Tuyển sinh Đại học Thái Nguyên năm 2015: Kịch tính đến giờ chót

17:17, 20/08/2015

Càng gần đến thời hạn kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1, điểm chuẩn xét tuyển liên tục thay đổi và thứ tự xếp hạng của thí sinh cũng thay đổi từng giờ. Lo lắng, hồi hộp và toan tính khiến thí sinh, phụ huynh như lạc vào “ma trận”.

Điểm cao ồ ạt đăng ký xét tuyển

 

Ngay trước thời hạn kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển (20-8-2015), liên tục các trường  tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển với điểm số cao hơn so với điểm điều kiện nộp hồ sơ (điểm sàn) từ 2-3 điểm. Trong số hơn 2.000 hồ sơ thí sinh đến nộp tại các trường của Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) từ ngày 17 đến 20-8, có trên 90% điểm số vượt sàn từ 2-3 điểm. Như vậy đồng nghĩa với việc thay đổi trật tự thứ tự xếp hạng cảu các thí sinh và điểm chuẩn dự kiến trong đợt 1 xét tuyển cũng có nhiều thay đổi. Thí sinh Lê Lan Thảo đến từ tỉnh Vĩnh Phúc đã rút hồ sơ xét tuyển từ Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) 2 Hà Nội để tham gia xét tuyển ngành Tiểu học với tổ hợp Toán, Văn, Anh, có số điểm là 20,5. Em cho biết: Ngay sau khi có kết quả chấm thi, ngày 3-8, em đã đến Trường ĐHSP 2 Hà Nội nộp đăng ký xét tuyển và trong gần 8 ngày, thứ tự xếp hạng của em chỉ từ thứ 50 xuống đến 70, trong khi chỉ tiêu của trường này tuyển là 200. Phấn khởi và an tâm, Thảo đã cùng gia đình đi nghỉ mát gần 1 tuần, khi quay về, thứ hạng đã bị đẩy xuống 250 trong tổng số trên 500 hồ sơ tham gia xét tuyển. Quá lo lắng và hoảng hốt khi bản thân chính thức bị loại, gia đình đã lập tức đưa em đi rút hồ sơ để về Trường ĐHSP Thái Nguyên đăng ký xét tuyển ngay trong ngày 17-8. Ban đầu gia đình khá an tâm với các thông tin công bố cập nhật qua mạng ngay tại bộ phận tuyển sinh của Trường, vì điểm số của Thảo đứng thứ hạng 60, trong tổng số 140 chỉ tiêu. Mặc dù vậy, gần như không ngày nào Thảo và gia đình rời khỏi bảng máy tính tại Trường.

 

Ông Lê Minh Hữu, phụ huynh của Thảo ngao ngán: “Bây giờ thứ hạng của cháu Tháo đã bị đẩy xuống gần 100, nếu cứ đà này sau 16 giờ, tôi xin rút hồ sơ để về quê cho cháu học cao đẳng vậy. Mấy ngày qua, gia đình mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng dán mắt vào máy tính tìm thông tin và cơ hội trúng tuyển đại học”. Theo PGS,TS Nguyễn Phúc Chỉnh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH SP Thái Nguyên  cho biết: Điểm trúng tuyển dự kiến của Trường là: Ngành sư phạm Toán  trên 20 điểm, sư phạm Văn trên 19, sư phạm tiếng Anh trên 19, mầm non trên 25, tiểu học trên 21 điểm…, tăng so với điểm điều kiện nộp hồ sơ là 2-3 điểm. Đặc biệt lượng hồ sơ đều tăng gấp 2 lần so với chỉ tiêu. Nguyên nhân số lượng hồ sơ tăng mạnh những ngày cuối vì thí sinh theo dõi không đủ điều kiện trúng tuyển, các trường top trên nên chủ động rút và xét tuyển tại ĐHTN. Trong số gần 1.000 hồ sơ mới nộp từ ngày 15 đến 20-8, có trên 60% thí sinh đến từ các tỉnh không thuộc hội đồng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015 của cụm ĐHTN. Chủ yếu hồ sơ thuộc các tỉnh đồng bằng, cụm Hà Nội, Hải Phòng…

 

Tương tự như Trường ĐHSP Thái Nguyên, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên cũng nhận được gần 2.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong đó có 40% hồ sơ từ các vùng khác (ngoài cụm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2015) xin đăng ký xét tuyển. Hầu hết các ngành học đều nhận được lượng hồ sơ cao hơn chỉ tiêu từ 50 đến 200; cá biệt các ngành Y đa khoa, Dược có lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển, như Y đa khoa là trên 1.000/400 chỉ tiêu; Dược là 1.200/200 chỉ tiêu. Như vậy điểm dự kiến trúng tuyển cũng tăng theo từng ngày theo lượng hồ sơ và điểm số đăng ký xét tuyển. Mức điểm trúng tuyển ban đầu ngành Y đa khoa dự kiến 24, nhưng nay đã tăng lên trên 25 điểm. Cá biệt trong các ngày từ 17 đến 20-8, có gần 100 hồ sơ điểm tham gia xét tuyển từ 25-26. Như vậy, mức điểm chuẩn cũng sẽ tăng lên hơn dự kiến khi các thí sinh đưa ra các điểm cộng ưu tiên.

