Cùng với hàng triệu học sinh (HS) trong cả nước, sáng 5-9, hơn 284 nghìn HS ở các cấp học, bậc học trong toàn tỉnh tưng bừng bước vào năm học mới 2015-2016. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn PGS-TS Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới và những vấn đề đang được đông đảo phụ huynh HS quan tâm.
P.V: Trước hết, xin đồng chí cho biết các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai trong năm học mới 2015-2016?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Năm học 2015-2016 là năm học đầu tiên thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ mới, triển khai Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2011-2016 và Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020; là năm học bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW). Toàn ngành cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và phổ cập trung học cơ sở. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trong các hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh, giáo viên, đồng thời đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành Giáo dục phát động. Tập trung đổi mới công tác quản lý giáo dục, phương pháp dạy học gắn với công tác kiểm tra, đánh giá; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, bảo đảm thiết lập nền nếp, kỷ cương trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý cùng những hoạt động khác trong các trường. Tham mưu bảo đảm đủ số lượng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, bảo đảm nâng cao chất lượng đại trà, tăng tỷ lệ học sinh giỏi của các cấp học. Chỉ đạo các trường tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp dạy học gắn với đổi mới cách đánh giá học sinh để tạo nên sự đồng bộ trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, chuẩn bị tốt cho việc triển khai kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016.
P.V: Nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên, ngành đề ra những nhóm giải pháp nào cần tập trung thực hiện, thưa đồng chí?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Ngành sẽ tập trung tuyên truyền để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành có nhận thức đúng đắn về Nghị quyết số 29-NQ/TW; tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành học tập, nghiên cứu về nhiệm vụ năm học mới của các cấp học, chuẩn bị tốt mọi điều kiện để tổ chức ngày khai giảng theo đúng kế hoạch. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với việc tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn và đưa nội dung các cuộc vận động, phong trào thi đua đã tổng kết thành các hoạt động thường xuyên của ngành. Triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án trọng điểm của ngành, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của ngành và đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục theo đúng các quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ việc dạy thêm, học thêm, bảo đảm thiết lập nền nếp, kỷ cương trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý cùng các hoạt động khác trong các nhà trường.
P.V: Để lễ khai giảng năm học mới thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức như thế nào, thưa đồng chí?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Để lễ khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, Sở GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị trực thuộc Sở: Cùng với việc chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới (như về cơ sở vật chất, đội ngũ…), các trường tổ chức lễ khai giảng thống nhất trên toàn tỉnh vào buổi sáng ngày 5-9 - Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 phải được tổ chức trang trọng, có cả phần “Lễ” và phần “Hội” (tổ chức phần “Lễ” trang trọng, ngắn gọn; tổ chức phần “Hội” với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian vui tươi, sinh động nhằm tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm mới). Lồng ghép vào lễ khai giảng là tổ chức lễ đón học sinh vào đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10. Buổi lễ khai giảng năm học mới 2015-2016 phải được chuẩn bị chu đáo trên tinh thần ngắn gọn, tiết kiệm, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới 2015-2016.
P.V: Thưa đồng chí, một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh HS quan tâm, có ý kiến là không ít trường đề ra nhiều khoản thu dưới hình thức “tự nguyện” vào đầu năm học mới. Vậy ngành GD&ĐT có những biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này?
PGS-TS Phạm Việt Đức: Để thực hiện tốt công tác này ở các đơn vị trường học, ngay từ đầu năm học ngành GD&ĐT đã ban hành Công văn số 1004/SGD&ĐT-KHTC (ngày 28-8-2015) về việc hướng dẫn thực hiện các khoản thu theo quy định, thu khác và đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó, yêu cầu các đơn vị trường học tổ chức thực hiện như sau: Công khai các khoản thu để phụ huynh học sinh biết, thực hiện; tổ chức thu, quản lý và sử dụng nguồn thu khác theo đúng quy định. Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi sai quy định theo văn bản hướng dẫn này; đối với những khoản thu sai quy định phải trả lại học sinh. Có chế độ miễn, giảm phù hợp đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo... Tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn, không có tiền đóng góp mà phải bỏ học. Đối với các khoản thu, chi nói trên, các cơ sở GD&ĐT đều phải thực hiện công khai theo quy định.