Dư âm kỳ thi “2 trong 1”

10:18, 25/08/2015

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và đợt đầu xét tuyển sinh đại học, cao đẳng đã kết thúc trong nhiều luồng dư luận khác nhau. Dẫu vẫn còn “sạn” nhưng dấu ấn ban đầu của sự “đổi mới” theo tinh thần của Nghị quyết số 29, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn  bản và toàn diện giáo dục và đào tạo” đã có tác động mạnh và tích cực đến đời sống xã hội, nhất là tư duy về giáo dục.

 “Sạn” vì chưa quen

 

Đây là lần đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường. Điều này giải quyết được các yếu tố thuận và tiện lợi, tiết kiệm mà vẫn bảo đảm chất lượng, giảm tải áp lực thi cử cũng như tránh gây tốn kém cho xã hội. Ngay sau khi kỳ thi kết thúc, cũng có nhiều người lo lắng đặt ra các giả thiết như việc khả năng sẽ có thí sinh đỗ đại học nhưng trượt tốt nghiệp thì sẽ phải làm thế nào. Lo lắng này hoàn toàn có cơ sở, bởi tình trạng học lệch vẫn còn phổ biến trong các trường THPT, có thể có những thí sinh đạt điểm cao ở các môn đăng ký thi thêm để xét tuyển các tổ hợp môn thi vào trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) nhưng các môn thi để xét tốt nghiệp lại làm bài không tốt, bị điểm liệt. Tuy nhiên, cho dù ở bất cứ quốc gia nào, nền giáo dục nào thì vẫn cần có điều kiện muốn vào đại học phải có lượng kiến thức phổ thông làm nền, thể hiện ở điểm thi của các môn bắt buộc xét tốt nghiệp, nếu không đạt, đương nhiên thí sinh sẽ trượt tốt nghiệp và không được xét vào ĐH, CĐ. Nếu không nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề mang tính “cốt lõi” thì sẽ chỉ cần tiến hành thi ĐH, cần gì thi tốt nghiệp, và đương nhiên sẽ làm tình trạng học lệch trầm trọng hơn, học sinh sẽ chỉ học những môn xác định thi ĐH. Điều quan trọng của một học sinh là phải nắm được kiến thức cơ sở, kiến thức phổ thông. Và vì vậy, quy định thí sinh sẽ không được học ĐH nếu thi trượt tốt nghiệp hoàn toàn đúng đắn.

 

Trong đợt đầu nhận hồ sơ xét tuyển ĐH,CĐ, đã có nhiều “nghịch cảnh” khiến dư luận xã hội không khỏi bức xúc: Ùn tắc hồ sơ xét tuyển tại các trường ĐH, nhất là các trường top đầu; Việc rút, nộp hồ sơ xét tuyển của thí sinh tạo ra sự lộn xộn và gây nên làn sóng chạy theo tâm lý đám đông, gia đình mòn mỏi theo dõi thông tin, chạy ngược xuôi tìm cơ hội học tập tốt nhất cho con em; Nhiều thí sinh, gia đình tiếc nuối vì điểm cao nhưng vẫn không thể đỗ đại học hoặc không được học theo đúng nguyện vọng…Tất cả đều trở thành “sạn” và tạo những làn sóng bức xúc trong dư luận xã hội. Song khách quan nhìn nhận thì đó chỉ là những lỗi “kỹ thuật” trong hoạt động quản lý, vận hành chứ không thể phủ nhận những kết quả: Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho xã hội và giảm áp lực về thi cử.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

PGS,TS Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên chia sẻ: Quá trình vận hành quy chế thi mới chưa đồng bộ, nên tạo ra “sạn”, nhưng không thể phủ nhận những ưu điểm của kỳ thi mới này. Chúng ta nên nhìn lại và thử hỏi có bao nhiêu thí sinh đã đăng ký xét tuyển chọn ngành học vì điểm? Trong số những thí sinh rút hồ sơ có khi nào họ xác định được trước là mình đã có định hướng đúng đắn theo ngành nghề nhất định để rồi mới đăng ký xét tuyển? Rõ ràng Bộ đã và đang tạo điều kiện hết sức cho thí sinh, cho xã hội tự lựa chọn cho mình con đường học tập phù hợp nhất. Và kể cả tạo nhiều cơ hội học ĐH, CĐ cho thí sinh (với 16 cơ hội/thí sinh). Đồng quan điểm này, PGS, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng ban Đào tạo ĐHTN cho biết: Thực tế, những kỳ tuyển sinh năm trước của Đại học Thái Nguyên, ngay sau khi đăng ký dự thi đã có trên 30 nghìn thí sinh có nguyện vọng học tập tại đây, trong khi năm nay cả 20 ngày nhận hồ sơ xét tuyển đợt đầu chỉ có trên 10 nghìn hồ sơ. Theo quy chế mới, sau khi có tấm phiếu báo điểm trong tay, thấy điểm khá cao, lập tức thí sinh và gia đình đi đăng ký xét tuyển các trường top trên, tạo ra sự ùn tắc cục bộ và lộn xộn (Đề thi năm 2015 này có đến 70% kiến thức để xét tốt nghiệp THPT, 30% để xét vào học ĐH, CĐ). Điều này có thể khẳng định rất nhiều thí sinh và gia đình đã không có sự chuẩn bị lựa chọn đúng đắn ngành nghề trước khi tham gia xét tuyển, dẫn đến đẩy điểm xét tuyển mốt số trường lên cao hơn mọi năm. Và cũng phải thấy rằng rất đông thí sinh, gia đình vẫn ảo tưởng về sức học của con em mình, đến khi có thông tin không đủ điều kiện trúng tuyển mới lại đổ xô trở về các trường top sau. Chính vì vậy, có không ít thí sinh, gia đình đi rút, nộp hồ sơ xét tuyển 4-5 lần mà mỗi ngành đăng ký xét tuyển hoàn toàn không liên quan với nhau. Có lẽ đây sẽ là kinh nghiệm cho thí sinh, gia đình trong việc tham gia kỳ xét tuyển sau và có nhưng định hướng đúng đắn cho việc học tập và chọn nghề trong tương lai để không còn tình trạng “đứng núi này trông núi nọ”.

