Xây dựng trường chuẩn Quốc gia ở Phổ Yên

16:20, 08/08/2015

Những năm qua, Phổ Yên luôn là đơn vị có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đứng đầu các huyện, thành của tỉnh. Cùng với đó, chất lượng từng tiêu chuẩn cũng không ngừng được nâng lên, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Phổ Yên có mạng lưới trường lớp hoàn chỉnh từ bậc Mầm non, tiểu học đến THCS. Toàn Thị xã có 71 trường, trong đó: Mầm non: 26 trường, tiểu học: 28 trường, THCS: 17 trường. Xác định, xây dựng trường chuẩn Quốc gia là mục tiêu nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc Thị xã, trong những năm qua, Thị xã đã thực hiện tốt công tác này, tập trung vào 5 tiêu chí cụ thể là: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục và cơ sở vật chất, trang, thiết bị trường học. Đồng chí Nguyễn Thị Lượng, Phó Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo Thị xã cho biết: Với vai trò là cơ quan tham mưu, đồng thời là lực lượng chủ công trong việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường chuẩn, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho Thị ủy, HĐND, UBND Thị xã ký kết thực hiện Đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời thành lập Ban tư vấn xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia trong những năm qua đã được Thị xã đặc biệt quan tâm, thể hiện trong nghị quyết thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thị xã, việc xây dựng trường chuẩn Quốc gia được đặt trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm của Thị xã, được ưu tiên bên cạnh các chương trình đầu tư  phát triển đảm bảo an sinh xã hội như: Điện lưới quốc gia, đường giao thông nông thôn, trường học, trạm y tế…

 

Bám sát các tiêu chí về trường chuẩn, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo các trường tự rà soát, đối chiếu từng chuẩn nhằm duy trì kết quả đề nghị công nhận và công nhận lại. Đối với tiêu chí về cơ sở hạ tầng, ngành Giáo dục đã tham mưu với UBND Thị xã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn của mỗi vùng, miền. Từ đó, phát huy lợi thế của từng địa phương trong việc xây dựng trường chuẩn, khơi dậy phong trào xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở các địa phương, nâng cao trách nhiệm của các địa phương, các tổ chức, cá nhân đối với công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia, coi đây là nhiệm vụ không phải riêng ngành Giáo dục mà là của toàn xã hội. Trong việc thực hiện Đề án xây dựng trường chuẩn, nhiều địa phương đã có sự linh hoạt trong việc mở rộng diện tích đất đai cho nhà trường, đảm bảo quy chuẩn về diện tích.

 

Cô giáo Đặng Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non Ba Hàng cho biết: Trước đây, Trường nằm ở tiểu khu 4, có diện tích rộng 660m2, không đủ phòng học cho trẻ, nên không đủ tiêu chuẩn theo quy định về trường chuẩn Quốc gia. Năm 2013, Trường được quy hoạch sang khu mới tại tổ dân phố 1 với tổng diện tích rộng trên 2.600m2, đồng thời được đầu tư 1 dãy phòng học 2 tầng, 1 dãy nhà cấp 4 với đầy đủ nhà hiệu bộ, phòng chức năng, khu vui chơi cho trẻ với tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng. Nhờ đó, đến năm 2014, Trường đã được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, tạo môi trường, điều kiện tốt để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục cho khoảng 300 trẻ là con em trong phường.
 

Để huy động các nguồn lực cùng tham gia đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, trong những năm qua, các trường cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị và đồ dùng dạy học, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn trường chuẩn Quốc gia, đảm bảo tiến độ xây dựng trường học được công nhận mới và công nhận lại trường đạt chuẩn theo kế hoạch của trường, địa phương và Thị xã.

 

Chúng tôi đến thăm Trường THCS Tân Phú - ngôi trường có bề dày lịch sử 63 năm và năm học 2015-2016 là năm thứ 4 Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Thầy giáo Ngô Thượng Cường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường ở khu vực nông thôn, 100% học sinh đều là con em nông dân, nên việc thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục cũng không mấy dễ dàng. Tuy nhiên, bằng cách Nhà tr­ường đã tích cực chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội ở địa phương đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện chủ trương và kế hoạch phát triển giáo dục một cách vững chắc. Nhờ đó, từ năm 2008 đến năm 2012, Trường đã huy động được gần 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học và được công nhận đạt chuẩn. Trong những năm gần đây cũng nhờ nguồn xã hội hóa này, nhà trường tiếp tục sửa chữa, nâng cấp để duy trì giữ vững chỉ tiêu trường chuẩn.

 

Tính đến nay, toàn Thị xã có 70/71 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia, đạt 99%. Trong đó: Cấp học tiểu học có 28/28 trường; cấp học THCS: 17/17 đạt 100%; riêng cấp học mầm non có 25/26, đạt 96,2%.  Hiện nay, trường mầm non còn lại đang hoàn tất hồ sơ, dự kiến sẽ được công nhận đạt chuẩn Quốc gia vào trung tuần tháng 8, nâng tỷ lệ số trường đạt chuẩn của toàn Thị xã lên 100%, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn.