Kết quả hai đợt xét tuyển đại học vừa qua đã khiến không ít thí sinh (TS) ngỡ ngàng và bức xúc. Nhiều TS và phụ huynh không đạt được nguyện vọng trong sự tiếc nuối, cho rằng: Việc cộng quá nhiều điểm ưu tiên dẫn đến tình trạng thiếu công bằng, nhiều TS đạt điểm trung bình nhưng có điểm ưu tiên cao vẫn vào được các trường, ngành học tốp trên, còn người đạt điểm khá nhưng lại không có hoặc có ít điểm ưu tiên thì có thể trượt đại học.
Chị Vũ Vân Hà từ thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đưa con gái là Phan Thị Linh đến làm thủ tục xét tuyển vào ngành tiểu học Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, với mức điểm 20,5 điểm cho 3 môn (Toán, Văn, Lý) nhưng không đỗ, phải chuyển sang xét tuyển theo tổ hợp môn khác và ngành khác, trái với nguyện vọng của cháu Linh và gia đình. Chị Hà bức xúc: “Nếu xem kỹ toàn bộ số TS trúng tuyển, phải có đến gần 80% được cộng điểm ưu tiên từ 1-3 điểm, nhất là điểm ưu tiên khu vực. Chính điều này đã khiến các TS ở thành phố như con tôi (không có điểm ưu tiên) đành chấp nhận bị loại. Thực chất khi chưa cộng điểm ưu tiên, điểm thi của các bạn trúng tuyển chỉ đạt 18-19 điểm…”.
Cùng cảnh như chị Hà, anh Nguyễn Văn Toàn ở thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đưa con đến nộp hồ sơ dự xét tuyển ngành tiểu học khối D01 (Toán, Văn, Anh) chia sẻ: “Cháu nhà tôi thi đạt 17,5 điểm, cộng thêm 0,5 điểm ưu tiên khu vực thì vẫn thiếu 0,25 điểm mới đỗ. Nhưng nhiều bạn trúng tuyển điểm thực chỉ có 16-17 điểm, nhất là môn tiếng Anh chỉ đạt 4-5 điểm, trong khi con tôi tiếng Anh đạt 8 điểm, mà khối D01 lại được ưu tiên xét tuyển vào học ngành tiểu học đến 70%. Không lẽ cộng điểm ưu tiên khu vực lại cào bằng cả điểm kiến thức thực sự? Điều mà ai cũng nhận thấy là điều kiện học tập, năng lực tiếng Anh của học sinh ở các tỉnh miền núi, nông thôn không thể bằng khu vực thành phố. Nhưng cách cộng điểm ưu tiên này đã cào bằng tất cả. Đành rằng chính sách cộng điểm ưu tiên là đúng, nhưng thử hỏi nếu một lớp học có đến 80% sinh viên là diện được cộng điểm ưu tiên khu vực thì khác gì lớp học dành cho các đối tượng ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số?”.
Em Nguyễn Thanh Bình, đến từ tỉnh Hải Dương, tham gia xét tuyển vào ngành Y đa khoa (Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên) với tổng điểm đạt 24,5 (gồm 3 môn Toán, Hóa, Sinh, trong đó môn Hóa đạt điểm 9), cũng khá bức xúc khi thấy có nhiều bạn được cộng điểm ưu tiên từ 2-4 điểm. TS này cho biết: “Nhiều bạn thi được 23-24 điểm, nhưng cộng điểm ưu tiên lại thành 26-27 điểm, trong khi điểm chuẩn là 25,25”. Bình tâm sự: "Để vào được đại học phải có sự cạnh tranh. Điểm thi của em cao hơn nhưng khi xét tuyển lại bị thấp hơn các bạn được cộng điểm ưu tiên, khiến cơ hội đỗ vào trường em yêu thích trở nên mong manh ". Em cho biết thêm, khi theo dõi bảng tổng hợp đăng ký xét tuyển đại học của Trường Đại học Y - Dược, thấy hầu hết các TS được cộng điểm ưu tiên cao tham gia xét tuyển và cơ hội trúng tuyển rất cao, khiến những TS khác không phục…
TS Lê Phương Thảo đến từ tỉnh Quảng Ninh thì chia sẻ: “Nhiều bạn đạt điểm thi trung bình nhưng điểm cộng ưu tiên lại cao sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn các bạn đạt điểm thi khá mà không được cộng điểm ưu tiên. Bản thân em dù đạt điểm thi cao nhưng đang bị xếp hạng bằng người có điểm thi kém mình đến 3 điểm nhưng lại được cộng điểm ưu tiên. Trong thi cử, hơn kém nhau 0,25 điểm đã là câu chuyện của người đỗ và người trượt. Đằng này, có bạn được cộng điểm ưu tiên từ 2 đến 3 điểm, như vậy có công bằng?".
Được biết, năm nay Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên tuyển sinh trên 400 chỉ tiêu đào tạo bác sĩ đa khoa, trong đó có đến 86% thuộc diện được cộng điểm ưu tiên khu vực và các ưu tiên cao hơn, chỉ có 7 TS trúng tuyển không có điểm cộng ưu tiên (chiếm 1,75%). Trong số gần 1.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển không đỗ ngành Y đa khoa năm 2015, chắc chắn sẽ có nhiều TS phải ngậm ngùi tiếc nuối vì thiếu điểm ưu tiên. Chính sách cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là cần thiết, nhưng từ thực tế cho thấy vẫn còn những hạn chế trong các quy định có phần “cứng nhắc” và “máy móc” khi thực hiện chính sách này, trong khi cơ chế tự chủ trong đào tạo tại các trường đại học đang được ngành Giáo dục - Đào tạo triển khai sâu rộng. Nếu như việc thực hiện chính sách không công bằng sẽ dẫn đến tình trạng ưu tiên cho một vài đối tượng bằng cách tước đi cơ hội của những người xứng đáng hơn, từ đó vô hình chung lại làm hại cả hai...
Chính sách ưu tiên cho các TS là con em gia đình chính sách hoặc ở vùng nghèo khó là cần thiết, nhưng có thể ưu tiên bằng cách không thu học phí, ưu tiên về chỗ ở, ưu tiên phân công công tác khi ra trường… Còn về việc ưu tiên cộng điểm khi xét tuyển vào đại học có lẽ chưa thật sự chuẩn với thang bậc của tri thức. Điều đó có thể thấy rõ từ kết quả xét tuyển của Trường Đại học Y Hà Nội: Có TS thi đạt 29,75 điểm nhưng chỉ đứng thứ 9, xếp sau các TS có điểm thi là 24,75 nhưng lại được cộng điểm ưu tiên thành 31,25 điểm. Thử hỏi ai thực sự giỏi hơn trong khi điểm thi chỉ chênh nhau từ 0,5 đến 1 điểm đã là khác nhau lắm. Và như vậy sẽ có không ít TS giỏi bị các TS khác (không giỏi bằng) đánh bật ra.
Xung quanh vấn đề thực hiện chính sách cộng điểm ưu tiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Song thiết nghĩ, trong đào tạo nhân lực cần thực hiện theo quy hoạch và phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh theo các nhóm ngành nghề cho từng vùng cụ thể để TS các vùng tự phân loại khi tham gia xét tuyển. Bên cạnh đó cần sắp xếp theo nhóm đấu loại để các nhóm ưu tiên và không có ưu tiên không bị xung đột về lợi ích, đồng thời bảo đảm tính cân đối về cơ cấu vùng, miền và chính sách ưu tiên trong một khóa đào tạo hay một lớp học.