Ngày 25/9, tại TP. Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ý kiến thảo luận cần đi thẳng vào những khó khăn cụ thể trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề tại từng địa phương. Từ đó làm rõ đặc thù, đề xuất, kiến nghị cụ thể về cơ chế, giải pháp tháo gỡ để giáo dục đào tạo và dạy nghề ĐBSCL có chuyển biến mạnh mẽ giai đoạn tới.
Kết quả giáo dục phổ thông chưa toàn diện
Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết định 1033/QĐ-TTg ngày 30/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh vùng ĐBSCL đã hoàn thành được các chỉ tiêu chủ yếu về giáo dục phổ thông.
Năm 2014-2015, toàn vùng có 3.103 trường tiểu học (giảm 99 trường so với năm học 2011-2012), trong đó có 1.013 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỉ lệ 32,93%. Quy mô học sinh toàn vùng hơn 1,5 triệu em, tăng 1% so với năm 2011-2012; tỉ lệ huy động học sinh tiểu học đi học đúng độ tuổi tăng dần qua các năm và đạt 98,31% năm học 2014-2015 (cả nước 98,55%, Tây Bắc 98,12%, Tây Nguyên 98,13%) và ước thực hiện năm học 2015-2016 đạt 99%.
Toàn vùng có 1.468 trường THCS (tăng 1% so với năm học 2010-2011), trong đó có 384 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 26,15%. Quy mô học sinh là 983.773 em, tăng 10,31% so với năm học 2011-2012; tỉ lệ huy động học sinh THCS trong độ tuổi đạt 82,6% (cả nước 88,2%, Tây Bắc 88,7%, Tây Nguyên 82%) và ước thực hiện năm học 2015-2016 khoảng 84%.
Năm học 2014-2015, toàn vùng có 466 trường THPT (tăng 19 trường so với năm học 2011-2012), trong đó có 57 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỉ lệ 12,23%. Quy mô học sinh 370.836 em (giảm 5,2% so với năm 2011-2012); tỉ lệ huy động học sinh THPT trong độ tuổi đạt 46,9% (cả nước 59,4%, Tây Bắc 55,4%, Tây Nguyên 50,05%) và ước thực hiện năm học 2015-2016 khoảng 48,5%, trong khi bình quân chung cả nước 60%, khó đạt được mục tiêu 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông hoặc tương đương vào năm 2020.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, khó khăn, hạn chế của giáo dục phổ thông vùng ĐBSCL là tỉ lệ bỏ học cao, trong đó ở cấp tiểu học là 0,45% (cả nước 0,16%, Tây Bắc 0,1%, Tây Nguyên 0,3%); cấp THCS 3,26% (cả nước 1,37%, Tây Bắc 1,04%, Tây Nguyên 1,3%); cấp THPT 3,94% (cả nước 1,79%, Tây Bắc 1,99%, Tây Nguyên 1,32%).
Cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều phòng học xuống cấp, toàn vùng còn 1.233 phòng học tạm, hệ thống phòng chức năng thiếu và yếu.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn vùng có 131 trung tâm giáo dục thường xuyên (trong đó có 12 trung tâm cấp tỉnh); 1.621 trung tâm học tập cộng đồng; 172 trung tâm ngoại ngữ, tin học và 3 trường bổ túc văn hóa.
Năm học 2014-2015, đã huy động được 8.675 học viên học bổ túc THCS và 19.956 học viên học bổ túc THPT; 50.295 học viên được học nghề ngắn hạn, 45.761 học viên THCS và 39.997 học viên THPT được học hướng nghiệp, học nghề; số lượt người tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng gần 2,57 triệu lượt người.
Khó khăn của giáo dục thường xuyên của vùng ĐBSCL là mạng lưới các trung tâm chưa phủ kín ở các địa bàn khó khăn; cơ sở vật chất ở một số nơi còn nghèo nàn, số phòng học của trung tâm giáo dục thường xuyên ở một số địa phương còn thiếu…
Năm học 2014-2015, toàn vùng ĐBSCL có 197.208 giáo viên, giảng viên, tăng 9% so với năm học 2011-2012 (180.775 giáo viên), trong đó giáo viên mầm non là 27.911 người; giáo viên tiểu học 76.999 người; giáo viên THCS 54.439 người; giáo viên THPT 25.153 người…
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, tình trạng thiếu giáo viên mầm non ở một số địa phương chậm được khắc phục, giáo viên tiểu học gần đủ định biên để đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày; giáo viên THCS, THPT thừa so với quy định.
Đào tạo nghề khó đạt chỉ tiêu
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Huỳnh Văn Tý cho biết, năm học 2013-2014, toàn vùng có 73 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, tăng 11 cơ sở so với năm học 2010-2011, với quy mô đào tạo là 45.248 học viên, giảm 18% so với năm học 2010-2011; chỉ huy động được 9% học sinh tốt nghiệp THCS vào học, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra từ 10-15%.
Đáng chú ý, trong 5 năm qua (2011-2015), dạy nghề vùng ĐBSCL đã phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhân lực của thị trường lao động.
Hệ thống dạy nghề của vùng đã hình thành mạng lưới đa dạng với tổng số 364 cơ sở. Đặc biệt, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện đã được mở rộng, có 119/131 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn.
Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, có 39 cơ sở dạy nghề ngoài công lập, chiếm 22,16%; nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo như dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho các khu công nghiệp…
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng số tuyển sinh học nghề là 1.238.643 người, trong đó CĐ nghề là 29.120 người (chiếm 2%), trung cấp nghề là 58.917 người (chiếm 5%), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 1.150.606 người (chiếm 93%), số lao động nông thôn học nghề là 794.147 người.
Tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của vùng năm 2015 ước đạt 35,2%, đã tăng so với năm 2010 (23,5%) nhưng còn thấp so với bình quân cả nước (40,6%). Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh trong vùng (An Giang: 26%, Long An: 40%, Bến Tre: 21%, Bạc Liêu: 26%, Kiên Giang: 42,93%, Cà Mau: 47%).
Giáo dục ĐH, CĐ chưa đáp ứng nhu cầu
Trong lĩnh vực giáo dục ĐH, năm học 2014-2015, vùng ĐBSCL có 43 trường ĐH, CĐ (trong đó có 17 trường ĐH, 26 trường CĐ), ngoài công lập có 6 trường ĐH (tỉ lệ 14%). Trong 5 năm (2011 - 2015) đã thành lập thêm 6 trường (4 trường ĐH và 2 trường CĐ). Quy mô sinh viên chính quy của vùng là 130.896 sinh viên (trong đó ĐH là 86.230 và CĐ là 44.666), tăng 9% so với năm học 2011- 2012.
Khó khăn, hạn chế của giáo dục ĐH vùng ĐBSCL là tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo chậm được khắc phục, tỉ lệ sinh viên trình độ ĐH cao, chiếm trên 70% tổng quy mô; quy mô khối ngành kinh tế trên 30% trong tổng số sinh viên đào tạo.
Một số cơ sở giáo dục ĐH chưa chủ động đầu tư, dự báo, tổ chức nghiên cứu nhu cầu nhân lực của thị trường lao động để đào tạo những ngành nghề xã hội cần mà chủ yếu đào tạo trên cơ sở khả năng của trường; trách nhiệm đối với người học, đối với xã hội chưa cao.
So với năm học 2011-2012, tổng số giảng viên cơ hữu trong các trường ĐH, CĐ trong vùng tăng 1.876 giảng viên (từ 5.692 lên 7.568). Số lượng giảng viên có trình độ sau ĐH trở lên trong các trường ĐH, CĐ của vùng là 3.896 giảng viên, chiếm tỉ lệ 52,7%; trình độ tiến sĩ trở lên đạt 8,9% và thấp hơn khá nhiều so với bình quân chung của cả nước (bình quân cả nước là 16,8%). Tỉ lệ giảng viên có trình độ cao trong vùng tập trung tại một số trường ĐH trọng điểm của vùng (như Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Y dược Cần Thơ,…).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào phân tích các nguyên nhân của những bất cập, hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề ở vùng ĐBSCL. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng tình trạng trên một phần do đặc điểm là vùng sông nước nên dân cư phân bố không tập trung, ảnh hưởng đến việc huy động học sinh đến trường; tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Mặt khác, những nguyên nhân chủ quan được nêu lên là việc phân cấp, phối hợp quản lý trong giáo dục và đào tạo ở một số địa phương chưa thật sự gắn kết, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất và nguồn lực.
Nguồn lực tài chính chưa đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục; suất đầu tư trên người học còn thấp chưa phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo.
Một số chính sách, cơ chế tài chính chậm được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển giáo dục, đào tạo vùng ĐBSCL (mức học phí thấp nhưng chưa có chế tài quy định trách nhiệm của doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo); chưa có chính sách đặc thù cho giáo viên dạy nghề thường xuyên trực tiếp tại thôn, phum, sóc, dạy nghề ở trường chuyên biệt; chưa có chính sách đủ mạnh để phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT vào học nghề.