 

Trĩu nặng âu lo, phiền muộn

 

Điểm cao chưa chắc suất có vào đại học đúng nguyện vọng, đó là nhận định chung của đa số phụ huynh học sinh khi trực tiếp đến các trường nộp hồ sơ xét tuyển. Bà Đào Thị Lan, đến từ thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Con tôi thi khối D được 21,5 điểm và đăng ký xét tuyển vào ngành học Mầm non, nhưng sau 3 lần lên Thái Nguyên rút, nộp hồ sơ, tôi thấy quá mệt mỏi và đang tính chuyển ngành học cho cháu, hoặc rút về Quảng Ninh học cao đẳng. Ngay sau ngày 1-8, gia đình phải thuê nguyên một chuyến thuyền vượt lũ để bắt xe khách đi nộp hồ sơ. Ban đầu mức điểm này tại Hà Nội là khá an tâm, nhưng ngặt nỗi, theo quy định của Bộ, cứ 3 ngày mới cập nhật được thông tin về lượng hồ sơ và thứ hạng, trong khi mạng liên tục nghẽn. Tôi lại lên Hà Nội xem cụ thể thì biết không đủ cơ hội, nên quyết định rút về ĐHSP Thái Nguyên. Rút hồ sơ, đồng nghĩa xóa tên, nhập mới thì sau 3 ngày mới có tên công bố trên mạng, như vậy có một khoảng thời gian hơn 3 ngày không biết danh sách con mình đang ở đâu và thứ hạng cũng sẽ thay đổi rất nhiều, nếu được cập nhật từng ngày thì biết để mà tính toán, lo liệu cho an tâm. Chưa hết khổ vì mỏi mòn ngóng trông thì đến ngày 18-8, đến Trường ĐHSP xem hồ sơ của con mới hoảng hốt khi điểm số của các thí sinh đến nộp sau cao hơn của con mình từ 3-4 điểm vì các cháu được cộng điểm ưu tiên, còn con mình thì chỉ được cộng 0,5 điểm ưu tiên.

 

Còn ông Phạm Văn Thức, đến từ tỉnh Thái Bình cho biết: Qua theo dõi ngành học Mầm non của ĐHSP Thái Nguyên năm nay tôi thấy lượng hồ sơ quá nhiều (gần 500/140 chỉ tiêu), trong đó ưu tiên chọn 75% xét theo tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ, còn lại chỉ tiêu dành cho tổ hợp các môn khác. Nhưng điều bất hợp lý ở chỗ, môn Ngoại ngữ của con tôi được 8 điểm trong tổng 22 điểm và chỉ có 0,5 điểm ưu tiên, về lý thuyết thì tạm ổn, nhưng các tổ hợp khác dù chỉ tiêu theo công bố chỉ lấy 25% nhưng khi xét tuyển lại lấy điểm từ cao xuống thấp. Với các thí sinh có điểm ưu tiên cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện học tập ngoại ngữ tốt bằng vùng thành phố lại dùng tổ hợp khác xét tuyển, cộng với các điểm ưu tiên sẽ chiếm ưu thế hơn các cháu có hoàn cảnh như con tôi. Thực tế con số ưu tiên xét tuyển 75% khối D nhưng lại lấy từ cao xuống thấp thì chúng tôi không thể biết bao nhiêu điểm mới đỗ, rất có thể các tổ hợp khác có điểm số cao hơn sẽ được trúng tuyển và như vậy chỉ tiêu 75% ưu tiên cho khối D cũng không có gì chính xác.   

 

Đẩy các trường vào thế bị động

 

Đó là nhận xét chung của các trường đại học khi được hỏi nói về những thay đổi của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi năm nay. PGS,TS Mai Xuân Trường, Trường ĐHSP Thái Nguyên dẫn ví dụ: Ngày 16-8, Bộ yêu cầu các trường công bố điểm chuẩn dự kiến; điều này sẽ dẫn đến việc sau 17-8, sẽ lại có một làn sóng thí sinh, gia đình rầm rập nhao đi chỗ nọ, chỗ kia rút hồ sơ để nộp chỗ khác,hoặc đảo nguyện vọng trong một trường, hoặc nộp vào trường mới. Tất cả sẽ tạo nên một sự hỗn độn mới trong các ngày 18-20/8. Đây chính là vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách dường như đã không lường trước.

 

Còn Tiến sĩ Nguyễn Văn Tảo, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên cho rằng: Nếu tiếp tục tuyển sinh như năm nay sẽ tạo ra sự lộn xộn trong quản lý và gây bức xúc trong xã hội. Mỗi thí sinh có đến 16 cơ hội trúng tuyển, trong đợt đầu có đến 4 nguyện vọng thì sẽ có rất nhiều thí sinh ảo. Một thí sinh sẽ có thể có tên tham gia xét tuyển ở 4 trường. Chưa kể các trường được tuyển sinh theo diện xét kết quả học tập qua học bạ, mỗi thí sinh có thể photo ra hàng chục bộ hồ sơ và gửi khắp nơi đăng ký xét tuyển, như vậy mức độ thí sinh ảo sẽ tăng rất nhiều, không kiểm soát được. Chính cách làm này đã khiến các trường cũng mòn mỏi trông đợi thí sinh khi chưa biết thật và ảo như thế nào trong lúc xét duyệt hồ sơ.