 

Hướng đến học gì thi đấy - thi gì học đấy

 

Quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Đảng về “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo” gồm có đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy, học, đánh giá, kiểm tra và thi cử. Chính vì vậy, với kỳ thi năm nay, có hai mệnh đề đồng thời: Học gì thi nấy, học thế nào thi thế đấy; Thi gì học nấy, thi thế nào học thế đấy.

 

"Học gì thi nấy" là câu mà thầy cô giáo phải trang bị cho học trò. Khi ra đề là ra những nội dung trong chương trình, trong phạm vi học sinh được học, không được đưa ra ngoài, đánh đố, không được lắt léo quá. Thầy cô giáo dạy học sinh bằng cách nào thì học sinh thi bằng cách đó.

 

Đối với học trò có mệnh đề: Tổ chức thi thế nào thì học thế nấy, tổ chức thi những gì thì học cái đấy. Hai mệnh đề này song hành, nên một mặt vừa đổi mới nội dung chương trình phương pháp, một mặt đổi mới thi để hỗ trợ đẩy mạnh đổi mới dạy và học.

 

Nhìn lại những thông số về điểm dự kiến trúng tuyển và lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển các trường trong ĐHTN phần nào có thể thấy được những vấn đề cần “đổi mới” của các trường: Lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 chỉ đạt gần 10.000/hơn 9.000 chỉ tiêu (thấp hơn lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 năm trước gần 30%); Các trường Đại học Khoa học, Công nghệ Thông tin và truyền thông, Khoa quốc tế, Ngoại ngữ… chỉ nhận được từ 60-70% hồ sơ đăng ký xét tuyển/chỉ tiêu; với các trường Y Dược, Sư phạm, Nông Lâm, Kỹ thuật Công nghiệp… có ngành tăng lên trên 50%, tỷ lệ chọi 1/3, 1/4 và điểm trúng tuyển cũng tăng theo từng ngày, khiến cho thí sinh điểm cao cũng chưa chắc xuất trúng tuyển đúng nguyện vọng; Lượng thí sinh từ các vùng khác trong cả nước tham gia đăng ký xét tuyển (sau khi trượt top trường trên) tăng lên 400-500.

 

Những con số này đang phản ánh vấn đề chất lượng đào tạo giữa các trường, các ngành trong đại học chưa đồng đều, chưa thật sự thu hút được người học và chưa đáp ứng được nhu cầu, kỳ vọng của xã hội. Chính vì vậy, có ngành, có trường đến giờ chót nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vẫn “mỏi mòn” trông đợi thí sinh. Ở chiều ngược lại, các ngành học, trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển thì phấn khởi thoải mái lựa chọn đầu vào chất lượng cao (theo thang điểm từ cao xuống thấp). Đồng ý với quan điểm: Đủ điều kiện thì trúng tuyển, nhưng không đủ điều kiện thì lại chẳng mấy thí sinh chấp nhận rớt để ôn tập, sang năm sau tiếp tục ứng thí theo đuổi mơ ước, nguyện vọng học nghề của mình mà lập tức thí sinh, gia đình rút hồ sơ chuyển trường khác, ngành khác. Học không đúng nguyện vọng nghề nghiệp tương lai thì mai sau tốt nghiệp ra để làm gì? Rất nhiều thí sinh và cả phụ huynh không ngần ngại trả lời: Cứ vào học đại học đã, vào để nhận chỗ, sang năm có thể bỏ học đi thi tiếp cho thỏa mãn nguyện vọng! Sự lãng phí và cả xa xỉ của họ đã gây lãng phí cho xã hội và lấy mất đi cơ hội cho những nguyện vọng chính đáng khi số điểm của những thí sinh trước đó đã đủ điều kiện trúng tuyển. Chính vì vậy đã có chuyện thí sinh đạt 21 điểm (3 môn thi) có nguyện vọng học ĐH Sư phạm tiểu học, nộp hồ sơ và an tâm trúng tuyển trong 15 ngày, đến giờ chót đã bị rớt khi các thí sinh có điểm số cao hơn, rớt trường top trên chuyển hồ sơ về ĐH Sư phạm tiểu học tham gia xét tuyển. Chớ trêu hơn có những hồ sơ điểm thực chất chỉ được 19, 20 nhưng được cộng thêm 2,5-3 điểm ưu tiên nên đã chiếm ưu thế. Đến đây có lẽ dư luận sẽ tiếp tục phản ứng xung quanh vấn đề vận hành chế độ, chính sách tuyển sinh và phân vùng, thứ hạng trong tuyển sinh sao cho thật công bằng và đúng, trúng nhu cầu của xã hội đang đặt ra.