Tuyển sinh Đại học Thái Nguyên 2015: Nhiều cơ hội nhưng khó lường

13:00, 08/08/2015

Mặc dù đã qua 1 tuần tiếp nhận hồ sơ xét tuyển sinh vào Đại học Thái Nguyên (ĐHTN), nhưng số lượng hồ sơ thực tế các trường mới chỉ nhận được khoảng 3.000/ gần 10.000 chỉ tiêu. Tâm lý thí sinh vẫn trong trạng thái nghe ngóng, thậm chí phân tán “đứng núi này trông núi nọ”, nên các trường rất khó lường trước những diễn biến trong đợt 1 tuyển sinh năm nay.

Đến hết ngày 7-8, Hội đồng tuyển sinh Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đã tiếp nhận được hồ sơ có điểm số cao nhất 27 điểm (gồm 3 môn Toán, Hóa học, Sinh học, chưa có điểm cộng ưu tiên) của thí sinh Phùng Mạnh Tuấn, tỉnh Hưng Yên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 tại Cụm thi Đại học Y Thái Bình. Kế đó là trên 100 hồ sơ có điểm số từ 27 điểm trở xuống đến 24 điểm, trong tổng số gần 600 hồ sơ đã tiếp nhận/790 chỉ tiêu tuyển sinh của Trường. Đây là trường có tỷ lệ hồ sơ tham gia xét tuyển cao nhất so với chỉ tiêu trong số các trường, khoa thành viên của ĐHTN đến thời điểm 7-8. Các trường có tỷ lệ thí sinh nộp hồ sơ tham gia xét tuyển cao như: Trường Đại học Sư phạm thu được gần 1.300 hồ sơ/1.646 chỉ tiêu, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên thu được trên 1.200 hồ sơ/1.780 chỉ tiêu. Các trường còn lại mới chỉ nhận được trên 600 hồ sơ. Về điểm tham gia xét tuyển, đến thời điểm hiện tại hầu hết các hồ sơ đều có điểm số cao hơn điểm điều kiện tham gia xét tuyển từ 1- 2 điểm (chưa có điểm cộng các ưu tiên).

 

Có nhiều lý do khiến mức độ tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh chưa đạt cao, song nhận định chung của các trường là thí sinh còn tham khảo. Ông Lê Văn Thọ, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, Trường đã nhận được hồ sơ xét tuyển của thí sinh Nguyễn Văn Huỳnh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 tại cụm thi Đại học Thái Nguyên có điểm dự tuyển cao nhất đến hết ngày 7-8 là 24 (chưa có điểm ưu tiên), tổ hợp khối A (Toán, Lý, Hoá), cao hơn điểm điều kiện nộp hồ sơ tham gia xét tuyển 9 điểm. Tuy nhiên, ông Thọ cũng cho biết thêm: Trong những ngày qua, bộ phận tiếp nhận hồ sơ chủ yếu nhận điện thoại từ các nơi gọi về hỏi thăm, tham khảo và nắm bắt tình hình cơ hội trúng tuyển, nên công tác thu nhận hồ sơ xét tuyển và tư vấn tuyển sinh khá trầm lắng.

 

Sự do dự, trầm lắng trong việc nộp hồ sơ xét tuyển tại các trường thuộc ĐHTN phần nào đang phản ánh một thực tế là thí sinh chưa thực sự quyết tâm lựa chọn trường và còn trông đợi tìm kiếm những cơ hội khác hoặc top các trường, ngành học có nhiều lợi thế tìm việc làm sau này. Chính tình trạng này dễ phát sinh số lượng thí sinh ảo tăng lên, nhất là đối với ĐHTN, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký tối đa 4 nguyện vọng trong các trường thành viên. Ở nguyện vọng 1, thí sinh chỉ được sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi dùng để đăng ký xét tuyển vào 1 trường đại học hoặc cao đẳng, mỗi trường thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng vào các ngành xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4 và có giá trị xét tuyển như nhau; thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trước thì không được xét tiếp các nguyện vọng sau… Đối với nguyện vọng bổ sung, thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi và có thể dùng đồng thời 3 giấy này để đăng ký tối đa vào 3 trường; trong mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

 

Theo ông Phạm Đình Cường, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên: Nếu các trường xét tuyển nguyện vọng 1 đủ chỉ tiêu thì sẽ không xảy ra tình trạng thí sinh "ảo", nhưng trước quá nhiều lựa chọn và cơ chế “mở” trong xét tuyển năm nay thì sẽ có nhiều thí sinh ảo. Đặc biệt, đối với nguyện vọng bổ sung sẽ khó tránh tình trạng "ảo", bởi thí sinh có thể dùng đồng thời 3 giấy chứng nhận kết quả thi đăng ký vào 3 trường ĐH hoặc CĐ; mỗi trường, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Một số trường xét tuyển cả kết quả học tập qua học bạ của thí sinh sau khi đã tốt nghiệp THPT. Như vậy sẽ có thí sinh dùng cả kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và dùng học bạ tham gia xét tuyển. Bên cạnh đó, tâm lý của thí sinh khi tham gia xét tuyển là “quăng chài, thả lưới”, nếu nộp hồ sơ vào nhiều ngành của một trường hoặc nhiều trường khác nhau, cơ hội trúng tuyển sẽ cao.



Tổng hợp đề speaking ielts