cho các cháu vào lúc 14 giờ và 15 giờ. Mặc dù vất vả, bận rộn như vậy nhưng thu nhập của các cô nuôi còn rất thấp, chưa thể đủ trang trải cuộc sống. Cô nuôi Đường Thị Thiềm, ở Trường mầm non xã Phương Giao (Võ Nhai) cho biết: Với mức thù lao do Nhà trường thống nhất với phụ huynh chi trả cho tôi hiện nay là 1.150.000 đồng tháng, thực sự là quá thấp, trong khi quãng đường đi làm từ nhà tôi đến trường là10km. Ngoài thời gian nấu ăn cho các cháu ở trên trường, chúng tôi phải làm thêm việc khác để trang trải cuộc sống hằng ngày. Dẫu vậy, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực vượt khó khăn, hoàn thành tốt công việc ở Trường. Mong rằng, một ngày nào đó, Nhà nước sẽ có chế độ quan tâm thỏa đáng với công sức chúng tôi cống hiến...

 

Cô nuôi Lý Thị Hòa, ở Trường Mầm non Chợ Chu (Định Hóa) chia sẻ: Công việc của cô nuôi ở trường mầm non không hề đơn giản. Ngoài việc đảm bảo tuyệt đối an toàn thực phẩm, chúng tôi còn phải tính toán sao cho từng bữa ăn phải cung cấp đủ chất, đủ năng lượng cho các cháu. Mỗi bữa ăn phải có đủ bốn nhóm thực phẩm. Rồi còn phải tính đến màu, mùi của thực phẩm trong từng bữa ăn để kích thích các cháu ăn ngon miệng. Thế nhưng, hiện nay, việc chi trả thù lao cho chúng tôi còn rất thấp. Bởi vậy, ngoài thời gian nấu ăn cho các cháu, hầu hết cô nuôi ở Trường vẫn phải đi làm thêm việc khác để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hằng ngày.

 

Cô giáo Lường Thị Mơ, Hiệu trưởng Trường mầm non thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) cho biết: Nhà trường cũng đã có giải pháp linh hoạt bằng việc cho các cô thay nhau nghỉ ca chiều để làm việc khác kiếm thêm thu nhập, bởi ca chiều thường ít việc hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn động viên các cô bằng những món quà nhỏ trong các ngày lễ, Tết. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Còn lâu dài, Nhà nước cần có chính sách quan tâm đến đội ngũ này. Có như vậy, các cô mới tập trung vào công việc nấu ăn, phục vụ các cháu.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Loan, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho rằng: cô nuôi trong các trường mầm non có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, đối với bậc học mầm non. Thế nhưng, đội ngũ này hiện vẫn chưa nhận được chế độ quan tâm, đãi ngộ nào của Nhà nước. Thù lao của các cô hầu hết vẫn do các trường mầm non thống nhất với phụ huynh thực hiện tri trả với mức từ 1 triệu đến khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Do mức thù lao thấp như vậy, các cô chưa thể mang hết tâm sức phục vụ các cháu. Cùng với đó, các trường mầm non cũng không thể thu hút được những người có trình độ cao về nấu ăn về làm việc cho mình. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có kiến nghị với tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ xem xét có chế độ quan tâm thỏa đáng đến đội ngũ này.

 

Thiết nghĩ, để các cô nuôi trong trường mầm non có thể mang hết tâm sức của mình phục vụ các cháu, đã đến lúc Nhà nước cần có sự quan tâm thoả đáng đối với các cô.