Đổi mới sinh hoạt chuyên môn ngành học mầm non

11:01, 11/09/2015

Trực tiếp ngồi dự buổi sinh hoạt chuyên môn của Trường Mầm non xã Phú Thịnh (Đại Từ) về một số biện pháp gây hứng thú cho trẻ 5 tuổi tham gia vào các trò chơi vận động qua hoạt động giáo dục thể chất, chúng tôi nhận thấy các cô giáo đã có nhiều sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.

Mở đầu buổi sinh hoạt, các cô giáo cùng xem lại 1 clip quay giờ học của trẻ. Giờ học này chính là hoạt động tham gia của trẻ vào các trò chơi. Sau khi kết thúc clip, từng cô giáo phát biểu nhận xét về cách thức tổ chức giờ học, sự chuẩn bị của giáo viên trong việc sưu tầm các bài thơ, bài hát phù hợp lồng ghép vào các trò chơi tạo sự hào hứng tham gia của trẻ. Cách thức cô giáo làm mẫu cho trẻ quan sát sau đó tổ chức cho trẻ chơi và đưa yếu tố thi đua để trẻ tích cực tham gia. Theo như chia sẻ tại buổi sinh hoạt chuyên môn này, thì giáo viên tổ chức tiết học đã rất chú ý đến việc tổ chức xây dựng các trò chơi vận động phù hợp với tình hình của lớp cũng như yêu cầu độ tuổi. Trò chơi này đã thu hút 100% trẻ hứng thú tham gia, đem lại hiệu quả cao.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, cô giáo Trần Thu Mến - người thực hiện sáng kiến này cho biết thêm: Phú Thịnh là 1 trong những trường được tổ chức Plan hỗ trợ đầu tư về cơ sở vật chất và đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở đây không phải là đổi mới hoàn toàn, mà dựa trên nền tảng của bậc học này. Nếu như trước đây giáo viên thường dự giờ của nhau, sau đó nhận xét nêu ưu điểm, tồn tại, góp ý cho nhau về giờ dạy đó thì giờ đây tại mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn như thế này, các giáo viên tự đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm đã thực hiện (như quay lại giờ học), các giáo viên khác xem clip, quan sát trẻ trong giờ học, từ đó cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để tổ chức giờ học hiệu quả nhất. Mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tháng, chúng tôi đều có những nội dung, cách làm mới bám sát chuyên đề trọng tâm của năm học để nâng cao hiệu quả tổ chức các hoạt động dạy và học trong trường mầm non.

 

Theo đồng chí Hà Thị Lan, chuyên viên mầm non, Phòng Giáo dục huyện Đại Từ: Đổi mới sinh hoạt chuyên môn là hoạt động trọng tâm của ngành học mầm non nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, mỗi cán bộ, giáo viên có thể chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm từ thực tiễn giảng dạy để hội đồng sư phạm cùng tìm ra những ưu điểm của các phương pháp để phát huy. Trong những năm qua, Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Đại Từ đã chỉ đạo các trường mầm non tích cực đổi mới hoạt động dạy và học; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhờ thực hiện tốt việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn, đã từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Hiện nay, 100% nhóm lớp đã thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Qua đánh giá, tỷ lệ trẻ chuyên cần đạt 96%; tỷ lệ trẻ phát triển đạt yêu cầu là 95,8%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng ở độ tuổi nhà trẻ (2,8%), suy dinh dưỡng ở độ tuổi mẫu giáo (4,1%). Để có được kết quả đó, các trường đã tập trung xây dựng khuôn viên các trường học khang trang sạch đẹp, môi trường gần gũi, thân thiện, bảo đảm các điều kiện cho việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Hiện nay, tỷ lệ trẻ bán trú tại trường và học 2 buổi/ngày đạt 100%.

 

Thực tế tại một số trường mầm non trên địa bàn tỉnh chúng tôi nhận thấy các nhà trường đều xây dựng kế hoạch và tổ chức hiệu quả hoạt động đổi mới sinh hoạt chuyên môn. Cụ thể đối với chuyên đề “Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non”, các trường mầm non đã xây dựng được góc chơi vận động cho trẻ trong và ngoài sân trường, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hoạt động giáo dục phát triển vận động cho trẻ. Bên cạnh đó, các nhà trường, các phòng giáo dục & đào tạo đều tổ chức thi làm đồ dùng đồ chơi, trưng bày những thiết bị tự làm phục vụ cho các hoạt động và chuyên đề. Thông qua hội thi làm đồ dùng đồ chơi này các nhà quản lý và giáo viên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm làm đồ dùng đồ chơi, xây dựng môi trường giáo dục an toàn. Qua việc tổ chức thi làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ, đã có nhiều sản phẩm đồ chơi bền, đẹp, có tính sư phạm tốt và giá trị sử dụng cao được phổ biến nhân rộng trong đội ngũ giáo viên, làm phương tiện hỗ trợ nâng cao chất lượng học tập, vui chơi cho trẻ tại các nhà trường.

 

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015-2016 đối với giáo dục mầm non là tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở các nhà trường, thí điểm xây dựng “Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”. Để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non, theo đồng chí Nguyễn Minh Loan, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục & Đào tạo: Phòng sẽ chỉ đạo các trường mầm non lồng ghép, thực hiện hiệu quả các nội dung giáo dục tích hợp như: Giáo dục an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm… Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các trường mầm non tổ chức cho giáo viên thi làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Tổ chức triển lãm tranh của trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non. Để thực hiện tốt các nội dung này, các nhà trường cần tổ chức tốt các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chuyên đề để tổ chức các hoạt động dạy học hiệu quả nhất.